ClockThứ Ba, 27/07/2021 06:30

Những đóa hoa sen hồng ở Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền

TTH - Một buổi chiều cuối tháng bảy, khi những cơn gió Lào (Tây Nam) làm con người ta khó chịu, nhưng nhìn thấy những bông hoa sen hồng vừa được thay mới, các mộ phần được làm vệ sinh sạch sẽ, khói hương thoang thoảng trong khuôn viên nghĩa trang… làm cho lòng người dịu hẳn đi trong những ngày tri ân lại về.

Thăm hỏi, gặp mặt thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩNhớ về đồng đội

Tuổi trẻ Phong Điền luôn khắc nhớ công lao to lớn của các liệt sĩ, nằm xuống cho độc lập dân tộc (Những cành hoa sen mới được thay trước ngày 27/7)

Không giống như mọi năm, dịch bệnh nên những ngày này, các đoàn khách hành hương phương xa không thể về để viếng mộ đồng đội, người thân đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền. Nhưng không vì thế mà sự tri ân trong những ngày này giảm đi và thiếu sự trang trọng. Bởi khi có mặt ở đây, thật sự cảm thấy ấm lòng khi hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở Phong Điền đều đặn thay phiên nhau dọn vệ sinh, hương khói đầy đủ cho các anh, các chú đã hy sinh và nằm lại ở mảnh đất Phong Điền anh hùng.

Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền nằm tại km23, Quốc lộ 1A (xã Phong An, Phong Điền). Đây là nghĩa trang liệt sĩ chung của 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà. Là nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất tỉnh, nơi đây đang có 3.595 ngôi mộ, trong đó, 1.070 ngôi mộ đã xác định được danh tính. Đối với người dân Phong Điền, Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền được xem như công trình văn hóa tâm linh, nơi mà hàng năm vào các dịp lễ, tết, cán bộ và Nhân dân trong huyện, khách hành hương, thân nhân các anh hùng liệt sĩ đều đến thắp hương tưởng niệm để tỏ lòng tôn kính, biết ơn và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền chia sẻ, chăm sóc tốt các mộ phần, hương khói đầy đủ là công việc được huyện chú trọng hàng đầu, để bày tỏ sự trân quý, biết ơn những công lao trời biển của các liệt sĩ. Dù với số lượng ngôi mộ liệt sĩ lớn, song nghĩa trang luôn cố gắng để chăm sóc tốt nhất. Lâu nay, 3.595 ngôi mộ tại nghĩa trang được huyện chia làm 43 lô và mỗi lô như thế được phân cho 1 cơ quan, đoàn thể trong huyện nhận chăm sóc, hương khói. Mỗi lần lễ, tết, đặc biệt là trong dịp 27/7, các cơ quan sẽ đến làm vệ sinh, thay hoa sen mới và cử đại diện đến hương khói đầy đủ.

Hôm nay, đoàn viên thanh niên của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đến nghĩa trang để làm vệ sinh. Chăm chút làm sạch từng lối đi, nhẹ nhàng thay những bông hoa cũ và thay vào những bông hoa tươi thắm hơn, bạn Đồng Hữu Phước Tuấn bày tỏ, đi làm đã hơn 10 năm, năm nào cũng được tham gia chăm sóc mộ phần các anh, các chú. Với tuổi trẻ hôm nay, thật may mắn không trải qua những ngày tháng chiến tranh khốc liệt. Đó là công lao của các anh hùng liệt sĩ. Do đó, thế hệ trẻ của Trung tâm Y tế huyện luôn nhắc nhở nhau về lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm của những người trẻ tuổi; biết trân trọng quá khứ, để sống, lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc xứng đáng với những hy sinh, mất mát của lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì sự bình yên của dân tộc.

Vừa dọn vệ sinh nghĩa trang, anh Hồ Thống, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền chỉ tay về phía xa xa ở dốc núi và kể, nơi đó có một mộ phần mà 27/7 năm nào có một người phụ nữ sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh cùng với chồng ra nghĩa trang ở vài ngày. Sáng sớm và chiều muộn, người phụ nữ này đều lên hát và kể chuyện bên ngôi mộ. Dù ngôi mộ chưa xác định được danh tính nhưng người phụ nữ này tin đó là người yêu ngày xưa đã yên nghỉ ở đây. Đã bao nhiêu năm trôi qua, dù đã có chồng con, nhưng tình yêu cao cả đó, vượt qua mọi ranh giới thời gian và không gian.

Anh Hồ Thống kể tiếp, làm nghề quản trang này, hàng ngày chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động, khiến lòng người như “mềm lại” và trân quý cuộc sống này hơn. Có một cựu chiến binh ở Bắc Giang, sau nhiều năm tìm kiếm đồng đội đã đến nghĩa trang này. Nhìn thấy ngôi mộ đồng đội mình đang yên nghỉ, sau khi tiến hành nghi thức chào người chỉ huy, người lính mạnh mẽ năm nào xúc động ôm mộ khóc nghẹn ngào “anh Khang ơi, em Vững đây”. Nhiều năm sau đó, năm nào người cựu chiến binh này cũng vào thăm đồng đội, những ngày lễ, tết không vào, ông gửi quà để nhờ quản trang thắp nhang cho đồng đội.

Ông Nguyễn Văn Lương tiếp lời, cũng có trường hợp khác là người đàn ông quê ở Phú Thọ vào Huế 5 năm liền để tìm kiếm hài cốt của cha. Ngôi mộ được cho là cha của người đàn ông này không thể xác định chính xác, nên chưa thể đưa về với quê nhà. Mỗi lần lại vào, thấy mộ phần được chăm như chính người thân mình, người con trai này tâm sự: “Chưa chắc khi bố tôi đưa ra nhà đã được chăm sóc chu đáo như ở đây, nên gia đình xin gửi bố tôi ở lại Huế và làm quê hương thứ hai”. Đó là những lời khiến những người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi nghĩa trang thêm động lực và nhiệt huyết với công việc. Thêm tự hào khi hàng ngày được chăm sóc mộ phần của các anh hùng.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top