ClockThứ Năm, 22/03/2012 13:13

Những câu chuyện thú vị về một ngôi trường lịch sử

TTH - Tính từ ngày chuyển về địa điểm mới, ngôi trường này gần 90 năm tuổi và từng đón cụ Phan Bội Châu về nói chuyện.
Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba được thành lập năm 1905 (tại vườn hoa Phan Đăng Lưu và được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh). Năm 1923, trường chuyển về địa điểm Trường tiểu học Phú Cát ngày nay và đổi tên thành Trường tiểu học Đông Ba - Huế. Nguyễn Tất Thành là một trong những học sinh nổi tiếng của Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba niên khóa 1906-1908.
 
Là nơi giáo dục những học trò nổi tiếng như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khánh Toàn, Thanh Tịnh... đây là nơi giảng dạy của một số thầy giáo có nhiều cống hiến cho cách mạng cũng như sự nghiệp trồng người. Đó là thầy Nguyễn Đóa (nguyên Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), thầy Nguyễn Phan Chánh (một danh họa trong nghệ thuật tranh lụa và là Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa III), nhà giáo nhân dân Trần Đình Đàn, nhà giáo Trần Nhẫn…
 

Ông Trần Duy Hưng ghé mắt đọc bài diễn văn chào mừng của lãnh đạo trường năm 1975
(Ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan)

 
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, nguyên hiệu trưởng đầu tiên của trường sau năm 1975 chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin thú vị. Ông nói: Khi tôi tiếp nhận vị trí Trưởng Ban điều hành, trường còn lưu lại nhiều sổ danh bộ, trong đó có tên và chữ ký hiệu trưởng qua các thời kỳ. Sổ được ghi bằng bút rộng, nắn nót màu mực tím. Một trong tên các hiệu trưởng tôi nhớ nhất là cụ Nguyễn Đóa. Cụ là thầy giáo lúc Trường Đông Ba còn ở vị trí cũ (vườn hoa Phan Đăng Lưu ngày nay) và là đốc học (tương đương với chức hiệu trưởng ngày nay) sau khi trường chuyển về địa điểm mới.
 
Một sự kiện đi vào lịch sử được nhiều thế hệ thầy và trò nhớ mãi, đó là cuộc viếng thăm của Đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội do ông Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch thành phố Hà Nội dẫn đầu. Cô Tống Thị Hương, Phó Ban điều hành trường năm 1975 nhớ lại: Thời điểm bấy giờ, trường (lúc này mang tên Gia Hội) là một đơn vị giáo dục quy mô, uy tín với 48 lớp và hơn 60 thầy cô tham gia giảng dạy. Một ngày cuối năm 1975, chúng tôi nhận được tin sẽ đón đoàn đại biểu Hà Nội vào thăm. Trước đó, thành ủy, tỉnh ủy đến kiểm tra, đôn đốc công việc thường xuyên. Lễ đón đoàn lúc ấy được tổ chức rất long trọng. Thầy Hồ Tấn Phan thay mặt trường đọc diễn văn chào mừng, nhưng do giọng Huế khó nghe, ông Trần Duy Hưng đành ghé mắt đọc nội dung tờ diễn văn. Món quà trường tặng cho đoàn lúc ấy là lá cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc được xếp vuông vức trong chiếc hộp.
 
Ông Hồ Tấn Phan kể, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc học ở Trường tiểu học Đông Ba rất giỏi tiếng Pháp. Có bài luận ông viết được điểm cao nhất trường. Thầy giáo dạy ông lúc ấy thích quá, đến lớp nào thầy cũng đọc bài văn mẫu, học trò các lớp thấy hay cũng học theo. Ký ức ấy ăn sâu đến nỗi, sau 1975, lúc ông Phan ghé đến nhà ông Phan Văn Dật chơi, nghe ông Dật đọc lại bài luận của Phạm Văn Đồng rành mạch từng câu, từng ý; ông Dật lấy làm tự hào về tài năng của người đồng môn thuở ấy. Một chi tiết được ông Hồ Tấn Phan phát hiện trong quá trình sưu tầm tư liệu về cụ Phan Bội Châu cho thấy, ngôi nhà cụ Phan Bội Châu (ở dốc Bến Ngự) là nơi các học sinh ưu tú có tinh thần cách mạng của trường thường tìm đến nghe cụ nói chuyện. Có lẽ, Trường tiểu học Đông Ba là ngôi trường tiểu học duy nhất mà cụ Phan nói chuyện trước năm 1940. Bằng chứng là trong một bài báo của nhà thơ Thanh Tịnh (đăng trên Báo Văn Nghệ Quân đội) có nói, trong một dịp gặp mặt, Thanh Tịnh hỏi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lần cụ Phan đến Trường tiểu học Đông Ba nói chuyện, đại ý hỏi, muốn cách mạng thành công trong tình hình này, phải đi tìm “vàng mười”. Vậy “vàng mười” theo anh là chi? Đại tướng vừa cười vừa nói: “vàng mười” chính là Cách mạng Tháng Mười Nga đó!
 
Trải qua thời gian thăng trầm, nhiều thế hệ thầy và trò của ngôi trường này đã trưởng thành, trong đó có những người đóng góp cho thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc; cũng có người trở thành những nhà nghiên cứu, nhà khoa học nổi tiếng. Qua thời gian, nguồn tư liệu liên quan đến trường cũng như nhân chứng sống đang dần mai một. Cụ Dương Đình Nguyên, sinh năm 1914, là cựu học sinh hiếm hoi của Trường tiểu học Đông Ba niên khóa 1924-1928 còn sống. Cụ hồi tưởng: Ngày ấy, tôi cùng vài anh bạn thường đến nhà cụ Phan Bội Châu nghe nói chuyện. Tôi có người bạn thân là anh Nguyễn Tuân, nhà nghe đâu ở trong Thành Nội. Anh Tuân lớn hơn tôi một hai tuổi gì đó và có tư tưởng tiến bộ. Tôi nghĩ, anh ấy hoạt động cách mạng nhưng không dám hỏi. Anh Tuân hay đến nhà tôi học bài chung và thường nói những chuyện ngoài trường cho tôi nghe. Năm 1927, phản ứng thái độ khinh miệt của người Pháp trong giảng dạy, các trường đồng loạt bãi khóa. Học trò Trường tiểu học Đông Ba tham gia rầm rộ, tôi cũng xuống đường nhưng chỉ đi đến cầu Đông Ba thì lẻn về vì sợ ba tôi đánh đòn. Một số học sinh tham gia đợt bãi khóa này bị cúp học bổng, bị phạt, thậm chí bị đuổi học. Tôi thấy anh Tuân bị thầy Bùi Định bạt tai và đánh ngã ra giữa nền vì tội dám cầm đầu học sinh đi biểu tình. Về sau, không còn thấy anh ấy đến lớp nữa, mọi người bảo trường đã đuổi học anh. Bẵng đi một thời gian, sau này ra miền Bắc, tôi có nghe anh ấy là người hoạt động cách mạng tích cực.
 
Thầy Lương Thái Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Cát cho biết: Trường tiểu học Đông Ba, tiền thân của Trường tiểu học Phú Cát là một ngôi trường có bề dày lịch sử. Hiện, chúng tôi đang xúc tiến công tác xây dựng phòng truyền thống của trường nhưng do chiến tranh và thời gian, việc tìm kiếm tư liệu rất khó khăn. Chúng tôi đang cố kết nối với một số cựu học sinh, giáo viên lớn tuổi và các nhà nghiên cứu, hy vọng sẽ đón nhận nhiều thông tin thú vị hơn.

Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top