ClockThứ Năm, 12/06/2014 04:19

Những bậc thang trong tâm thức

TTH - Bậc thang, đơn giản chỉ là nơi nâng bước chân người ta lên, xuống. Ngày lại ngày, năm sang năm, nhiều người đi qua... mấy ai rảnh rỗi để đếm rằng ta đã qua bao nhiêu bậc, mất bao nhiêu thời gian để đi hết chặng đường ấy.

Hỏi bạn có khi nào bạn nhớ tới những bậc thang nhà bạn, công sở nơi bạn làm? Bạn grừ: Hâm, ai rảnh! Đó là việc của mấy ông thợ xây!

Rứa mi có nhớ không? Bạn hỏi quặc lại.

Có chơ! Thời mang bầu thằng cu, vì nhà ở tầng 2, tháng cao điểm tiết kiệm điện, điện cúp bất tử, sợ ngã nên phải ghi nhớ số bậc thang...

Đợt đi trao quà cho trẻ em nghèo ở một ngôi trường vùng xa, tôi để ý có hai đứa trẻ cứ đứng mân mê ở cầu thang lên tầng 2. Có lẽ đó là hai chị em, hình như đứa em gái bị khiếm thị nên không nhìn rõ. Người chị cầm tay em rờ rẫm vào từng bức tranh vừa tả hình ảnh, vừa gọi tên sắc màu. Đứa em gái ngước mắt lên không trung tưởng tượng, miệng há ra: “Rứa hả chị! Rứa hả chị”. Thế rồi cô bé tội nghiệp lập ngay cho mình bản đồ ghi nhớ: “Bậc thứ 7 có tranh cô Tấm cho cá bống ăn cơm. Bậc 12 là cô Tấm vào cung...”. Cứ như thế, diễn biến câu chuyện tịnh tiến theo số bậc thang. Ở bậc cao nhất là kết thúc chuyện.

Hôm về giúp tổ chức ngoại khóa biển đảo ở một ngôi trường tiểu học, chúng tôi được mời lên tầng 2 làm việc với ban giám hiệu. Những bậc thang trường cũng gây ấn tượng với khách. Mỗi bước chân là một dòng cửu chương. Cứ như thế, lên tầng 2 thì học thuộc hết cửu chương 3. Thầy hiệu trưởng bảo đó là mẹo hay để các em học sinh ôn bài hàng ngày. Và từ tổng số hàng cửu chương có thể suy ra để lên tầng 2, người ta đã qua bao nhiêu bậc thang. Tình cờ mà hữu ý là vậy!

Không ai buộc phải nhớ bậc thang. Hiển nhiên ai cũng nghĩ thế. Vậy mà có nơi, đó là điều nên nhớ, cần nhớ! Một chiến sĩ hải quân vừa trở về đất liền kể cho tôi câu chuyện có thật khi cấp trên về kiểm tra tình hình xây dựng thế trận phòng thủ trên một hòn đảo. Lãnh đạo đoàn kiểm tra hỏi người đứng đầu lực lượng đóng quân rằng, anh có biết cầu thang đơn vị có bao nhiêu bậc không? Câu hỏi làm người thuộc cấp ở vị trí chỉ huy ngớ người ra. Anh tự vấn tại sao cấp trên lại hỏi chi cắc cớ. Thấy thuộc cấp bối rối, người chỉ huy mới ôn tồn giải thích: nắm vững con số bậc thang sẽ rất có lợi khi anh dự đoán thời gian di chuyển, dự tính các phương án tấn công, phòng thủ linh hoạt. Chi tiết nhỏ này khiến người chỉ huy ở hòn đảo nọ mất điểm nhưng để lại cho anh bài học ý nghĩa trong việc nắm vững từng chi tiết trong hệ thống phòng thủ đơn vị.

Bạn tôi ở nước ngoài up lên face book những bức ảnh rất lạ kể rằng, ở nước ngoài, cha mẹ thường chụp những bức ảnh đánh dấu từng khoảnh khắc của con cái trong đời thường và cứ mỗi năm, khi đứa trẻ lớn lên, một bức ảnh ấn tượng nhất của năm sẽ được treo lên đó. Khách đến chơi nhà sẽ nhìn thấy nhật ký bằng ảnh sinh động về một thành viên trong gia đình. Còn chính đứa trẻ được “đánh dấu” trên cầu thang sẽ nhớ rõ số bậc thang tương ứng với độ tuổi và chủ đề bức ảnh theo năm tháng cho đến khi trưởng thành, rời nhà sống tự lập. Rồi những đứa trẻ ấy sẽ tạo nên những cầu thang ảnh cho con mình. Hình ảnh ấy sẽ được phát triển theo cấp số nhân. Số bậc thang sẽ nằm lại trong tâm thức đứa trẻ, thậm chí là cha mẹ của chúng với những kỷ niệm khó quên.

Có cái gì đó ấn tượng, gắn kết nên người ta mới nhớ. Đó là điều hiển nhiên! Không ai bắt bạn phải nhớ số bậc thang trong nhà hay ở công sở. Nhưng từ khi nghe câu chuyện của người lính hải quân nọ, tôi đã thử nhẩm đếm và ghi nhớ số bậc thang cơ quan mình. Không biết nó có ở mãi trong bộ nhớ không, nhưng biết đâu, lúc nào đó nó sẽ có tác dụng.

L. Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top