ClockChủ Nhật, 19/01/2020 06:36

Những cung đường mùa xuân

TTH - Thuần đi mở những con đường mới, có khi xẻ núi, có khi cắt rừng, có khi băng qua những cánh đồng trĩu bông, có khi là cây cầu bắc ngang qua sông nối hai bờ phù sa bên lở bên bồi.

Thuần gấp lại bản báo cáo giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình. Ngước lên nhìn cuốn lịch treo tường đã thấy tết sầm sập đến. Giờ này chắc Sa đang nhích từng bước một trên đường, nhìn dòng người tắc nghẽn phía trước mà buông tiếng thở dài. Đã có lúc Thuần ước ao bình dị, được về đèo Sa đi qua những con phố chật chội vào giờ tan tầm. Nhưng thứ hạnh phúc giản đơn ấy Thuần ít khi có được. Những công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc kéo tuột Thuần đi miên man ngày tháng. Lúc đi hứa sẽ về vào cuối thu mua tặng Sa một bó cúc họa mi nhưng đất trời sang xuân mà Thuần vẫn còn ở phương xa. Nên hôm qua lúc Thuần gọi điện nói “ra riêng mình cưới nhau” hình như Sa có chút sững sờ.

- Anh đang cầu hôn em đấy à?

- Phải.

Không nhẫn. Không hoa. Không cả cái nắm tay hay hơi ấm kề bên. Sa chỉ nghe thấy tiếng gió rít buốt tai qua điện thoại. Thường những vùng đất mà Thuần đến sẽ hiện ra qua từng cuộc gọi. Thuần đi mở những con đường mới, có khi xẻ núi, có khi cắt rừng, có khi băng qua những cánh đồng trĩu bông, có khi là cây cầu bắc ngang qua sông nối hai bờ phù sa bên lở bên bồi. Tầm này năm ngoái, Sa gọi rủ về quê ra mắt gia đình nhưng Thuần mắc kẹt trên một chiếc cầu vượt biển. Chiều hai chín tết mọi thứ mới xong xuôi. Thuần định bắt xe về quê Sa thì nhận được dòng tin “em lên biên giới làm phóng sự về các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng. Anh ở lại đón tết vui”. Thuần gọi cho Sa đã thấy ngoài vùng phủ sóng.

Sa nói đó là một chuyến đi ý nghĩa. Không chỉ được đón tết cùng các chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú thuộc tỉnh Hà Giang. “Các em biết không, đoạn đường ở dốc Mã Pí Lèng, nơi được coi là nóc nhà của vùng cao nguyên đá các công nhân đã phải treo mình suốt mười một tháng ròng rã để đục đá, khoét núi mở từng xăng ti mét đường. Mà những năm đầu thập niên 1960 mọi thứ còn thô sơ lắm. Anh nghe nói ngoài sự hỗ trợ giúp của nhiều tấn thuốc nổ thì công nhân chỉ có cái xà beng tám cạnh trong tay mà đục được núi mở được đường các em có tin không?”.

Sa tin chứ, như đã từng tin Thuần nhiều năm thanh xuân. Những con đường và nhiệt huyết tuổi trẻ kéo Thuần đi, bỏ lại mình Sa cô đơn giữa phố. Có đêm nằm mơ thấy Thuần dắt tay ai đó đi trên một con đường mới, họ tươi cười rạng rỡ. Có khi mơ thấy mình gào gọi tên Thuần nhưng chỉ nghe thấy tiếng gió hú, bóng Thuần lẫn vào cát bụi và những rặng lau trắng muốt. Đã đôi lần Sa muốn buông tay nhưng kì lạ thay chính những con đường đã níu lại cuộc tình. Bởi lúc buồn Sa thường đi du lịch đó đây. Được nhìn thấy từng con đường dân sinh đã làm thay da đổi thịt nhiều vùng quê nghèo khó Sa lại nghĩ về Thuần. Nếu không có những người như Thuần thì giấc mơ về những cung đường mở ra tương lai mãi mãi không thành hiện thực.

- Em muốn chúng mình chụp ảnh cưới ở đâu? Đà Lạt hay Sapa? Lên rừng hay xuống biển?

- Em muốn được ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc trên tất cả những còn đường mà anh từng góp sức làm nên. Chúng mình sẽ có một cái tết xuyên Việt, một mùa xuân trọn vẹn.

- Vậy chỉ có hai chúng mình mà không cần một ekip nào đi theo cả. Chúng mình sẽ tự chụp cho nhau.

Nhưng chiếc máy ảnh của Thuần đã được đặt lên tay rất nhiều người khác. Đó là anh bạn tên Thắng mà Thuần quen khi về Vĩnh Phúc làm đường. Hồi đó Thuần mới ra trường vài năm chứ mấy, gặp Thắng cũng trẻ măng. Thắng không được học cao, ở với người mẹ mù, hàng ngày đi làm thuê quanh xã. Hôm Thắng đến xin làm công nhân Thuần ngó cái dáng vẻ thư sinh ấy mà thương. Dân công trình đi đâu cũng phải lo chỗ ăn chỗ ngủ. Thắng bảo “cứ kéo hết về nhà tớ mà ở. Nhà chẳng có gì nhưng rộng rãi”. Nhà rộng thật, cây lá lao xao, tiếng chim hót líu lo những buổi sáng bình yên. Bà già mù hay ngồi hát ru trẻ con hàng xóm ngủ. Có lần, tụi Thuần còn thi nhau bơi qua một con sông sang bờ bên kia ngẩng nhìn bầu trời trong xanh vời vợi mà hét lên thích thú. Rồi công trình hoàn thành, Thuần trở về thành phố tạm biệt mái nhà lá đơn sơ, người mẹ mù và anh bạn có tâm hồn đồng điệu. Giờ quay lại vẫn thấy người mẹ mù ngồi hát ru ngoài hiên, nhưng không phải ru trẻ con hàng xóm mà là cháu nội mình. Vợ Thắng cười e thẹn khi pha trà mời khách “anh chị cứ ngồi chơi, em còn đang đảo dở chảo mứt dừa”. Thắng đi mổ lợn đụng về gặp bạn cũ vui mừng tí rơi rổ thịt. Chỉ ra đoạn đường mọc đầy hoa trạng nguyên đỏ rực, Thắng nói “đưa máy đây mình chụp hình cho, tụi cậu chỉ việc cười hạnh phúc”.

Máy ảnh được đặt lên bàn tay đen đúa nhăn nheo của một ông cụ già nua, nhà nằm bên mặt đường đê chạy dọc sông Hồng. Nhiều năm đã qua nhưng vừa gặp lại là ông nhận ra ngay, chỉ vào Sa hỏi “có phải là cô gái mà cháu từng đã kể với ông?”. Ông dẫn Sa vào nhà chỉ góc này ngày xưa Thuần căng màn nằm ngủ. Màn rách nên nửa đêm phải ngồi dậy thức cùng với muỗi. Ông chỉ ra góc vườn bảo chỗ kia Thuần bị rắn độc cắn “tí thì toi mạng”, may mà sơ cứu kịp. Rồi ông chỉ về phía mái nhà thấp thoáng phía xa “nhà cháu gái tôi đấy. Ngày xưa nó chết mê chết mệt anh kỹ sư cầu đường mà cậu Thuần không ưng. Cậu ấy nói đã có người chờ mình nơi phố thị”. Sa bỗng thấy rưng rưng hạnh phúc. Bà cụ ngồi đầu gió bóc hành giữ tụi Sa ở lại cùng ăn tết cho vui. Những con đường Thuần qua vẫn còn chờ đợi Sa. Ông cụ loay hoay tìm góc ảnh, chọn đúng khoảnh khắc đàn cò trắng bay qua sông Hồng, bấm máy. Sa còn chưa kịp nở nụ cười nhưng Thuần khen bức hình bình yên quá. Cảm giác bình yên còn hơn vạn nụ cười.

Bức ảnh cưới cuối cùng được chụp bên một đoạn đường đèo. Thuần nói “ngày xưa chỗ này toàn núi đá. Thi công đúng mùa mưa, tụi anh phải ăn dầm nằm dề cực lắm”. Sa xiết chặt tay Thuần lúc máy ảnh giơ lên. Người đi đường vừa dừng chụp ảnh giúp tụi Thuần có để lại lời chúc mừng hạnh phúc. Hai bên đường cây cỏ trổ hoa, lác đác vài tán đào nở trong những khu vườn còn đẫm sương buổi sớm. Sa ngồi sau lưng Thuần trôi đi trên cung đường mùa xuân thênh thang nắng gió. Không cần mặc váy cưới tinh khôi Sa vẫn thấy mình đã có những bức hình đẹp nhất. Tụi Sa sẽ cưới nhau, những đứa trẻ đáng yêu sẽ lần lượt ra đời. Sau này khi các con lớn lên chúng có quyền tự hào khi đi qua một cung đường nào đó mà Thuần đã góp phần. Sa và các con sẽ là hậu phương đợi Thuần về sau khi hoàn thành một con đường, một cây cầu nào đó trên đất nước này. Giờ thì Sa thấy mùi tết quện trong từng hơi gió. Nhà bên đường, có cậu bé ngồi ngoẹo đầu ngủ gật bên cạnh nồi bánh chưng. Nhà ai trải lá chuối ra sân chắc là sắp chia phần thịt lợn. Cúc nhà ai nở vàng, hồng nhà ai còn sót lại trong vườn chín đỏ. Xe trôi qua tiếng gà trưa xao xác, tiếng nghé ọ gọi đàn, tiếng bán mua chợ ba mươi tết. Và cả tiếng sum vầy ấm rực trong tim…

HUYỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Xuân của niềm tin và khát vọng

Mùa Xuân với những tấm áo phủ đầy lộc biếc mang đến những hy vọng vào tương lai tươi sáng và nguồn sức sống căng tràn. Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà! Sắc Xuân lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Xuân của niềm tin và khát vọng
Có mùa xuân nơi đó

Thời gian bốn mùa trôi nhanh như gió. Mới hôm nào tôi còn ngồi trong căn nhà cũ ăn mứt gừng, uống trà thơm bên nội; mới hôm nào tôi lang bạt chốn thị thành, vẩn vơ nuối tiếc về những ngày sum vầy se nồng không khí tết...

Có mùa xuân nơi đó
Mùa xuân nho nhỏ

Lần đầu tiên, khoảng năm 1981, khi đang học lớp 10-11 gì đó, tôi được nghe “Một mùa xuân nho nhỏ”, biết người phổ từ bài thơ cùng tên của Thanh Hải - nhạc sĩ Trần Hoàn - tại sân khấu Nhà văn hóa trung tâm, là tiết mục mở đầu chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc từ Hà Nội vào, với những tên tuổi đình đám thời đó, như: Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Huy…

Mùa xuân nho nhỏ
Return to top