ClockThứ Hai, 30/03/2015 16:01

Những cây cầu trong mơ…

TTH.VN - Ngoài những cây cầu mở đường, thông tuyến với ven phá Tam Giang, tương lai vùng đất này còn được đầu tư thêm nhiều công trình mới, biến nơi đây thành vùng có điều kiện phát triển của tỉnh và cả nước.

Đột phá

Phá Tam Giang là nơi hội tụ của 3 con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển. Ngoài hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, Tam Giang - Cầu Hai với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, phá Tam Giang còn là nơi cung cấp nguồn sống cho hàng ngàn hộ dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền. Nhưng vùng đầm phá mênh mông này biến các xã phía bên kia như “ốc đảo”. Người dân muốn đến trung tâm huyện, hoặc TP Huế phải lệ thuộc vào những chuyến đò hiểm nguy.

Trước những khó khăn đó, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những cây cầu bắc qua phá Tam Giang lần lượt được khởi công. Năm 1989, người dân bên phá Tam Giang vui mừng đón nhận sự kiện lịch sử, cầu Thuận An-cây cầu đầu tiên bắc qua phá Tam Giang được khởi công xây dựng. Ngoài vai trò “mở đường” để thông nối Quốc lộ 49B qua phá Tam Giang nơi vùng “cửa ngõ” phía Đông của tỉnh với TP Huế, cầu Thuận An đã “đánh thức” vùng đất nghèo khó của huyện Phú Vang bên kia phá Tam Giang phát triển.


Cầu Tam Giang được xây dựng là niềm mong ước bao đời nay của người dân ven phá

Quốc lộ 49B chạy dọc phá Tam Giang dài hơn 104km, đi qua 11 xã các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền. Trong 10 năm trở lại đây, Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông và tăng cường năng lực kết nối đôi bờ cho các xã bên kia phá Tam Giang. Năm 2001, người dân bên kia phá Tam Giang lại hồ hởi đón nhận sự kiện cầu Trường Hà, cây cầu thứ 2 bắc qua phá Tam Giang được khởi công xây dựng. Đến tháng 8/2003, cây cầu này hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối huyết mạch giao thông từ Khu Công nghiệp Phú Bài (Quốc lộ 1A) với Quốc lộ 49B chạy dọc các xã ven biển.

Sau gần 15 năm có cầu, giờ đây xã Vinh Thanh dưới chân cầu Trường Hà thay đổi rõ rệt. Giao thông đi lại được thuận lợi, đời sống của người dân được nâng lên từng ngày. “Niềm vui lớn nhất của người dân nơi đây là từ ngày có cầu Trường Hà, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con bên kia phá thuận tiện và nhanh chóng hơn. Ngày trước, đời sống của người dân nơi đây cực khổ, vất vả lắm, cả năm không đi đâu được, chỉ quanh quẩn trong xã. Từ ngày có cầu, đời sống được nâng lên, con cái được học hành đến nơi đến chốn”, bà Nguyễn Thị Gái ở xã Vinh Thanh nói.       

Gần 1 năm sau (tháng 7/2004), người dân vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lại có dịp “ăn mừng” khi cầu Tư Hiền được khởi công. Tháng 5/2008, cầu Tam Giang (cầu Ca Cút) được xây dựng kết nối xã Hương Phong với xã Hải Dương (Hương Trà), đánh mốc son trong lộ trình thông nối huyết mạch Quốc lộ 49B ven biển của tỉnh. Công trình cầu Tam Giang hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của Nhân dân, nâng cao đời sống văn hóa, thúc đẩy sản xuất, phát triển du lịch-dịch vụ, kinh tế-xã hội của các xã vùng đầm phá ven biển.

Công trình cầu Tam Giang cùng với cầu Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn trên tuyến Quốc lộ 49B chạy dọc ven biển từ bắc vào nam; tạo sự liên kết, phát triển bền vững giữa vùng miền các huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc; rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với TP Huế, Quốc lộ 1A; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội….

Thêm nhiều công trình mới

Mơ ước lớn lao của người dân xã Quảng Ngạn về cây cầu bắc qua phá Tam Giang không còn quá xa xôi nữa. Theo Quyết định 1955/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế -xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, với mục tiêu tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung đưa đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 trở thành vùng có điều kiện phát triển của tỉnh và cả nước. Đến năm 2015, sẽ ưu tiên xây mới kết hợp nâng cấp đập ngăn mặn Cửa Lác, đường Tây phá Tam Giang từ Phong Bình đi Vinh Hà; xây mới đường ven biển Tư Hiền-Cù Dù, cầu Hà Trung, cầu Vĩnh Tu và phát triển hệ thống giao thông “xương cá” đến các xã ven biển, đầm phá; xây mới các bến thuyền, cảng du lịch nội đầm phá, ven biển...

Ông Nguyễn Trọng Quang, Trưởng phòng Quản lý Giao thông (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: “Cùng với những bước đột phá về hạ tầng giao thông trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đang nỗ lực triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhằm tăng cường năng lực kết nối giao thông giữa vùng đầm phá, đồng bằng với các khu đô thị và các khu kinh tế. Tuyến Quốc lộ 49B cũng đã và đang triển khai nâng cấp, mở rộng; đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân...”.

Những cây cầu bắc qua phá Tam Giang-Cầu Hai, giao thông được thông suốt là động lực thúc đẩy các địa phương ven phá phát triển kinh tế-xã hội, bộ mặt nông thôn được “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn. Minh chứng cho những thành quả đó, hiện nay, phía bên kia cầu Thuận An đang là một đô thị Thuận An sầm uất, đô thị vệ tinh của TP Huế. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt đô thị mới Vinh Thanh (Phú Vang); xã Điền Hải và Điền Lộc (Phong Điền) đang trên đường xây dựng đô thị vùng.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top