ClockThứ Tư, 18/09/2019 05:45

Những chiếc nón “lành”

TTH - Từ đôi bàn tay, khối óc bị khiếm khuyết, những chiếc nón lá Huế được ra đời. Chúng tôi thương mến gọi chúng là những chiếc nón “lành lặn”.

Kỳ ảo nón xương lá

 Đã 42 năm chị Thúy gắn bó với nghề

Đã 42 năm nay, người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ trong căn nhà của mình ở ngõ nhỏ đường Trần Phú (TP. Huế).

Chị là Trần Thị Thúy, một trong những người còn bám trụ với nghề nón lá (vốn xưa kia rất nổi tiếng với cái tên nón lá Phủ Cam). Nụ cười hiền lành, tươi tắn của chị đọng mãi, ngân nga: “Mình chằm nón ni khi lên 10, ban đầu cũng chật vật lắm, thoắt cái mà đã gắn bó hơn 40 năm…”.

Nỗi chật vật của chị Thúy bắt đầu từ cánh tay không được lành lặn. Người ta có đôi bàn tay, theo nghề nón đã nhọc mệt. Đôi tay sẽ lái chiếc kim tỉ mỉ luồn sợi cước nhỏ như tơ lên xuống vành nón. Đôi tay nhẹ nhàng nhưng dứt khoát xòe lá, từ lớp này đến lớp khác trên khung nón. Đôi tay luồn những khung giấy cắt, tạo nên thương hiệu nón bài thơ. Thế mà chị không được như họ, một tay phải làm việc bằng hai. Cánh tay còn lại khuyết đến quá nửa, chỉ còn mẩu thịt nhú ra, đủ để chị vắt một sợi cước…

“Người khác làm hai tiếng ra một chiếc nón, chị thì lâu hơn, phải bốn tiếng. Nhưng mà nghề truyền thống của ông cha, lại phù hợp với mình. Vì thế chị sẽ theo nghề đến cùng”, chị nói.

 Tỉ mỉ với đường chỉ “hạt mè”

Cũng dáng ngồi tảo tần bên vành nón, nhưng số phận khắc nghiệt hơn, đó là chị Nguyễn Thị Hương, ngụ tại xã Thủy Thanh, Hương Thủy. Di chứng chất độc màu da cam khiến chị lúc nhớ lúc quên. Thế mà quên nhớ chuyện chi, chứ chuyện chằm nón chị không bao giờ bỏ bê. Say sưa bên khung nón, chị kể: “Mình học chằm nón từ lâu lắm rồi. Người hay đau ốm luôn, vì thế không bươn chải như các chị được. May còn có nghề nón ni, xoay xở có đồng ra, đồng vào”.

Cách đây hai năm, chồng chị, anh Hoàng Trọng Thi bị bệnh về mắt, thị lực giảm sút nghiêm trọng. Dáng vợ ngồi bên khung nón chỉ còn là hình ảnh loang loáng. Người đàn ông không còn là lao động chính trong nhà, mọi gánh nặng lại oằn lên vai chị Hương. Và những chiếc nón lại đồng hành cùng chị, vượt qua bao gian truân…

Lâu nay, người chằm nón luôn lấy hạt mè làm chuẩn. Mũi kim cách nhau bằng hạt mè là dày dặn, là đẹp. Lúc chị đang tỉ mỉ chằm, có cô hàng xóm sang chơi. Nhìn chị toát mồ hôi, vật lộn với chiếc nón, cô hàng xóm lắc đầu: “Chị chằm kỹ ri biết lúc nào mới xong cái nón”. Thế mà chị chỉ cười.

Nón lá trở thành niềm vui, nguồn sống, và dần hóa thành hơi thở của những người phụ nữ không được lành lặn. Bất chợt một lúc nào đó, khi vô tình nhìn sản phẩm của mình nhấp nhổm trên con đường đến chợ, các chị sẽ mỉm cười. Hàng cước được chằm đều tăm tắp, lá nón mướt, dàn đều. Những chiếc nón làm đẹp thêm cho mọi người, làm đẹp thêm cho cuộc đời.

Ở Thủy Thanh, có người phụ nữ lặng thầm giúp đỡ những chị em khuyết tật làm nón, đó là bà Nguyễn Thị Kiềm. Năm 2012, người phụ nữ, đồng thời là Bí thư chi bộ thôn Vân Thê Nam tập hợp 30 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Các chị được bà Kiềm bày chỉ, hướng dẫn cách làm nón du lịch cũng như trình diễn cho du khách. Bà nói: “Hiện nay tình hình đã khả quan hơn, vì ngày 16 âm lịch hàng tháng các chị sẽ được biểu diễn chằm nón tại Cầu ngói Thanh Toàn”.

Hiện tại, mỗi tháng nghề chằm nón mang về cho chị Thúy hơn 3 triệu đồng. Ngoài nón bài thơ, chị còn bán các sản phẩm nón du lịch mini. Đôi tay tật nguyền của chị từ một gánh nặng lại trở thành “điểm son”, tạo nên vẻ đẹp cho chiếc nón. Ngôi nhà giản dị trong con hẻm nhỏ cũng biến thành một địa điểm tham quan, mua nón lá Huế làm quà. Vào phiên chợ hàng tháng tại Cầu ngói Thanh Toàn, nếu tinh ý, du khách sẽ bắt gặp bóng dáng quen thuộc của chị Hương. Thoăn thoắt đưa kim, vui vẻ nói cười. Từ một người khuyết tật, chị Hương đã trở thành “nghệ nhân làng”. Dáng tảo tần sẽ trở thành nỗi nhớ của mỗi du khách sau khi chiêm ngưỡng chị làm nón.

Niềm vui của những người phụ nữ không được lành lặn này rất giản đơn. Họ theo đuổi nghề nón từ sức mạnh vun bồi của truyền thống cha ông, từ tình yêu với cây kim, sợi cước. Những chiếc nón lá xứ Huế thân thương làm sao, đẹp hơn muôn phần vì trong nó là nguồn nội lực mạnh mẽ của những số phận không được lành lặn. Họ là những người hùng, giữ hồn cho nón Huế, nâng giá trị nón Huế lên một tầm cao mới, những chiếc nón “lành lặn”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếng Anh… trên bàn tay

Trong một lớp học nhỏ ấm cúng, cô và trò dùng ba thứ ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Đặc biệt hơn, lớp học đó còn có cả “ngôn ngữ” tâm hồn, giữa những khoảng lặng không thể dùng các ngôn ngữ trên để biểu đạt, mọi người hiểu nhau bởi sự ăn ý và thấu cảm.

Tiếng Anh… trên bàn tay
Return to top