ClockThứ Năm, 28/11/2019 14:24

Những cống hiến thầm lặng

TTH - Các phong trào, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Phong Điền đều mang dấu ấn của ông Đoàn Văn Lai, Chủ tịch Hội CTĐ Phong Điền. Từ những phong trào, hoạt động này đã góp phần chăm lo đời sống, sức khỏe của người dân huyện nhà.

Lan tỏa yêu thươngPhong Điền tiếp nhận gần 300 đơn vị máu tại Lễ hội xuân hồngHội CTĐ Phong Điền giúp đỡ 530 địa chỉ nhân đạo với số tiền gần 6,4 tỷ đồng

Ông Đoàn Văn Lai (ngoài cùng, bên phải) làm việc với UBND xã Điền Lộc về hiến máu tình nguyện

Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Gái (SN 1964) vẫn không quên được ơn “cứu mạng” của những người hiến máu, giúp bà vượt qua giây phút sinh tử.

Bà Gái nhớ lại, năm 2009, bà khi đó rất ốm và xanh xao. Đi khám tại Trung tâm Y tế Phong Điền thì không phát hiện ra bệnh. Bà được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế khám tổng quát. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện, bà bị hở van chủ, hẹp van 2 lá và yêu cầu phải phẫu thuật.

Nhóm máu AB của bà rất hiếm nên bệnh viện yêu cầu gia đình bà phải tìm cho được người hiến 5 đơn vị máu và tiểu cầu. Khi đó, gia đình bà biết được ông Đoàn Văn Lai, Chủ tịch Hội CTĐ huyện có thành lập Ngân hàng máu sống nên cầu cứu.

Ngay lập tức, ông Lai đã đưa 7 người vào tận Bệnh viện Trung ương Huế hiến máu cho bà. Nhờ số máu trên cộng với số máu của người thân, bà đã được phẫu thuật thay van tim thành công và sức khỏe ổn định từ đó đến nay. Bà rất biết ơn ông Lai cũng như Hội CTĐ huyện và những người hiến máu đã giúp bà kịp thời trong lúc bệnh tật.

Ngân hàng máu sống Hội CTĐ huyện Phong Điền được thành lập từ năm 2004 với 10 thành viên ban đầu, đến nay, đã quy tụ 152 thành viên. Ngoài ra, Huyện hội cũng đã thành lập Câu lạc bộ hiến tiểu cầu với 50 người, sẵn sàng hiến máu và tiểu cầu bất cứ lúc nào. Trong 2 năm 2018 và 2019, riêng bản thân ông Lai đã vận động hàng trăm người hiến máu tình nguyện, đưa đón 158 thành viên Ngân hàng máu sống huyện vào Bệnh viện Trung ương Huế cứu giúp cho 34 bệnh nhân mắc bệnh nặng...

Ông Đoàn Văn Lai hỏi thăm tình hình sức khỏe bà Nguyễn Thị Gái

Một trong những phong trào mang dấu ấn của Hội CTĐ huyện Phong Điền là thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội CTĐ Việt Nam phát động.

Từ năm 2008, khi thực hiện cuộc vận động chỉ có 5 tổ chức và 3 cá nhân giúp đỡ 20 địa chỉ, đến nay đã huy động được 164 tổ chức, 34 cá nhân đứng ra nhận bảo trợ cho 530 địa chỉ nhân đạo, với số tiền hỗ trợ hàng năm gần 1 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018, ông Lai đã vận động 16 tổ chức, 9 cá nhân hỗ trợ cho 25 địa chỉ nhân đạo.

Theo ông Đoàn Văn Lai, số tiền có được là nhờ sự chắt chiu, đóng góp của gần 5.000 cán bộ, CNVC-LĐ, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, các thầy, cô giáo, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện... Thông qua quỹ này, các trường hợp được giúp đỡ tiền hàng tháng, hàng quý, hàng năm để đảm bảo cuộc sống.

Bên cạnh đó, ông Lai cũng mang dấu ấn trong các công tác như: “Tết vì người nghèo và người nhiễm chất độc da cam”, vận động xây dựng nhà tình thương CTĐ, vận động xây dựng quỹ hiếu học, vận động thành lập các câu lạc bộ thiện nguyện, vận động hỗ trợ người tàn tật, vận động hỗ trợ sinh kế cho người nghèo... Tổng giá trị thực hiện các hoạt động hàng năm trên 4 tỷ đồng. Riêng năm 2019, tổng giá trị thực hiện các hoạt động gần 4,6 tỷ đồng, trực tiếp giúp đỡ cho 21.000 lượt người.

Suốt quãng thời gian gần 30 năm làm công tác nhân đạo trên địa bàn huyện, ông không nhớ mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Từ bác xích lô, chị em tiểu thương đến các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phong Điền không ai là không biết đến ông. Chăm chỉ, cần mẫn đến mọi nơi để kêu gọi, vận động, quyên góp, ông luôn tạo được niềm tin với các nhà tài trợ, các tổ chức, các nhà hảo tâm. Đối với ông, những suất quà phải đến đúng đối tượng, đúng số lượng, đúng chất lượng và phải thiết thực với đời sống của nhân dân.

Ông Lai tâm niệm, mong muốn của bản thân là ai cũng đủ ăn, đủ mặc và đời sống phải khá dần lên. Nếu ai đó thiếu thốn, ông sẽ kêu gọi, vận động mọi người chung tay giúp đỡ, vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 500 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được trợ giúp nhân đạo hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Ông mong ai cũng yên bình, đừng đau ốm nặng. Chẳng may, ai rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, đau ốm, Ngân hàng máu sống của huyện sẽ đảm bảo hiến máu 100% cho người bệnh; đồng thời, hiến máu, tiểu cầu cho các ca ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế bất kể là người ở đâu.

Với những thành tích đạt được, ông Lai được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Điển hình như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2012 về vận động hiến máu tình nguyện; Bằng khen của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam năm 2018 về thành tích thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”...

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1: Người anh, người đồng đội tình nghĩa

Khi làm phim “Huế - bản hùng ca Xuân 68”, tôi được các ông: Nguyễn Trung Chính và Phan Nam, lúc ấy đều là Thành ủy viên nằm trong Ban Chỉ huy cánh Bắc của Mặt trận Huế cho biết, tham gia “mở cửa Chánh Tây”, ngoài lực lượng tại chỗ, ta còn phái vào một cán bộ đặc công. Người đó tên là “Hiếu” nhưng họ là gì, quê quán ở đâu các ông không rõ. Mãi đến gần đây, trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc đến nhân vật này, nguyên Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang thốt lên: “Tôi vừa là đồng đội và là người em thân mến của anh Hiếu!”.

Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1 Người anh, người đồng đội tình nghĩa
Tuổi trẻ cống hiến cho phong trào đô thị

Trong phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, phong trào đô thị Huế đã đóng góp tích cực vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một trong những người tham gia phong trào từ những ngày đầu đến lúc ra chiến khu vào năm 1966.

Tuổi trẻ cống hiến cho phong trào đô thị
Return to top