ClockThứ Năm, 01/10/2020 14:21

Như một giấc mơ

TTH - Có lẽ, khoảng thời gian đẹp nhất của mỗi con người là lúc ta bắt đầu nhận thức được những điều xung quanh mình. Có người đã từng bước trưởng thành, mang lại hạnh phúc cho cha mẹ, người thân; nhưng cũng có người từng sa chân bởi những suy nghĩ thiển cận nếu không kịp sửa sai. Và tôi, đã nhìn thấy được điều đó từ bạn tôi...

Mùa thu vàng hoa cúcVướng lại nỗi buồnĐau xót muộn

Được nuôi dưỡng trong môi trường tốt, tôi trở thành cậu bé lễ phép, lịch sự như là điều hiển nhiên. Thế mà, khi còn là học sinh trung học cơ sở, tôi đã từng học những thói hư tật xấu theo bạn bè như là chửi bậy, trốn học... Và, tôi gặp nó vào thời điểm đó! Nó trở thành bạn thân của tôi. Điều này khiến ba mẹ tôi lo lắng.

Phải, nó đã bày cho tôi làm rất nhiều chuyện tào lao. Nào hút thuốc lá, uống bia nào sống ảo trên facebook… và nếu không cẩn thận sẽ còn sa lầy hơn nữa. Có điều, nó rất tốt với tôi. Đó cũng là điều khiến tôi không thể làm vui lòng cha mẹ để từ bỏ không chơi với nó nữa. Khó khăn ở chỗ, những lời người lớn phân tích về tác hại của những thói hư, tật xấu tôi đang học ở nó là rất đúng. Tư tưởng tôi đã phải đấu tranh, nhưng suy cho cùng tôi cũng chỉ là thằng nhóc nên chẳng biết làm sao để hài hòa được cả hai phía.

Thế rồi, điều đó đã xảy ra, năm lớp 11 thì nó bỏ học. Lần này, thằng nhóc ấy phân tích rằng tại sao ở cái thời buổi đang thừa thầy thiếu thợ thì cứ phải đua đòi chuyện học, có cái nghề giỏi lo gì không lập được nghiệp. Tôi lý lẽ: “Rứa ước mơ làm hướng dẫn viên của mi răng rồi?”. “Không hướng dẫn viên thì người pha chế giỏi - Nghề chi mà chẳng là nghề!”. Nó trả lời.

Tôi im lặng không phải vì thua lý nó. Mà vì, vốn dĩ, không dưng tôi chọn nó là bạn thân; không dưng nó có ước mơ trở thành hướng dẫn viên. Bởi, tôi đã thấy được những tố chất ở một con người có cá tính là nó. Nó hay trốn học, nhưng luôn thuộc bài khi đến lớp, lại giỏi tiếng Anh nhất lớp nên ước mơ của nó là hoàn toàn có cơ sở. Vì thế mà, thầy cô, ba mẹ luôn mong đến ngày nó quay đầu, chịu học hành thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Và rồi, mọi người đã xem như thua cuộc khi nó bỏ học.

Những ngày đầu rời bỏ trường lớp, nó điện thoại liên tục cho tôi, sự phấn khích thể hiện qua những lời nói đầy hào hứng, vội vàng; thế nào là một tay bartender, rồi nhìn màu sắc từ những đồ uống do mình pha chế trông nó vô cùng hấp dẫn… Tôi phần nào đã tin rằng bạn mình sẽ thành công ở lĩnh vực này. Nhưng mẹ tôi đã đúng hơn khi “phán” rằng, “niềm vui đó chỉ trong thời gian ngắn”.

Những cuộc điện thoại thưa dần rồi gần như im hẳn một thời gian dài. Tầm hơn tháng sau, trang mạng cá nhân trên facebook của bạn tôi trở thành cửa hàng thời trang, nó học ở đâu mà viết đủ lời lẽ hay để quảng cáo các loại quần áo sỉ, lẻ, nam, nữ… Ngày nào tôi cũng ủng hộ bạn một “like”. Nhưng thực lòng, lần này tôi không tin tưởng bạn như lần trước. Và, buồn là tôi đã đúng. Tôi không thể dành nhiều thời gian cho bạn nữa vì phải lo chuyện học cho năm học cuối cấp.

Nhưng rồi, như một biến cố đã xảy ra. Ngày khai trường, nó xuất hiện khiến bạn bè ngạc nhiên hơn. Và, ngạc nhiên hơn nữa, nó xếp hàng với lớp dưới nhưng khuôn mặt không hề tỏ ra xấu hổ hay một biểu hiện nào đó như suy nghĩ của chúng tôi về nó. Cuối giờ khai giảng, tôi hẹn nó ra căng tin của trường, mời nó ly sinh tố để chúc mừng. Nó thật lòng: “Xấu hổ chi nữa, xa trường lớp rồi mới thấy hết giá trị của tuổi học trò. Chuyện kiếm tiền nhìn tưởng dễ, vào cuộc rồi mới thấy cuộc đời không hề đơn giản. Được đi học lại như một giấc mơ. Rứa mà bữa chừ cứ coi như cực hình”.

“Thằng nhóc giờ nói chuyện như ông cụ non”. Tôi nghĩ vậy rồi cười. Nhưng tôi mừng, vì có sự sát cánh của gia đình để không có cơ hội học theo sai lầm của bạn. Và tôi cũng tin, lần sai lầm này sẽ giúp bạn có những suy nghĩ tích cực hơn.

HẢI VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top