ClockThứ Ba, 18/08/2015 07:16

Những điểm mới cơ bản của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

TTH - LTS: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, từ hôm nay (18/8) đến ngày 10/9, Báo Thừa Thiên Huế sẽ mở chuyên mục “Góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)” vào các số báo thứ 3 hàng tuần, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo bộ luật, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để Bộ luật Hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này có tổng cộng 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều. Bộ luật gồm 26 chương, được thiết kế thành 3 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của BLHS hiện hành và bổ sung thêm phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. So với quy định của BLHS hiện hành, dự thảo Bộ luật lần này có nhiều nội dung mới, như: Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII); sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX). Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Về thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù, Điều 38 dự thảo BLHS (sửa đổi) đã thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù theo hướng không áp dụng đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 38). Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù, tăng cường khả năng áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ thì tại điều luật quy định về những tội phạm cụ thể đã nghiên cứu tăng số lượng các khung hình phạt được thiết kế không có hình phạt tù mà chỉ có sự lựa chọn giữa các hình phạt không tước tự do. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình (Điều 39) theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội, bổ sung một chương riêng (Chương IV) với 7 điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, quyết định hình phạt; miễn, giảm hình phạt, xóa án tích, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (Chương XIV).
Về tội danh quy định hình phạt tử hình, BLHS hiện hành quy định 22 tội danh hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo BLHS sửa đổi lần này đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đồng thời, dự luật cũng đã tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Các tội danh khác, mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Độc giả có nhu cầu tìm hiểu về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), xin vui lòng truy cập vào baothuathienhue.vn mục “Góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”.
Bổ sung thêm tội xâm phạm quyền công dân: Một trong những nội dung mới là dự thảo BLHS đưa ra nhiều quy định bảo vệ quyền con người, tự do dân chủ của công dân. Cụ thể, đối với nhóm tội này, dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung 3 tội mới: Xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với 6 tội của nhóm này, đó là: Xâm phạm chỗ ở người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
BLHS là một trong những đạo luật rất lớn, rất quan trọng của Nhà nước ta. Các vấn đề nêu trên là những định hướng sửa đổi chính yếu, ngoài ra còn nhiều nội dung cụ thể khác cũng không kém phần quan trọng. Những nội dung sửa đổi này sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 
 
Nguyễn Thị Thủy Phương (Sở Tư pháp)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng

Sáng 16/4, Sở Nội vụ phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức tập huấn công tác TĐKT năm 2024. Đến dự, có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và hơn 300 cán bộ công chức, viên chức phụ trách công tác TĐKT của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng
Return to top