ClockThứ Ba, 26/06/2018 14:30

Như đóa hướng dương

TTH - Chị Trần Thị Mỹ Vân, sinh năm 1986, ở xã Vinh Xuân (Phú Vang) được người dân yêu mến đặt cho những cái tên: ớt của Vân, dưa của Vân... vì những mô hình trồng dưa, ớt... hiệu quả mà chị đã đưa đến cho nông dân.

Dưa lê Vinh Xuân

Chị Vân (giữa) luôn nhiệt tình với bà con nông dân.

Nhiệt tình

Vân, cái tên do cha mẹ đặt cho chị đã được bà con nông dân xã Vinh Xuân “biến hóa” thành tên các loại rau, quả ở nơi này. Hiện nay, tên đang “hot” của chị là “ớt của Vân”, tức loại ớt đang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại đây.

Năm 2014, Trần Thị Mỹ Vân trúng tuyển đợt thi công chức đầu tiên vào vị trí chuyên viên địa chính – xây dựng – nông nghiệp – môi trường xã Vinh Xuân. Trước đó, chị Vân từng theo học Trường đại học Nông lâm Huế. Xuất thân từ gia đình thuần nông, chị hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của bà con nông dân nơi đây.

Từ bao đời nay, người nông dân Vinh Xuân cứ mùa nào thức ấy, lúa, lạc, sắn, dưa, lúc chăn nuôi đàn gà, khi thả lứa cá. “Nếu không trồng những loại cây, nuôi những vật nuôi truyền thống ấy, bà con cũng không biết nuôi trồng gì cho phù hợp. Chất đất ở Vinh Xuân không màu mỡ, trù phú như các địa phương khác. Có rất ít sự chọn lựa cho bà con nông dân nơi đây”, chị Vân chia sẻ. Từ những trăn trở ấy, Mỹ Vân quyết tâm phải mang lại những cây trồng, vật nuôi hiệu quả về địa phương, giúp bà con thoát nghèo, tìm nguồn sinh kế bền vững. đảm nhiệm khá đa dạng. Từ những mô hình trồng trọt như cà chua bi, ớt trái vụ đến các mô hình chăn nuôi như mô hình nuôi cua trứng, tôm sú, mỗi mô hình đều được Mỹ Vân đúc kết kinh nghiệm. “Mô hình nuôi gà kiến trên đệm lót sinh học khá thành công. Năm 2017, với quy mô 1.170 con giống, sau 4 tháng nuôi, lãi hơn 35 triệu đồng. Đến nay, nhờ ưu điểm của đệm lót sinh học, một số hộ dân vẫn tái đàn, tiếp tục chăn nuôi theo phương pháp này.”, chị Vân cho biết.

Khi được hỏi mô hình nào Vân tự hào nhất, chị chỉ nhỏ nhẹ: “Thành công nhất có lẽ là mô hình trồng dưa lê sạch. Nhờ là loại cây trồng truyền thống nên bà con khá hiểu về đặc điểm và quy trình chăm sóc. Sau dưa lê là ớt trái vụ, đây đều là những mô hình mà tôi tâm đắc vì cảm thấy giúp ích được phần nào cho bà con nông dân”.

Quả ngọt

Chị Mỹ Vân giới thiệu với chúng tôi anh Nguyễn Hữu Việt, chàng thanh niên sinh năm 1990. Hữu Việt là một trong những người tiên phong trong phong trào trồng ớt trái vụ tại Vinh Xuân. Vui vẻ tiếp chuyện, Việt nói: “Trước đây, gia đình tôi từng trồng ớt trái vụ, song diện tích không nhiều và không có điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật. Sau khi điện được đưa ra vùng sản xuất, nhất là khi thấy rõ hiệu quả từ mô hình này, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích”.

Trước đây Vinh Xuân vẫn canh tác ớt trái vụ, song hiệu quả không cao. Từ khi chị Vân mang mô hình về Vinh Xuân, người dân đã mạnh dạn hơn trong đầu tư vì thấy rõ nguồn lợi nhuận không nhỏ từ hình thức canh tác này. Từ năm 2017, Hữu Việt bắt đầu canh tác ớt trái vụ bằng hệ thống ống nước và bét tưới. Nhờ nguồn điện chủ động, chàng nông dân trẻ không còn lo lắng về thời gian tưới, tiết kiệm được công lao động. Với 2 sào ban đầu, năm 2018 anh tăng diện tích ớt trái vụ lên 5 sào, dự tính tổng thu 20 triệu đồng/sào. Sự quyết đoán của Hữu Việt khiến chúng tôi nể phục, và thầm vui chung với niềm hạnh phúc mô hình được bà con đón nhận của chị Mỹ Vân.

Nhắc đến cán bộ cơ quan của mình, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết: “Mỹ Vân rất nhiệt tình và tâm huyết trong công việc. Cô ấy thường xuyên tìm tòi, học hỏi ở địa phương khác để lựa chọn mô hình phù hợp nhất với chất đất, khí hậu Vinh Xuân. Chúng tôi luôn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Vân”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Return to top