ClockThứ Năm, 14/06/2012 05:45

Những cây cọ nữ đất Cố đô

TTH - Trong giới mỹ thuật ở Huế xuất hiện nhiều gương mặt nữ họa sĩ tài năng, thường xuyên có tác phẩm tham dự triển lãm và được người xem đánh giá cao, họ đã góp phần tạo nên sắc thái mới của nền mỹ thuật Cố đô.

Lẽ sống

Từ khi còn nhỏ, niềm đam mê nghệ thuật đã vận vào Nguyễn Thị Hải Hòa với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị nộp đơn thi vào mỹ thuật bất chấp sự phản đối của gia đình. Chị Hòa chia sẻ: “Khi đam mê điều gì, được theo đuổi nó là một hạnh phúc và khi đó, thành công sẽ đến với mình. Bây giờ, gia đình hoàn toàn bằng lòng với sự lựa chọn của tôi... Nghệ thuật không có gì cao siêu mà gần gũi với đời thường, xuất phát từ thực tế cuộc sống. Khi sáng tác, tôi được bộc lộ những gì mình nghĩ. Với tôi, được cầm cọ thể hiện cảm xúc của mình là lẽ sống”.
 
Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, chị Hòa được giữ lại giảng dạy bộ môn đồ họa. 24 năm gắn bó với nghề, cũng từng ấy thời gian chị gắn bó với ngành đồ họa. Tất cả tranh của chị, khoảng 600 tác phẩm, đều sáng tác theo thể loại đồ họa. Chị thường sáng tác về trẻ thơ. “Cuộc sống có nhiều vấn đề mình phải đối mặt, lo toan. Trẻ thơ đại diện cho sự tình yêu, hòa bình, hạnh phúc và những gì ngây thơ, trong sáng nhất. Sau những mệt mỏi, tôi nghĩ những bức tranh này sẽ mang lại cho người thưởng ngoạn sự thư thái, thoải mái”.
 
Chọn chất liệu in gỗ, in đá, in lưới, in kẽm và với phong cách sáng tác tự nhiên, gam màu tương đồng, nhẹ nhàng, Hải Hòa đã sáng tác nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Nhiều tác phẩm của chị đã đoạt giải thưởng: Tác phẩm “Khoảng trời bình yên” được HCB trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005, “Sự yên tĩnh trong vườn” vinh dự được Trường đại học Silpakorn University (Bangkok - Thái Lan) mua tặng công chúa Thái Lan và hiện nằm trong bộ sưu tập của Hoàng gia Thái Lan... 
 
Thử nghiệm chất liệu mới
 
Nguyễn Thị Hiền Lê sinh năm 1979, hiện là giảng viên Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật. Đam mê vẽ từ nhỏ, tốt nghiệp cấp 2, chị bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật khi theo học chuyên ngành đồ họa tạo hình của Trường cao đẳng Mỹ thuật (nay là đại học Nghệ thuật). Sau khi tốt nghiệp, chị được giữ lại trường công tác và dạy bộ môn New media (chất liệu mới). Hiền Lê đã mạnh dạn thử nghiệm trên nhiều chất liệu: in đồ họa, sơn dầu, sắp đặt, video art, photo media… Đây cũng là những chất liệu chị thường dùng để sáng tác.
 
Hiền Lê vẽ nhiều và thể hiện trong tác phẩm của mình những triết lý, suy ngẫm về phận nữ. Trong tranh của chị, hình ảnh người phụ nữ ẩn đi. Vì thế, xem tranh của chị, bàng bạc là những số phận của người phụ nữ. Hiền Lê tâm sự: “Với tôi, phụ nữ không phải thân tầm gửi mà là cái cây chống đỡ, gốc rễ của gia đình. Dù cuộc sống khắc nghiệt như thế nào, phụ nữ vẫn vươn lên. Mỗi người là một cánh cửa khép kín và đều có một thế giới riêng của mình. Thế giới riêng của phụ nữ đầy bí ẩn, mạnh mẽ, trăn trở”. Nhìn phụ nữ dưới góc nhìn mạnh mẽ, chị đã khắc họa được sức mạnh của nữ giới dưới vẻ ngoài mong manh, yếu đuối. Ví như, Hiền Lê đã thể hiện người phụ nữ lặng lẽ nhưng không kém phần mạnh mẽ đã dũng cảm vượt qua những sóng gió của cuộc đời trong tác phẩm “Hồi sinh”. Hay video art “Cánh cửa” nói về thân phận người phụ nữ trước sự thay đổi của cuộc sống, ngỡ ngàng khi về nhà chồng. Quan niệm nghệ thuật là hình thức để diễn tả những gì cảm nhận, xuất phát từ cảm xúc của bản thân trước thực tại, tranh của Hiền Lê luôn sống động với những hình ảnh cụ thể được thể hiện qua gam màu đơn sắc: xanh, xám, đỏ…, được kết hợp giữa phong cách hiện đại và cổ truyền.
 
Khám phá thế giới tâm hồn của phụ nữ
 
Những lần xem triển lãm, tôi ấn tượng với chùm tác phẩm “Vết sẹo” của Nguyễn Thị Thanh Mai. Đó là góc nhìn đầy trắc ẩn về nỗi đau của người phụ nữ. Tìm hiểu mới hay, tác giả của những tác phẩm đậm triết lý nhân sinh này còn rất trẻ. Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1983, đang dạy môn trang trí truyền thống của Khoa Mỹ thuật ứng dụng (Trường đại học Nghệ thuật). Từ nhỏ, Mai đã thích vẽ. Tốt nghiệp cấp 3, cô theo học sơn mài ứng dụng. Ứng dụng thiên về thiết kế, việc sáng tác lại thiên về mỹ thuật, tuy nhiên, bằng tâm hồn nhạy cảm, Mai đã tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Cô quan niệm, nghệ thuật là thứ ngôn ngữ không cần lời nói để diễn tả cảm xúc của người nghệ sĩ.
 
Mai thường sáng tác theo thể loại mix media, phối hợp các chất liệu, kỹ thuật để tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm của cô thường thể hiện đề tài về nữ giới. “Bản thân tôi là phụ nữ, cũng trải qua những biến động về nội tâm. Người phụ nữ có rất nhiều trạng thái nhưng bao giờ cũng giấu kín trong lòng. Những đề tài tôi theo đuổi là muốn khám phá điều người phụ nữ che giấu”. Mai thường sử dụng chất liệu tự nhiên như: cà chua, mủ cao su, thạch rau câu… để biểu đạt ý niệm về thời gian.
 
Chùm tác phẩm “Vết sẹo” nói đến những thao thức, dằn vặt trong sâu thẳm tâm hồn người phụ nữ. Đối với phụ nữ, sự giận dữ, đau đớn và sợ hãi đôi khi được giấu kín bên dưới lớp vỏ của sự câm lặng, rồi chờ thời gian bào mòn… đến khi chỉ còn là những vết sẹo mờ nhạt. Nhưng, đó chỉ là bề nổi và đôi khi, chúng ta chỉ nhìn thấy sự thay đổi trên bề mặt. Bởi, bên dưới vết sẹo, ký ức vẫn sống, nỗi đau vẫn âm thầm chuyển động. Điểm độc đáo của tác phẩm này là, tác giả sử dụng những vật liệu rất đơn giản: cà chua, cao su, chỉ khâu để tạo nên hình ảnh vết sẹo. Không ai nghĩ chúng có thể làm nên một tác phẩm mỹ thuật. Theo góc nhìn của Thanh Mai, sự biến đổi theo thời gian của những chất liệu tự nhiên này luôn đem lại cho cô cảm giác mạnh mẽ về sự úa tàn, tính không vĩnh cửu của thời gian và cả những thứ chứa đựng bên trong nó như hồi ức, sự trải nghiệm… Và dưới bàn tay, ý tưởng của cô, những chất liệu này đã tạo nên thông điệp về xúc cảm của đời sống.
 
Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên
Return to top