ClockThứ Bảy, 27/02/2021 14:59

Những bóng hồng “lì đòn”

TTH - “Lì đòn” là từ mà TS. BS. Mai Văn Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Trung ương Huế) dùng để miêu tả gọn về sức bền của các “nữ chiến binh” Phòng Sinh học phân tử trong cuộc chiến phòng chống COVID-19.

Được tham gia “trận chiến” là hạnh phúcBệnh nhân COVID-19 cuối cùng được điều trị tại Huế xuất viện

Nữ kỹ thuật viên bất hoạt mẫu vật phẩm trong phòng xét nghiệm

TS.BS. Tuấn cũng là tác giả của bức ảnh được ghi lúc 1 giờ sáng ngày 15/4/2020, thời điểm các nhân viên Phòng Sinh học phân tử (Khoa Vi sinh) đang thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và nhà nhà đang ngon giấc.

Tháng 2/2020, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị hạng đặc biệt ở khu vực miền Trung và là đơn vị thứ 5 của cả nước được thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 với kỹ thuật Real Time (RT-PCR). Từ công suất ban đầu thực hiện 80-100 mẫu/ngày, bệnh viện nâng lên 400-450 mẫu/ngày và nay, “đỉnh” nhất có ngày ê-kip trực đã thực hiện được 1.400 mẫu.

Ngày Khoa Vi sinh thực hiện 1.400 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 rơi vào mùng 5 Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ca trực do BS. Lê Thị Phước Hạnh phụ trách. “Hôm đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuyển qua 1.801 mẫu. Vì số lượng mẫu quá lớn nên mình đã thống nhất cho kiểm mẫu xong thì bảo quản lạnh. Ca trực trong ngày phấn đấu là khoảng 1.000 mẫu, còn lại chuyển kíp sau. Nhưng sau khi kết thúc ca trực, các bạn báo cáo làm được 1.400 mẫu, số còn lại chuyển kíp trực sau. Đó là mức kỷ lục từ trước tới nay tại khoa. Không tưởng được luôn”. TS.BS. Tuấn vừa nói vừa cười đầy tự hào về những “nữ chiến binh” lì đòn của mình. Anh bảo, ¾ số nhân viên của khoa là nữ, đa phần đã có gia đình nhưng con thì còn nhỏ. Vậy mà khi vào guồng, không ai phàn nàn hay đề xuất được ưu tiên, cứ đến phiên là “vô phòng” (Phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2). Là nữ, nhưng sức bền trong công việc của chị em còn dẻo dai hơn nam nhiều và khoa rất yên tâm khi giao việc.

Từ đợt dịch COVID -19 bùng phát lần thứ 3 bắt đầu từ ngày 27/1/2021, Khoa Vi sinh tổ chức 4 kíp trực trong phòng xét nghiệm, mỗi kíp 2 người, làm việc liên tục trong 24 giờ (trong đó có 2 nhân viên Khoa Hỗ trợ sinh sản và 1 nhân viên Trung tâm Huyết học - Truyền máu). Những ngày số mẫu về nhiều (gần 500 mẫu trở lên), Khoa xin thêm người hỗ trợ kiểm mẫu từ các đơn vị khác trong bệnh viện. Thực hiện nhiệm vụ trong mùa tết đúng đợt cao điểm dịch bùng phát, các nữ nhân viên của Khoa Vi sinh đều có hậu phương là gia đình hỗ trợ tối đa việc chăm sóc con cái, nhà cửa.

Trong suy nghĩ của các chị, Tết Nguyên đán Tân Sửu đã “xong” từ ngày 27/1, khi Hải Dương ghi nhận những ca bệnh COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng. “Đã vào ca, chẳng ai còn nghĩ hôm ấy là ngày bao nhiêu của tết, chỉ biết cố gắng làm việc hết sức để hoàn thành nhiệm vụ một cách chỉnh chu nhất, chính xác nhất và bàn giao hiện trạng công việc cho kíp trực tiếp theo một cách gọn gàng nhất”, cử nhân kỹ thuật Lê Thị Thanh Lan nói.

Cũng vì tết đã “xong” từ “ngày ấy” nên khi nhiều người tranh thủ thu xếp thời gian để sum họp tết ấm áp cùng gia đình, thì các bạn ở Khoa Vi sinh giao ca xong chỉ nghĩ đến chuyện… được ngủ. BS. Lê Thị Phước Hạnh và CN. Mai Thảo Vy là 2 thành viên chính trực ca ngày 30 tết chia sẻ, sáng mồng một, giao ca xong hai chị em 9X chỉ dành thời gian còn lại trong ngày cho việc ngủ. “Em đã ngủ nguyên một ngày mùng một. Mệt rã rời nên chỉ có thể ngủ và cũng phải ngủ để có sức cho ca trực tiếp theo nữa”, Phước Hạnh cười hiền khô. “Mong gì trong ngày của mình (27/2)?”. Trả lời tôi, các nữ kỹ thuật viên Phòng Sinh học phân tử đều nhìn nhau cười: “Trông dịch bệnh mau chấm dứt. Bà con an toàn thì mình mới vui mừng được”.

Còn rất nhiều chiến binh vô cùng “lì đòn” không lùi bước trước COVID-19. Xin mượn hai chữ “Cảm ơn!” thay lời tri ân những hy sinh thầm lặng nhưng lớn lao của các chiến sĩ trên tuyến đầu đầy khó khăn ấy.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN -  KIM CHUNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top