ClockThứ Năm, 16/06/2011 09:42

Những chiếc lá phong

TTH - Buổi sáng trên Vườn quốc gia Bạch Mã thật dễ chịu. Tôi ngồi dưới hiên ngôi biệt thự Đỗ Quyên nhìn lên sườn đồi, phía sau ngôi nhà lớn ở trên đó là khoảnh rừng đang chìm trong màn mưa nhỏ. Mưa Bạch Mã là thứ mưa xanh màu cổ tích, nhưng lại đầy ắp những gợi cảm tươi mới, bình yên và trong sáng.

Như bây giờ nó đang nhắc tôi rằng, khoảnh khắc mà tôi đang nhìn thấy đây, không hề là của hôm qua, mà cái rây bụi mưa đang bay kia, nhắc rằng tôi đang sống trong một không gian thuộc về phía trước, trong một cái gì đó thuộc về thì tương lai chứ không còn là hiện tại nữa, như vết xe lăn trôi chầm chậm về phía trước, có thể cảm nhận được. Cũng vậy, nó cũng nhắc nhở tôi rằng nó đang thuộc về quá khứ, tôi đang chứng kiến những làn mưa rây xanh màu cổ tích đang rơi vào quá khứ đây. Như thể hôm qua đã là hôm qua, nhưng bây giờ cũng đang là hôm qua rồi...

Trong lúc chờ cà phê thánh thót giọt giọt rơi, tôi bỏ qua ý niệm về thời gian trôi và thích thú ngắm những chiếc lá phong đỏ như bàn tay nhỏ xíu ngay bên hiên nhà và thấy như thể chúng đang chơi trò chơi vuốt hột nổ của trẻ con xứ Huế. Ôi những chiếc lá phong, lâu ngày quá ta mới gặp chúng mày! Cỏ cây quanh biệt thự Đỗ Quyên nơi tôi đang ngồi có hai điều đáng nói, thứ nhất là những đóa cẩm tú cầu nở những đại đóa màu xanh lam như lời khấn nguyện của nàng công chúa trong cổ tích về một tình yêu định mệnh. Thứ hai là những cây phong non mọc ngay bên hành lang có những chiếc lá đỏ khẽ khàng. Ôi những chiếc lá phong gợi nhắc những trang văn nồng hậu của nhà văn Aitmatov viết về những câu chuyện ở thảo nguyên nước Nga xanh ngăn ngắt. “Cây phong non choàng khăn đỏ” là một trong những truyện ngắn khiến công chúng Việt ngất ngây trong thập kỷ tám mươi thế kỷ hai mươi. Vào những năm đó, từ Moxcou, nàng đã gửi cho anh bạn tôi một chiếc lá phong màu đỏ hái từ nước Nga xa xôi. Đó là một chiếc lá phong lớn gấp ba lần chiếc lá phong ở biệt thự Đỗ Quyên tôi nhìn thấy bây giờ.

Hồi đó, tôi đã thấy ghen tị khi mình không có trong tay một chiếc lá phong như thế, đỏ kiêu hãnh và chói lọi. Hôm trước gặp lại nàng trên Yahoo! Messager sau chừng hơn hai mươi năm, tôi nhắc lại chuyện cũ và nàng liên tục nhấp vào biểu tượng smilling (cười), Rolling on the floor laughing(bò ra mà cười). Nàng hứa sẽ kiếm cho tôi chiếc lá phong như thế. Một người bạn của em sẽ gửi về từ nước Nga - nàng nói và lòng tôi khấp khởi. Thế rồi có trục trặc gì đó. Nàng nói, có một anh bạn đang đi Hàn Quốc, sẽ gửi về một chiếc lá phong từ xứ lạnh Đông Á. Ok, cám ơn em nhé - lòng tôi lại khấp khởi mừng thầm. Thế rồi chờ mãi chẳng thấy gì. Nàng có vẻ áy náy... Tôi an ủi nàng, cho rằng nếu cứ chờ đợi như thế có lẽ sẽ thú vị hơn là khi có trong tay một chiếc lá phong thật sự... Nàng đồng ý song không hào hứng lắm. -“Ai mà biết ngày xưa anh lại mê cái lá phong ấy thế!”- nàng nói như hờn dỗi. Tôi chợt nhận thấy mình sao mà vô lý thế, và bỗng nhiên trong đầu xuất hiện một dấu hỏi: chả lẽ Huế không có một cây phong nào sao?

Tôi chợt nhớ trên đường Lê Lợi có mấy cây phong liền phóng xe ra đó. Quả nhiên có những cây phong tuổi tác. Có hôm tôi đếm được ba mươi bảy cây phong, nhưng có hôm con số đó lại là bốn mươi mốt. Thôi thì mấy cũng được, tôi có là nhà thống kê cây xanh đâu, chỉ một tình yêu cỏ cây lộn xộn.
Dù lá nó không lớn, nhưng đó cũng là lá phong. Ngày đó, cái ám ảnh màu đỏ của cái màu đỏ chiếc lá phong trong câu chuyện của Aitmatov khiến tôi quên mất những cây phong có ở quanh tôi. Quên mất rằng vào những đêm giá lạnh xứ Huế, từ Ga Huế theo dọc đường Lê Lợi về tim Huế, lá phong treo trên đầu trên cột đèn đường, nhìn tôi la đà. Những chiếc lá phong cùng với những vòm long não đan kết lại cho con đường Lê Lợi trở thành một con đường đẹp nhất Huế, đẹp ám ảnh bao người, đẹp níu kéo đến day dứt não lòng bao trái tim yêu Huế.
Và bây giờ, tôi gặp những chiếc lá phong Bạch Mã, nó cũng nho nhỏ như ở Huế nhưng màu đỏ thì rưng rức, tươi mươi hơn.
Tôi vẫn mong nàng gửi cho tôi những chiếc lá phong đỏ rực như trong câu chuyện. Tôi hiểu tôi vừa mong chờ nó như một nhân chứng ngày xưa, và điều khác nữa, tấm lòng ưu ái của nàng dành cho tôi.
Ôi những chiếc lá phong, chả nhẽ tôi lại ham hố đến mức hàm hồ, lẩn thẩn như thế sao?
Hồ Đăng Thanh Ngọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top