ClockThứ Năm, 07/11/2019 13:45

Những đôi cánh trở về

TTH - Những cánh chim đầu đàn rời đi vẫn quay về tổ, nâng đỡ và tiếp sức giúp các thế hệ học sinh tiếp theo giữ vững truyền thống. Hình ảnh đẹp ấy đang diễn ra tại Trường THPT Vinh Lộc (Vinh Hưng, Phú Lộc).

Mỗi tiết dạy văn là một sự trải nghiệm

Ngọc Hằng, cô học trò nhỏ giỏi giang của Trường THPT Vinh Lộc

Kỳ thi chọn học sinh giỏi năm học 2019 - 2020, Trường THPT Vinh Lộc nhận được tin vui lớn. Nguyễn Thị Ngọc Hằng, cô học trò xứ cát Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) đã hiện thực hóa ước mơ chinh phục ngôi vị cao nhất môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Em còn xuất sắc đạt giải nhì máy tính cầm tay và giải khuyến khích môn vật lý. Những thành tích mà em đạt được là kết quả của chuỗi ngày dài nỗ lực.

Cô học trò lớp 12B2 rạng rỡ: “Em rất vui vì những cố gắng đã được đền đáp. Giải thưởng là món quà động viên em tiếp tục phấn đấu. Đó cũng là lời cảm ơn của em dành cho ba mẹ, thầy cô, những người luôn tin tưởng, là nguồn động lực giúp em vững vàng suốt một chặng đường dài”.

Không chỉ đoạt nhiều giải thưởng, cô học trò nhỏ còn có thành tích học tập đáng nể. Vào năm học lớp 10 và 11, điểm trung bình môn toán, vật lý của em đều trên 9,2. Ngoài Ngọc Hằng, thế hệ học sinh niên khóa 2019 – 2020 còn có nhiều gương mặt đáng chú ý. Đó là em Võ Thị Hồng Thúy, Nguyễn Mai Diễm Quỳnh... Điều đáng nói là không chỉ đạt một giải nhất, các em còn mang về cho trường 7 giải nhì và 16 giải ba. Năm học này, Trường THPT Vinh Lộc đã tổng cộng đạt 44 giải, xếp thứ 5 toàn tỉnh khối THPT.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những năm qua, Trường THPT Vinh Lộc luôn giữ vững phong độ trong các kì thi chọn học sinh giỏi. Năm học 2018 – 2019, toàn trường cũng đạt 44 giải (trong khi đó, năm học 2017 – 2018 là 37 giải). Có được phong độ ổn định là nhờ vào đội ngũ giáo viên, học sinh và nguồn lực to lớn từ công tác xã hội hóa giáo dục”.

Từ nguồn lực xã hội hóa, ước mơ của những cô cậu học trò nhỏ đã sớm được ươm mầm. Thầy Tuấn thông tin: “Nhà trường đã nhận được rất nhiều sự tiếp sức, tham gia hỗ trợ từ các cựu học sinh Vinh Lộc qua các thời kỳ. Không chỉ dành cho đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi. Nguồn vốn xã hội hóa này còn là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua dạy và học, văn nghệ, thể thao của nhà trường, chăm lo cho học sinh ở nhiều phương diện khác nhau”.

Chỉ trong năm học 2017 - 2018, nguồn vốn xã hội hóa được nhà trường huy động đã đạt xấp xỉ 170 triệu đồng. Năm học 2018 - 2019, số tiền và vật chất được huy động tăng lên gần gấp đôi, tổng cộng 320 triệu đồng. Thầy giáo Trần Văn Quyết, cựu học sinh Trường THPT Vinh Lộc, chia sẻ: “Đối với mình và các bạn, trường học là ngôi nhà thứ hai, cũng là nơi chuẩn bị hành trang, chắp cánh cho những ước mơ tuổi trẻ. Vì thế việc quay về, tri ân thầy cô giáo và góp một chút công sức cho thế hệ sau là niềm vui, cũng là sự tự hào của những người đi trước”.

Mong ước của Ngọc Hằng là học về kinh tế, khẳng định bản thân. Những cô cậu học trò ngôi trường này cũng như em, ai cũng mang trong mình những ước mong, hoài bão. Song song với sự chung tay của nhà trường, giáo viên, mỗi học sinh tại Trường THPT Vinh Lộc đều được các thế hệ đàn anh tiếp thêm động lực, sẵn sàng hành trang để vào đời.

Với những nỗ lực, thành tích, Trường THPT Vinh Lộc vinh dự đón nhận Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn khối THPT năm học 2018-2019” do UBND tỉnh trao tặng. Trên con đường tạo ra những thế hệ học sinh giỏi về văn hóa, thông thạo các kỹ năng, sự tiếp nối, kế thừa, sự tri ân đúng lúc, kịp thời của các cựu học sinh đã góp phần giúp những ước mơ sớm trở thành hiện thực. Giúp ngôi trường bên chân đầm phá ngày càng vững vàng hơn, tiếp tục chắp cánh cho những thế hệ học trò tiếp theo.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Return to top