ClockThứ Năm, 22/03/2012 05:10

Những đạo diễn Huế tài ba

TTH - Nếu xem việc “viết kịch bản là làm ra một bộ phim trên giấy và đạo diễn là làm ra một bộ phim trên màn ảnh” thì Huế đã có không ít đạo diễn tài ba góp phần làm rạng danh lịch sử điện ảnh nước nhà mà trong số họ, do sống và công tác ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, thậm chí có người nay đang cư trú ở nước ngoài nên phần lớn khán giả Huế ít được tiếp xúc, gần gũi.

Đạo diễn Mai Lộc

Ông sinh năm 1923, quê ở làng Đốc Sơ, An Hòa - Huế. Trước 1945 ông vào Sài Gòn học nghề nhiếp ảnh. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông gia nhập Vệ quốc đoàn. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, Mai Lộc đã cùng nhà quay phim Khương Mễ thực hiện bộ phim tài liệu đầu tiên: Chiến trận Mộc Hóa một bộ phim được nhìn nhận là mẫu mực về chiến tranh hiếm có trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Đạo diễn Mai Lộc

Năm 1952, Mai Lộc được điều ra chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông đã đạo diễn bộ phim tài liệu bằng phim nhựa 35 ly có thời lượng 75 phút đề cập về Chiến thắng Tây Bắc. Bộ phim này được khẳng định là bước tiến dài của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Tiếp đó, ông về đường 5 - Hải Phòng thực hiện bộ phim tài liệu Giữ làng giữ nước, trong đó có hình ảnh đoàn tàu chở xăng của giặc Pháp bị du kích bắn cháy trên đường 5 là tư liệu quý cho điện ảnh nước nhà thời kháng chiến.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đạo diễn Phan Văn Khoa và nhà văn Nguyễn Đình Thi được phái hợp tác với đạo diễn Karmen thực hiện bộ phim tài liệu màu đầu tiên: Việt Nam trên đường thắng lợi.

Phát huy sở trường của mình, khi trở lại chiến trường miền Nam ông đã thực hiện bộ phim tài liệu Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Những bộ phim tài liệu do Mai Lộc đạo diễn phần lớn được tặng giải Bông Sen Vàng, có phim như  Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược được trao giải vàng LHP Lepzig-Đông Đức cũ.

Ngoài phim tài liệu, Mai Lộc còn tham gia làm đạo diễn hai bộ phim truyện, trong đó bộ phim Vợ chồng A Phủ được thực hiện năm 1961 được xem là một trong bốn phim truyện nổi bật nhất của nền điện ảnh miền Bắc thời bấy giờ.

Đạo diễn Mai Lộc qua đời cuối năm 2011 ở TP Hồ Chí Minh.

Đạo diễn Hà Thúc Cần

Trước khi nhảy vào làm đạo diễn phim truyện, Hà Thúc Cần là phóng viên chiến trường, quay phim cho Hãng CBS-Mỹ (sau Hà Thúc Cần có thêm anh Vĩnh Vệ làm cho hãng tin này - phần lớn hình ảnh Mỹ tái chiếm Huế xuân 1968 do Vĩnh Vệ quay).

Đạo diễn Hà Thúc Cần

Theo nhà báo Morley Safer (người chuyên viết lời bình cho hình ảnh của Hà Thúc Cần) thì vào ngày 3/8/1965, khi hai người đến một ngôi làng thuộc quận Hoà Vang của Đà Nẵng thì Hà Thúc Cần, có lẽ là phóng viên đầu tiên đã quay được hình ảnh binh sĩ của Lữ đoàn 9 Thuỷ quân lục chiến Mỹ đốt nhà dân làng Cẩm Nệ (sau này hình ảnh này được sử dụng trong bộ phim tài liệu: Việt Nam một thiên lịch sử bằng truyền hình của Mỹ. Sự việc này dẫn đến hậu quả là Bộ Quốc phòng Mỹ ép buộc CBS phải sa thải nhà quay phim dũng cảm này.

Có phải vì vậy mà những năm sau đó, Hà Thúc Cần đã ấp ủ và thực hiện bộ phim Đất Khổ quy tụ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam, trong đó có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố nhà văn Sơn Nam, nghệ sĩ Kim Cương…tham gia. Phim lấy Huế làm bối cảnh chính. Năm 1974, Đất khổ chiếu ra mắt nhưng chính quyền Sài Gòn cũ ra lệnh cấm phát hành vì có nội dung “phản chiến và thân cộng”.

Mãi đến năm 1996 Đất khổ mới được chiếu ở Hoa Kỳ qua dạng Video.

Hai tên tuổi lớn trong làng điện ảnh miền Nam

Đó là đạo diễn Lê Mộng Hoàng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Họ là những người Huế được đào tạo ở những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến.

Lê Mộng Hoàng học điện ảnh ở Pháp, năm 1957 về Sài Gòn và thực hiện bộ phim truyện đầu tiêng mang tên: Bụi đời. Sau đó, ông thực hiện một loạt bộ phim như: Xin đừng bỏ em, Nàng, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng, Gánh hàng hoa, Chiều kỷ niệm, Vĩnh biệt mùa hè…. Trong các phim này thì bộ phim nổi bật nhất mang tên Nàng do Thẩm Thuý Hằng và Trần Quang thủ vai. Bộ phim được Đại hội Điện ảnh Á Châu lần thứ 17 trao Tượng vàng.

Còn đạo diễn Lê Hoàng Hoa học điện ảnh ở Mỹ. Ngoài bộ phim Gác chuông nhà thờ, phần lớn những bộ phim do ông đạo diễn đều có tiết tấu nhanh, gây ấn tượng mạnh như Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang. Nhờ đóng phim Vết thù trên lưng ngựa hoang mà Trần Quang trong vai “Hoàng ghi-ta” được chọn đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất của miền Nam thời bấy giờ. Lê Hoàng Hoa cũng là đạo diễn đầu tiên làm phim kinh dị Con ma nhà họ Hứa.

Sau giải phóng, Lê Hoàng Hoa được chọn mặt gửi vàng để thực hiện bộ phim 8 tập mang tên Ván bài lật ngửa, đưa tên tuổi Nguyễn Chánh Tín (thủ vai nhà tình báo cách mạng Nguyễn Thành Luân) từ một ca sĩ trở thành ngôi sao điện ảnh.

Hai tên tuổi còn lại

Trước hết phải kể đến một Đặng Nhật Minh đã rực sáng, kể từ khi bộ phim Thị xã trong tay xuất hiện vào năm 1983 và cho đến gần đây là bộ phim Đừng Đốt, kể về cuộc đời người con gái gốc Huế - liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Chỉ trong vòng 1/4 thế kỷ, đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh bằng tài năng và nhiệt huyết của mình đã lần lượt cho ra đời những bộ phim thuộc vào hạng kinh điển của Việt Nam: Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi.

Ngoài những giải thưởng và danh hiệu cao quý do nhà nước trao tặng, năm 2010, Đạo diễn Đặng Nhật Minh được Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tôn vinh vì những cống hiến đối với Điện ảnh Việt Nam.

Người nữa là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, tác giả của hai bộ phim nhựa nổi tiếng: Tuổi thơ dữ dộiTrăng nơi đáy giếng mà cốt truyện dựa trên hai tác phẩm văn học của Phùng Quán và Trần Thuỳ Mai - hai nhà văn Huế.

So với các bậc đàn anh thì có lẽ, tác phẩm của Nguyễn Vinh Sơn chưa nhiều (ngoài hai tác phẩm trên có thể kể thêm: Đất phương Nam, Mãnh đất tình đời và một loạt phim truyền hình) nhưng từ những gì anh đã thể hiện cho thấy bề dày văn hoá Huế đã nuôi dưỡng, bồi đắp giúp anh kể chuyện đời, kể chuyện người một cách sâu lắng nhưng không nhàm chán.

Có thể còn nhiều đạo diễn điện ảnh người Huế mà tôi chưa biết (rất mong được mách bảo) nhưng vì yêu quý tài năng của những đạo diễn tài ba này nên tôi thử điểm lại để công chúng ở “quê nhà” biết để mà tự hào, ngưỡng vọng và biết đâu thế hệ tiếp nối sẽ có nhiều “ngôi sao” làm rạng danh nền điện ảnh Việt Nam hơn lớp cha anh.

Hữu Thu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội ngộ “Những người bạn”

Nhóm các họa sĩ đến từ nhiều nơi đã nặng lòng với Huế để rồi vẽ nên những tác phẩm về vùng đất được mệnh danh “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” như tiếng lòng kỷ niệm với xứ Cố đô.

Hội ngộ “Những người bạn”
Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Return to top