ClockThứ Sáu, 20/02/2015 06:20

Những “câu chuyện nhỏ” về “hành trình lớn”

TTH - Không biểu ngữ, khẩu hiệu, không cờ hoa kèn trống rình rang như những chương trình truyền thông về biển đảo mà tôi từng tham gia nhiều lần, 5 người chúng tôi ngồi trong chiếc xe nhỏ do Trần Thắng cầm lái, len lỏi khắp vùng Đông Bắc của nước Mỹ, gõ cửa những giảng đường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới để kể cho những người bạn Mỹ và những con dân đất Việt xa xứ về hành trình làm chủ biển khơi của dân tộc Việt Nam, cũng như những câu chuyện bi hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.

Tác giả Trần Đức Anh Sơn thuyết trình về Hải thương Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII tại Đại học George Washington (Mỹ)

Chúng tôi gồm: đạo diễn Phan Huyền Thư (Hãng phim tài liệu TW, Hà Nội), anh em họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải (New Space Art Foundation, Huế) và tôi (Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) được kỹ sư Việt kiều Trần Thắng, “người sưu tầm bản đồ chủ quyền”, Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York, mời sang Mỹ chiếu phim và thuyết trình về chủ đề FACING TO THE OCEAN (Đối diện đại dương) trong các trường đại học ở vùng đông bắc nước Mỹ.

Những người tham gia chương trình FACING TO THE OCEAN giao lưu với cử tọa sau buổi chiếu phim ở Đại học New York.

Trần Thắng bảo:“Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây sự chú ý của dư luận Mỹ, nhất là các học giả và sinh viên quan tâm đang nghiên cứu và theo học các ngành học liên quan đến Việt Nam. Vì thế, IVCE mời mọi người sang Mỹ kể cho họ nghe về quá trình chinh phục biển đảo của dân tộc Việt Nam để họ hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của người Việt và sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền mà Trung Quốc đang thực hiện”.

“Câu chuyện nhỏ” về “hành trình lớn”

Chúng tôi đã “kể” những “câu chuyện nhỏ” ấy với lòng nhiệt thành và niềm tự hào to lớn trong giảng đường của 7 đại học ở vùng đông bắc nước Mỹ trong suốt 3 tuần. Đó là các đại học: Brown (bang Rhode Island), Viện Công nghệ Massachusetts - MIT và Mount Holyoke (bang Massachusetts), Yale (bang Connecticut), New York (thành phố New York), Pennsylvania (bang Philadelphia), George Washington (thủ đô Washington D.C.). Ngoài ra, Trung tâm Tưởng niệm hải quân Mỹ (US Naval Memorial Center) ở Washington D.C. cũng mời chúng tôi đem chương trình FACING TO THE OCEAN đến trình chiếu và thuyết trình.

Phan Huyền Thư mang tới Mỹ bộ phim tài liệu Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn kể về hành trình của những người bố, người mẹ, người vợ từ đất liền ra Trường Sa thăm con, thăm chồng,… thăm nơi yên nghỉ của những người ruột thịt đã nằm lại nơi đảo xa vì cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hai họa sĩ Thanh - Hải trình chiếu video art Chạm tới biển, kể về hành trình trở về quê hương của họ, một miền quê ven biển Quảng Bình, với những tâm tình gửi gắm sự tri ân và lòng tiếc thương những người con đất Việt đã đổ mồ hôi và máu xương trong hành trình vươn ra làm chủ biển khơi.

Tôi mang đến giảng đường các đại học Mỹ bài thuyết trình về Hải thương Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, kể về việc chính quyền Đàng Trong và Đàng Ngoài dùng tuyến đường biển để kết nối giao thương với thế giới trong kỷ nguyên Đại thương mại của nhân loại từ hơn 300 năm trước. Tôi muốn dùng câu chuyện buôn bán trên biển của người Việt trong thời cận đại để “nói” với học giới Mỹ rằng, người Việt Nam không chỉ nhìn về biển như là một không gian sinh tồn, mà đó còn là hành lang giao thương và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với bên ngoài.

Đồng hành với chúng tôi còn có “cặp đôi” nhiếp ảnh gia người Mỹ Catherine Karnow và MC Trần Thùy Dương của Đài Truyền hình Việt Nam qua talkshow General Giap về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông không chỉ là vị tướng của những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mà còn là người đã đặt nền móng cho chiến lược biển Việt Nam thời hiện đại khi giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học, kỹ thuật vào đầu thập niên 1980.

FACING TO THE OCEAN không phải là một chương trình truyền thông hoành tráng và tốn kém về chủ đề biển đảo Việt Nam mà chỉ là những “câu chuyện nhỏ” kể về “hành trình lớn” chinh phục biển khơi và quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam suốt hàng trăm năm qua.

Khán giả của chúng tôi là những học giả, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Mỹ chuyên ngành Việt Nam học và các ngành lịch sử, nhân học, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ… liên quan đến Việt Nam. Trong đó, có những người là chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á học và Việt Nam học ở các trường đại học danh tiếng như: Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Pennsylvania, Đại học Maine… Ủng hộ chương trình nhiệt tình nhất chính là các hội sinh viên Việt Nam ở các đại học này và các trí thức, học giả Việt kiều đang định cư tại vùng đông bắc Hoa Kỳ.

Một tình yêu Việt Nam nhiệt thành

Tất cả các buổi chiếu phim và thuyết trình đều được tổ chức vào buổi tối. Trần Thắng xin nghỉ việc, lái xe chở nhóm chúng tôi đi qua hơn 10 tiểu bang của nước Mỹ suốt 3 tuần để thực hiện chương trình FACING TO THE OCEAN. Nơi đó có những người Mỹ, người Mỹ gốc Việt, người Việt đang theo học tại Mỹ và cả sinh viên quốc tế đang theo học ngành Việt Nam học.

Tôi luôn được chọn là diễn giả mở đầu cho mỗi buổi chiếu phim bằng bài thuyết trình về Hải thương Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII. Tiếp đến là phần trình chiếu 3 bộ phim: Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn, Chạm tới biển và General Giap trong hơn 90 phút . Sau cùng là phần hỏi - đáp giữa khán giả với chúng tôi về những gì liên quan đến chủ đề biển đảo Việt Nam.

Dõi theo từng số phận trong phim của Phan Huyền Thư, khán giả cảm thông với những mất mát của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như chia sẻ niềm hạnh phúc vô bờ với những người mẹ, người vợ với chồng và con trai là lính đảo Trường Sa trong ngày gặp mặt. Họ cũng dành sự quan tâm đến những thông điệp về sự tri ân biển cả và những đau thương mất mát mà bao thế hệ người Việt đã phải trải qua trong hành trình “chạm đến biển” mà hai anh em Thanh - Hải thể hiện trong bộ phim đầy ẩn dụ của họ. Khán giả cũng luôn dành cho tôi những câu hỏi về lịch sử chinh phục và làm chủ biển khơi của dân tộc Việt Nam, về hoạt động hải thương giữa Việt Nam với bên ngoài.

Có những câu hỏi luôn được khán giả nêu ra trong hầu hết các buổi tọa đàm: “Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình?”, “Việt Nam có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa hay không?”… Dường như những câu trả lời “trong khuôn phép” của chúng tôi chưa bao giờ thỏa mãn người nghe. Bởi lẽ, Biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa không chỉ là vấn đề riêng của người Việt và các nước trong khu vực, mà còn là mối quan tâm chung của quốc tế vì đây là huyết mạch quan trọng của giao thương, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.

Cứ sau những buổi thuyết trình và chiếu phim hàng đêm, chúng tôi lại háo hức chờ đợi những ánh mắt thiện cảm và những câu hỏi sâu sắc của cử tọa về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam, về cuộc đấu tranh chống lại âm mưu thôn tính biển đảo Việt Nam mà Trung Quốc đã và đang thực thi một cách đầy tham vọng. Dẫu cho những câu trả lời của chúng tôi không thỏa mãn nhiều người, nhưng chúng tôi vẫn thấy trong họ sự cảm thông, niềm trăn trở và một tình yêu Việt Nam nhiệt thành.

Đó có lẽ là sự thành công ngoài dự kiến mà chương trình FACING TO THE OCEAN đã mang lại, cho chúng tôi và cho những người yêu mến Việt Nam trong giảng đường đại học Mỹ.

Bài, ảnh: T.S Trần Đức Anh Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Return to top