ClockThứ Hai, 13/07/2015 07:35

Những điểm đáng chú ý của Luật Căn cước công dân

TTH - Từ ngày 1/1/2016, Chứng minh Nhân dân (CMND) sẽ được thay thế bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD). Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật CCCD đảm bảo kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Luật CCCD được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014, là luật đầu tiên ghi nhận về việc CCCD với nhiều điểm mới tích cực, góp phần thiết lập hệ thống chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu công dân Việt Nam.

Nhiều ưu việt

Luật CCCD gồm 6 chương, 39 điều, quy định về CCCD, cơ sở dữ liệu CCCD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ CCCD; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, điểm mới quan trọng nhất là việc quy định về thẻ CCCD thay cho CMND hiện tại.

Từ 1/1/2016, thẻ CCCD sẽ thay thế cho CMND như hiện nay (Trong ảnh: cán bộ Phòng PC 64 đang làm CMND cho người dân)

Thượng tá Hoàng Thị Mai, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Về cơ bản, thẻ CCCD cũng giống như CMND hiện tại, là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, thẻ CCCD còn có ý nghĩa quốc tế khi được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Đáng chú ý, thẻ CCCD không chỉ là giấy tờ nhận dạng như CMND mà còn có ý nghĩa là giấy tờ thể hiện toàn bộ vấn đề về lai lịch, nhận dạng của công dân. Cụ thể, số thẻ CCCD chính là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân. Vì vậy, với số định danh cá nhân này, có thể tìm kiếm được đầy đủ các thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Công dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm bất kỳ giấy tờ khác chứng nhận các thông tin nêu trên. Đồng thời, khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ CCCD, trong đó có số định danh của mình. Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng hơn.

Công dân đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Luật CCCD, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tổ chức tốt việc phổ biến Luật CCCD đến các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD. Các nội dung chính: Phổ biến pháp luật về CCCD; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Luật CCCD; đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý CCCD.

Theo luật, thẻ CCCD cũng được cấp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên như CMND. Trẻ em dưới 14 tuổi vẫn được cấp giấy khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quyền được khai sinh của trẻ em, với thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với bản chất của việc cấp thẻ CCCD- khi các đặc điểm nhận dạng của một cá nhân đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu như CMND hiện nay có giá trị sử dụng đều đặn là 15 năm, thì Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Đây là quy định nhằm đảm bảo đầy đủ tính khoa học trong cập nhật về đặc điểm nhận dạng của cá nhân tại mỗi độ tuổi khác nhau.

Thượng tá Hoàng Thị Mai cho biết thêm: Luật CCCD mở rộng thẩm quyền cấp thẻ CCCD cho các cơ quan và đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ CCCD. Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi như cơ quan quản lý CCCD của Bộ Công an, cơ quan quản lý CCCD của công an cấp tỉnh, hoặc công an cấp huyện để xin cấp thẻ CCCD và không mất lệ phí cấp thẻ. Cơ quan quản lý CCCD có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ CCCD tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết. Công dân có quyền yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác và trả thêm phí dịch vụ chuyển phát. Quy định về thủ tục cấp thẻ CCCD linh hoạt hơn rất nhiều so với quy định cấp CMND hiện nay, sẽ đáp ứng nhu cầu cấp giấy tờ về CCCD ngày càng tăng của công dân.

Để không gây ảnh hưởng đến người dân đang sử dụng CMND, Luật mới quy định khi công dân có yêu cầu thì sẽ được đổi CMND sang thẻ CCCD. Đồng thời, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Luật cũng quy định rõ lộ trình chuyển đổi từ CMND sang sử dụng CCCD, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019. Địa phương còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý CCCD thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật CCCD có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất.

Để hiểu rõ và chi tiết hơn về Luật CCCD (Luật số 59/2014/QH13 ngày 20/11/2014), xin vui lòng truy cập vào www.baothuathienhue.vn chuyên mục Luật Căn cước công dân.

Bài, ảnh: Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Return to top