ClockThứ Tư, 24/02/2016 09:59

Những bài thơ trả ơn đời, ơn người

TTH - Lê Viết Xuân làm thơ không phải để trở thành nhà thơ: Anh làm thơ với lẽ đơn giản là để nói lên lòng mình, tình mình. Thơ anh chân chất tràn trề tình cảm. Lời thơ mộc mạc, giản dị khiến người đọc dễ cảm, dễ hiểu.

“Gặp lại lời ru” là tập thơ thứ 9 của anh. Với người chuyên làm quản lý /lãnh đạo (15 năm liền giữ chức phó giám đốc sở) mà đã sáng tạo ra chừng ấy tập với hàng trăm bài thơ là điều hết sức quý trọng.

“Gặp lại lời ru” là tập thơ đa chiều cả về không gian và thời gian. Bắt gặp những bài thơ hồi còn học phổ thông trung học, những bài thơ thời sinh viên những năm 70, rồi bài thơ trong đời lính cho đến những bài thơ vừa viết chưa ráo mực. Thơ anh ôm trọn các vùng miền từ cực Bắc đến cực Nam của Tổ quốc. Anh nếm đủ hương vị của dân tộc Kơ tu, Khơ me, Thái, Dao đỏ… và trả ơn đời, ơn người bằng những bài thơ đầy rung động.

Thơ Lê Viết Xuân nói chung và thơ Lê Viết Xuân trong “Gặp lại lời ru” nói riêng đậm chất hồn nhiên mộc mạc của một người bình dân, có chất suy tư của người quản lý, lại có chất triết lý chiêm nghiệm của một nhà tư tưởng. Cả tin là bài thơ hay của tập thơ. Bài thơ giản dị, kiệm lời nhưng lại tổng kết được kinh nghiệm sống của mình và của đời

Chim cổ cao lông mượt

Chắc gì đã hót hay

Người đầy mình kiến thức

Chắc chi đã là thầy

 

Ngày lại nối tiếp ngày

Cơ man điều nghịch lý

Chỉ dựa vào lý trí

Có khi nhầm như chơi

 

Và tác giả lại thấy:

 

Già rồi vẫn ngu ngơ

Trước những lời có cánh

Bao cuộc đời bất hạnh

Chỉ vì lòng cả tin.

(Cả tin)

Bạn bè, đồng nghiệp, người thân đều rõ Lê Viết Xuân chân thật trong tình yêu. Anh không hề làm duyên làm dáng trong đời và cả trong thơ. Anh đã yêu ai thì yêu suốt đời, đã giúp ai thì giúp đến nơi đến chốn. Trong anh không có cả oán hờn mà chỉ có sự yêu thương và niềm tin tưởng. Cảm xúc thơ mà anh có được và luôn thăng hoa từ tấm lòng thuần hậu và chất phác luôn thường trực trong con người anh.

Bao trùm lên “Gặp lại lời ru” là chất tình miên man với cảm xúc chân thật. Lấy tên bài thơ này để đặt tên cho tập thơ là điều hợp lý:

Anh đã đi ngang dọc khắp miền

Lúc vấp ngã, vịn lời ru đứng dậy

Đi sao hết những lời ru ấy

Đời người không thể thiếu lời ru

(Gặp lại lời ru)

Quả đúng như vậy, đời người không thể thiếu lời ru, song hình như trong đời sống hiện đại, lời ru ngày càng thiếu vắng. Bắt gặp lời ru nhắc nhở chúng ta phải bảo tồn những bài hát ru để tiếng hát ru của người mẹ thấm vào hồn trẻ thơ, nuôi dưỡng tình yêu thương con người, cho con cái chúng ta từ thời tấm bé.

Lê Viết Xuân làm thơ nhiều thể loại, nhưng đọng nhất và gây ấn tượng mạnh nhất là thể thơ mỗi câu 5 chữ, 6 chữ. Những bài thơ hay nhất của anh thuộc thể thơ này. Đó là các bài: Cả tin, Tháng ba xanh, Về làng, Đời sẽ đẹp hơn, Bến sông quê...

”Trên đường đi bộ” là bài thơ mộc mạc, chân thật hết cỡ nhưng lại đầy nhạc điệu:

Đi bộ thành thói quen

Vắng đi người uể oải

Thời gian dường chậm lại

Trên đường gặp NàngThơ

 

Bắt đầu một khúc ca

Già trẻ, đều vui hát

Khoan thai cùng điệu nhạc

Thấy đời rộng dài hơn.

(Trên đường đi bộ)

Với những thể thơ khác, thơ anh vì lụy tình muốn nói cho hết ý, nên không ít bài vẫn rườm rà, nhiều ý không có sự ăn nhập trong toàn cục của tứ thơ do đó ít hiệu quả về mặt nghệ thuật.

“Gặp lại lời ru” đã làm cho gia tài thơ của Lê Viết Xuân nhiều lên và nặng thêm. Ở đây tôi (người viết) không bàn nhiều về giá trị nghệ thuật vì nghệ thuật gì cũng giúp ích, làm đẹp cho đời, cho người. Thơ Lê Viết Xuân dù viết về người, về mình, về cảnh, về tình đều thuần hậu, dung dị và anh đã trải lòng mình cho thơ, cho đời, không vướng bận vào danh vọng, tục lụy ở đời.

Nguyễn Hới Thọ 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để có một nắng chiều lặng lẽ

“Lặng lẽ nắng chiều” là tập thơ đầu tay của tác giả Lê Đức Tường, bút danh Tương Huyền, hội viên Hội thơ Hương Giang Thừa Thiên Huế.

Để có một nắng chiều lặng lẽ
Để có cái “Nhìn từ Huế”

Sống ở Huế, viết về Huế, thế mà Dương Phước Thu lại chọn cho cuốn sách mới vừa ra mắt bạn đọc của mình cái tên “Nhìn từ Huế”.

Để có cái “Nhìn từ Huế”
Return to top