ClockThứ Năm, 25/08/2016 05:46

Như một niềm khích lệ

TTH - Bốn năm qua, Bùi Thị Diệu (sinh 1983, trú tại Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) - cô gái mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, đã miệt mài soạn giáo án, tìm tòi những phương pháp giải toán hay, kèm cặp, giúp nhiều học sinh đạt kết quả tốt.

Diệu kèm các em học

8 giờ sáng, ngoài ngõ nhà “cô giáo” Diệu ríu rít tiếng nói cười của học trò. Đó là Nhi, Trân, Hiền (nhóm học sinh đang học lớp 9 Trường THCS Thủy Phù). Ba bạn nhanh chóng đến ngồi ngay ngắn vào bàn học. Đối lập với thân thể “mỏng manh” chỉ nặng 36 ký, trong đôi mắt Diệu toát ra một sức sống và niềm say mê khi cô đứng trước học trò. Cô nhanh nhẹn thực hiện “màn” kiểm tra bài tập đã giao cho các em trước khi vào buổi học mới. Trong suốt 2 giờ đồng hồ, trò liên tục hỏi những điều chưa hiểu, hỏi về cách giải một bài toán khó nào đó và đều được cô Diệu nhỏ nhẹ giải đáp, chỉ vẽ một cách tận tình. “Cô giảng giải tận tình và dễ hiểu” là “đáp án” chung của các trò khi được hỏi vì sao lại “lựa chọn” cô Diệu. Diệu cười hiền: “Với hoàn cảnh của mình, trước đây em không hề nghĩ đến việc dạy kèm, làm gia sư. Em chỉ dạy cho mấy đứa cháu ruột. Có một gia đình sống cạnh nhà thấy mấy đứa cháu do em kèm cặp, đứa nào cũng học giỏi môn toán nên nhờ em kèm con. Sau đó, người này mách người khác, thành ra bốn năm qua lúc nào em cũng có học trò” .

“Hoàn cảnh” của Diệu chính là căn bệnh suy thận giai đoạn cuối đang mang trong cơ thể, khiến cô mỗi tuần phải ba lần đến Bệnh viện Trung ương Huế để chạy thận nhân tạo. Phát hiện bệnh khi đang chuẩn bị tốt nghiệp Trường Trung cấp y tế (Đà Nẵng), Diệu suy sụp tinh thần, bởi cô nghĩ rằng cánh cửa tương lai đã đóng sập lại, cuộc đời coi như đã hết. Thời gian đầu sức khỏe quá yếu, phải nội trú tại bệnh viện, chứng kiến người bạn bệnh nhân cùng phòng “ra đi” ngay trong lúc đang chạy thận, Diệu càng chán nản, mất tinh thần hơn. Thế rồi, tình yêu thương của người thân, gia đình đã truyền cho Diệu khát khao được sống, được làm điều gì đó, dù nhỏ. Hoàn cảnh của Diệu đã được đăng trên Báo Thừa Thiên Huế cách đây gần 5 năm trước. Nhận sự động viên, sẻ chia về mặt tinh thần từ bạn đọc, Diệu càng vững tâm để đi trên con đường dài vượt lên bệnh tật, làm người có ích.

Trước đây, ngoài những buổi chạy thận, Diệu chăm sóc đàn gà, đàn vịt nuôi trong vườn nhà, đơm khuy áo, làm đồ vặt cho một tiệm may, giúp đỡ những người xung quanh từ kiến thức trong những năm theo học ngành y... “Làm được bất cứ công việc gì em đều vui vì thấy mình sống có ích. Đến khi được các cô cậu học trò “chọn”, được kèm cặp cho các em, thấy kết quả học môn toán của các em tốt hơn, niềm vui của em như nhân lên gấp bội”, Diệu hạnh phúc chia sẻ. Niềm hạnh phúc đó được cụ thể hóa bằng kết quả học tập của mỗi học trò. Năm học vừa qua Nhi, Trân, Hiền đều là học sinh giỏi. Riêng môn toán, Nhi đạt 9.2, Hiền và Trân đều trên 8.0. Những học trò khác như Huệ (lớp 8), Linh (lớp 7)…cũng đạt điểm toán cao. Các em đều là học sinh giỏi của Trường THCS Thủy Phù.

Với kiến thức và khả năng, Diệu nhận kèm môn toán cho học sinh lớp 1 đến lớp 9. Bốn năm qua, học trò đến tìm học tại nhà cô Diệu lúc nào cũng từ 8 đến 12 em. Thời gian các em nghỉ hè, Diệu tổ chức kèm nhiều “ca” trong một ngày (phù hợp với từng nhóm lớp). Trò nào nhà xa sẽ được xếp lịch học ban ngày. Cô, cậu nào nhà gần sẽ học vào buổi tối. Khi các em vào năm học mới, những giờ do cô Diệu kèm sẽ dồn hết vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Để trò dễ hiểu, dễ tiếp thu, bao giờ Diệu cũng soạn giáo án, chuẩn bị các ví dụ thật kỹ. Đối với những bài toán khó, Diệu tìm các phương pháp giải hay để đến buổi học “chỉ” cho các em. Tất cả những điều đó “ngốn” hầu hết thời gian (sau khi chạy thận) của cô giáo “nhỏ bé”. Vậy nhưng Diệu tâm tình, càng được bận rộn như thế, cô càng vui và hạnh phúc. “Từ lúc phát hiện bệnh đến giờ, em đã 13 năm “gắn” với phòng chạy thận. Quãng thời gian đó, không đếm hết những người bạn cùng chạy thận “ra đi”. Mỗi lần thắp nén hương tiễn biệt, em ngậm ngùi xa xót, nhưng lại thầm nhủ mình càng phải sống cả phần những người cùng cảnh ngộ, phải làm được những điều có ích. Học sinh và cha mẹ các em còn tín nhiệm, em sẽ cố gắng làm thật tốt”.

Những điều Bùi Thị Diệu đã nghĩ, đã làm không chỉ là niềm khích lệ đối với những người cùng cảnh ngộ, kém may mắn, mà còn là một tấm gương sống đẹp.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phương thuốc yêu thương

Không đến nỗi còn sợ hãi khi mắc COVID-19, bởi hầu hết người dân đã được tiêm từ 2- 3 mũi vắc-xin phòng bệnh...

Phương thuốc yêu thương
Nối dài yêu thương

Trên trang facebook cá nhân, tôi thường đăng những tấm hình vui vẻ, phong cảnh đẹp hoặc có ý nghĩa “ghi dấu” nơi đã từng đến. Facebook của tôi để chế độ công khai. Có nghĩa, không chỉ người đã kết bạn mà ngay cả những người không kết bạn vẫn đọc, like (thích), comment (bình luận) được. Tuy nhiên từ trước đến nay, những bài đăng của tôi chỉ có bạn bè like, comment coi như hỏi thăm động viên nhau, thay vì không mấy lúc gặp được nhau, do khoảng cách địa lý hay những bận rộn của cuộc sống.

Nối dài yêu thương
Gieo điều tốt đẹp

Trên tấm kính của tủ mỳ ghi hàng chữ “bánh mỳ 0 đồng, mỗi người 1 ổ”. Nhưng khi bà cụ già nua lưng còng, chống gậy chậm chạp từng bước, các bạn nhanh nhẹn gói ngay 4 chiếc bánh, trao cho cụ.

Gieo điều tốt đẹp
Chung sức chống dịch

Phát huy trách nhiệm của cán bộ ngành kiểm sát, cán bộ, công chức, người lao động Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) hai cấp bằng nhiều hình thức đã nỗ lực, bền bỉ góp sức với cộng đồng trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Chung sức chống dịch
Return to top