ClockChủ Nhật, 26/07/2020 14:54

Những ấm áp giấu tên

TTH - Mọi thứ bắt đầu từ một lần đi khám bệnh của thằng Tin. Vốn đã có vài triệu chứng bất thường, nhưng vì ỷ y chủ quan, nên thằng Tin cứ lần lữa mãi. Cái dự đoán “suy thận giai đoạn cuối” của bác sĩ giống như ai đó bưng một thùng phuy đầy nước lạnh, đứng ở trên cao và đổ ầm xuống bốn người trong gia đình Mai. Chới với.

Thằng Tin còn trẻ lắm. Vợ con chưa có. Vừa tốt nghiệp cao đẳng, xin việc mấy chỗ, nhảy việc vài nơi. Tổng thời gian đi làm kiếm tiền chưa tới ba năm. Mai khó lòng mà tin được, ông trời có thể đối xử với Mai lạnh lùng tới mức ấy. Sinh ra đã nhẹ cân thiếu tháng, hơn một tuổi, căn bệnh sốt bại liệt đã cướp đi của Mai đôi chân lành lặn, biến thành quặt quẹo lay lắt. Như vậy đã là phước đức lắm rồi. Thời đó, chốn đó, hoàn cảnh gia đình thế đó, khó ai nhớ tới khái niệm “chích ngừa”. Nên đừng ngạc nhiên khi Mai là nạn nhân của sự thiếu sót y tế ấy. Giữ được mạng đã là một phúc phần. Thể trạng Mai từ đấy ốm yếu, xương khớp cứ hễ mưa gió là nhức nhói. Mấy năm gần đây, cột sống bắt đầu có dấu hiệu sa sút, Mai phải thường xuyên vào thành phố thăm khám.

Ở cái thị trấn bé xíu đầy nắng và gió này, kiếm được đồng tiền không phải dễ. Xong trung học, Mai gắng kiếm một chương trình đào tạo ngắn hạn, cầm về cái bằng trung cấp, bắt đầu sự nghiệp kèm cặp cho các bé học hành. Ban đầu là rèn chữ và luyện văn. Sau là khơi gợi sự yêu thích đọc sách, tập tành làm quen với câu chữ. Học phí chẳng phải là nhiều, nhưng cũng đủ đắp đổi. Phần lớn thu nhập của Mai đến từ các bài viết cộng tác với mấy tờ tạp chí lớn nhỏ. Tên Mai dần trở nên một thương hiệu.

Những buổi dạy thêm ngoài giờ với lũ học trò giờ đành gác lại. Tất cả tập trung vào Tin. Gì chứ nhất định phải chắc chắn đúng bệnh. Đúng người đúng thời điểm là câu cửa miệng ưa thích của Mai. Giờ nó vận vào người. Tại sao lại là lúc này. Năm trước, Mai vay mượn sửa lại căn nhà đang sống cùng ba mẹ. Mọi thứ vừa tạm yên, dù khoản nợ đó còn đang nóng hổi, thì tai họa ập tới.

Ai từng có người thân bị suy thận mới thấu hiểu nỗi kinh hoàng của nó. Căn bệnh nhà giàu nhưng lại nhiều dân nghèo dính phải. Thật khó tin, khi tuổi của người bệnh ngày càng trẻ hóa. Cuộc sống bận rộn vất vả, thực phẩm độc hại, môi trường ô nhiễm… là những cái lý do vĩ mô được gán vào. Còn nhỏ nhặt bình dân hơn, là quên uống nước, ăn uống tùy tiện tạm bợ. Thêm một yếu tố nữa là trời kêu ai nấy dạ, số phận ai bị gọi tên “thận yếu thận suy” thì đành chịu. Nhẹ thì gắn đời mình với cái máy chạy thận. Nặng hơn, phải tìm cách thay thận. Tệ hơn nữa, là muốn ăn gì thì ăn, đơn bác sĩ ghi “bt” cứ tưởng bình thường, hóa ra là bó tay.

Mai thật không dám chia sẻ chuyện nhà với ai. Chỉ kể với Chiến. Dặn dò cẩn thận là chớ có hé ra ngoài. Thiên hạ mấy người thông cảm, xót xa, hay lại dè chừng sợ mình nhờ vả, vay mượn. Thời buổi bây giờ, Mai thật chẳng lạ gì. Tự trọng là điều sống còn. Mai không muốn việc riêng gia đình mình là miếng mồi trên bàn cà phê, trong những cuộc trà chiều của bạn văn, bạn viết, bạn đọc. Mai sợ cảm giác được, hay bị thương hại.

Tự dưng Mai nhớ tới một lần, chị bạn viết lách ở một thị xã nọ bị mất chiếc xe gắn máy cũ. Trộm vào chôm mất trong vài phút sơ sểnh. Giá trị cái xe hiện tại chắc cỡ ngoài chục triệu. Lúc mua mới là gần hai mươi, xe số. Cộng thêm phí trả góp, mông má các kiểu, mới vượt con số đầu hai ấy. Là chị bạn kể lể ở trang cá nhân, trên mạng như vậy.

Nhiều người vào chia sẻ. Một ai đó mạnh dạn nói: Thôi thì chị đã từng giúp đỡ nhiều người rồi, đây là lúc để bạn bè đáp lễ lại chị lúc gian nan. Chị đưa số tài khoản lên đây đi nào. Kèm theo đó, người nọ còn thật thà gắn tên chị A, anh B, cô C… vào. Ít ai lên tiếng phản hồi. Thường chỉ chọn biểu tượng cảm xúc, rồi thôi. Thêm một cái góp ý trực tiếp, ngay giữa nơi công cộng, rằng: Nhà có tới bốn người đang ở độ tuổi lao động, mạnh khỏe, có thu nhập, vậy mà đi kêu gọi… từ thiện. Chưa kể, cái xe cũ không phải là tài sản quá lớn. Khi nào bị… cháy nhà hay bệnh nan y thì hãy hay! Không thấy xấu hổ sao?

Mai đọc qua, cảm thấy quá sốc. Chị bạn không những xóa cái câu cay nghiệt ấy đi, mà còn gỡ bỏ toàn bộ các bài đăng có thông tin liên quan tới mất xe. Sau lưng chị, bạn bè chung với Mai thầm thì. Thậm thụt. Thì thào. Nhiệt tình quá mức, trong trường hợp này, thành ra vô duyên, đòi hỏi, trơ mặt. Người ta trách cũng chẳng sai.

Mai từ đó cũng đâm ra sợ hãi, co lại, không dám nghĩ tới chuyện “mở lòng” này nọ. Nhưng với Chiến thì khác. Chiến vốn là bạn học cũ thân thiết ở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn với Mai. Vừa là đồng hương. Vừa là người hay đọc những cái truyện ngắn của Mai chăm chú nhất. Chiến sống ở thành phố lớn, công việc thuận lợi, vị trí xã hội tốt hơn hẳn, nhưng không vì thế mà lên mặt với bạn bè cũ. Cụ thể ở đây là với Mai. Chiến vẫn hay ân cần nhắn hỏi thăm Mai. Chịu khó nghe những than thở ỉ ôi mấy lúc Mai mệt nhọc, khốn khổ. Thậm chí là im lặng, thi thoảng buông tiếng thở dài khi Mai òa khóc rồi hỉ mũi rột rẹt. Mai giấu diếm ai hoàn cảnh của mình, chứ sao có thể không thổ lộ với Chiến. Là nhà Mai đang định bán hết mọi vật dụng có giá, gom góp vay mượn để chữa chạy cho Tin. Còn nước còn tát. Người còn của còn.

Nói cứng vậy, chứ Mai thao thức từng đêm. Vào thành phố nằm viện là cả một bài toán khó. Tiền bạc một nhẽ. Mai muốn di chuyển thì cần cái xe máy đã gắn thêm cặp bánh phụ phía sau. Giờ phải gởi xe vào đó, phức tạp. Chỗ ăn chỗ ở. Bà con không có, người thân cũng không. Mai biết một mình loay hoay làm sao giữa phố xá đông đúc? Ba mẹ Mai già rồi, chỉ có thể ở nhà ngóng tin. Càng chẳng thể để cảnh tre già khóc măng được. Thằng Tin là niềm tự hào, là chỗ dựa của cả nhà. Mai không cam tâm mất em đơn giản thế này được, Tin ơi!

Đó là những suy tính khổ sở, bế tắc của riêng Mai. Chứ trước mặt ba mẹ, Mai vẫn nhẹ nhàng bảo, không sao. Còn nước còn tát. Bây giờ y học phát triển lắm, nhiều cơ hội vô cùng. Chỉ cần chúng ta giữ vững tinh thần lạc quan, thì lo gì không chiến thắng được bệnh tật. Với thằng Tin, Mai nghiêm trang dặn dò, là bệnh này chữa được. Đừng khiến cho ba mẹ với chị phải thất vọng. Gia đình mình mai này đều trông đợi vào em cả đấy. Mạnh mẽ lên chứ Tin!

Hình như đó cũng là cách để Mai tự động viên. Tiền đâu? Người đâu? Mối quan hệ ở đâu? Một hai lần bắt xe đò đưa em vào thành phố khám, Mai hiểu rõ, hành trình sẽ rất dài, đăng đẳng để giành giật từng cơ hội sống. Và phải có thực lực. Cụ thể ở đây, là tiền. Mà nhà Mai thì…

Cuộc gọi đến vào một cuối chiều. Là chị An bên nhà xuất bản X đây, Mai còn nhớ không? Em nhắn chị xin số tài khoản nhé, chị có in chung vài bài viết của em trong một tuyển tập. Đây là nhuận bút. Mai mừng rỡ hỏi, là cuốn sách nào vậy chị? Nhưng chị nói, cứ đưa thông tin đây, rồi chị gởi chi tiết cho em sau, Mai nhé!

Cái chi tiết ấy, là một cái tin nhắn, ghi đơn giản là bạn bè thân sơ “Gởi chút quà cho Tin. Cả nhà Mai cố lên nào!”. Hết, thậm chí cũng không biết gồm những ai, thơm thảo bao nhiêu, để Mai sau này còn có dịp đền ơn. Tế nhị và chu đáo tới mức, Mai chưa từng nhìn thấy tên mình được, hay bị, nhắc tới ở bất kỳ đâu đó. Khoản ủng hộ đủ lớn để Mai yên tâm lo cho Tin trong thời gian trước mắt. Tại sao bạn bè biết tin, thì Mai nghĩ mãi, rồi chợt nhớ tới Chiến. Hãy kể bí mật cho một người đàn bà kèm theo câu dặn dò “đừng nói với ai nhé”, nếu muốn cả thành phố đều hay chuyện. Hóa ra, Chiến không cần Mai dặn gì, thì cũng đủ cho toàn bộ giang hồ biết rằng, Mai đang ở trong cái khúc quanh ngặt nghèo của đời người. Cô độc, sợ hãi, khó khăn, bế tắc biết chừng nào…

Và hạnh phúc biết bao khi có rất nhiều bàn tay âm thầm lặng lẽ chìa ra, không tò mò căn vặn, chẳng hoài nghi hoặc đợi cô gái khốn khổ báo đáp. Mai biết trả món nợ ân tình này sao đây, trong khoảnh khắc bật khóc vì xúc động này?

HOÀNG MY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top