ClockThứ Sáu, 03/06/2016 14:22

Nhức nhối “chi phí không chính thức”

TTH - Tại hội nghị nâng cao nâng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức ngày 31/5 vừa qua, các nguyên nhân dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thừa Thiên Huế từ vị trí cao giảm dần xuống trung bình khá của bảng xếp hạng trong 2 năm trở lại đây (năm 2015 ở vị trí 29/63, giảm 16 bậc so với năm 2014) được nhận diện khá đầy đủ. Trong 5 chỉ số thành phần giảm vị trí xếp hạng, chỉ số chi phí không chính thức tuy chỉ giảm 3 bậc, nhưng có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Cụm từ “chi phí không chính thức” có lẽ không lạ với các doanh nghiệp, nhưng nghe thật khó chịu, không minh bạch chút nào. Tuy chưa có định nghĩa chính thức nào về cụm từ “chi phí không chính thức”, nhưng có thể nhận diện chúng qua những hình thức cụ thể như: tiền hỗ trợ cho một cơ quan công quyền nào đó đi nghỉ mát, mời lãnh đạo đi “tham quan, học tập”, bồi dưỡng cho cán bộ thanh tra, thuế khi đến làm việc, cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ, thủ tục hải quan… Đó là chưa kể các khoản “làm luật” để được nhận dự án, được cấp phép, tiền bôi trơn để qua các cửa hành chính… Thông thường, cả người đưa và người nhận đều gọi đó là các khoản chi “tình cảm”, tự nguyện, nhưng xét cho cùng chẳng doanh nghiệp nào lại tự nguyện bỏ tiền để được làm những việc pháp luật không cấm. Thực chất, đó là những khoản họ buộc phải hối lộ cho các cơ quan, đội ngũ công quyền để công việc thuận lợi, nhanh chóng; hoặc để được bỏ qua các sai sót; đổi lấy một cái lợi lớn hơn. Chính điều này là méo mó nền kinh tế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đã là chi phí không chính thức, thường thì cả người đưa và nhận không công khai và không được công nhận. Nay chi phí không chính thức được “điểm mặt, chỉ tên”,  là 1 trong 10 chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh rõ ràng vấn đề không còn là nhỏ. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, qua khảo sát PCI năm 2015 có đến 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức... Chi phí không chính thức và tham nhũng được nhìn nhận là hai yếu tố khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác. Theo đó, dù Thừa Thiên Huế có rất nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chỉ số chi phí không chính thức vẫn sụt giảm, đồng nghĩa với chi phí không chính thức của các doanh nghiệp vẫn gia tăng. Đó là thách thức đặt ra trong công tác quản lý, điều hành của tỉnh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhiều giải pháp được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đưa ra tại hội nghị trên như: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao  trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, tăng cường dịch vụ công trực tuyến, tiến tới thành lập Trung tâm hành chính công và Trung tâm hành chính một cửa cấp tỉnh nhằm cải thiện hơn môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với các chính sách ưu đãi của tỉnh để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung tháo gỡ “chi phí không chính thức” cho doanh nghiệp vừa là cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất trong Năm doanh nghiệp 2016, vừa là giải pháp nâng cao sức mạnh nền kinh tế, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh những năm tiếp theo.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế có chỉ số PCI đứng thứ 6 toàn quốc

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022. Thừa Thiên Huế đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Thừa Thiên Huế có chỉ số PCI đứng thứ 6 toàn quốc
Để Thừa Thiên Huế trở thành “bến đỗ” của các nhà đầu tư

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, Thừa Thiên Huế luôn chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư (NĐT). Đó là chia sẻ của ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Để Thừa Thiên Huế trở thành “bến đỗ” của các nhà đầu tư
Return to top