ClockThứ Năm, 14/02/2013 05:56

Những đôi mắt Biển Hồ

TTH - Cậu bé ngồi hàng trên cùng. Nhỏ xíu và lọt thỏm giữa đám bạn. Nhưng đôi mắt thì to, tròn và tôi thấy nó đen láy dưới hàng mi dài. Khi xuống ngồi bệt lên sàn thuyền để dễ trò chuyện với lũ nhỏ, chừng như tôi nghe mùi hồ Tongle Sap (Biển Hồ) trong tiếng sóng ràn rạt. Hôm ấy trời không xanh, dù không hề có mưa. Hơn mấy giờ bay từ Việt Nam qua Campuchia, hôm sau lại chạy xe qua hơn 400 km từ Phnôngpênh xuống Siêm Riệp, tôi biết mình sẽ day dứt nếu không đến Biển Hồ - nơi có một cộng đồng người Việt đã sinh sống từ rất lâu ở đó...

Khoa – tên cậu bé – trả lời những câu hỏi của tôi bằng cái giọng rất nhỏ nhẹ và đậm chất Nam Bộ. “Con là người Việt Nam nhưng con chưa lúc nào được về Việt Nam”. Giọng trẻ thơ làm nhói lên trong tôi một quãng rưng rưng. Như những đứa bạn của mình, hàng ngày Khoa đến với lớp học và ở lại đó đến chiều, đã 5 năm như vậy. Những đứa trẻ trạc tuổi như Khoa cũng đã sắp tốt nghiệp bậc tiểu học và có vẻ như chúng hãy sẽ còn nấn ná thêm, vì vùng Biển Hồ chưa có bậc trung học cơ sở và cơ bản là chỉ ở đây, trên lớp học này, chúng sẽ được chơi đùa với lũ bạn cùng trang lứa, có những bữa cơm trưa từ bếp ăn từ thiện; được thêm những con chữ, bài toán từ hai giáo viên hãy còn rất trẻ để cha mẹ yên tâm phần nào trong cuộc mưu sinh lầm lụi nơi xứ người...

Bài học về sự chuyên cần của con cò ở lớp học

Vẫn là một điều vừa quen lại vừa lạ khi lũ trẻ ùa lên lớp lúc chiếc thuyền của chúng tôi chuẩn bị cập bến. Có lẽ vì cách mà con thuyền to chung chiêng trên sóng nước, vì những bộ đồng phục áo trắng quần xanh mà tôi đồ rằng, chúng chỉ được dùng đến mỗi khi đón khách. Lũ trẻ hình như cũng không còn lạ lẫm với những chuyến thăm như thế này. Cách xa Tổ quốc hơn ngàn km với chiều bay từ Hà Nội, có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả các thành viên trong đoàn báo chí hôm ấy đều dâng lên một cảm xúc khó tả khi nghe và hoà nhịp với lũ trẻ ở Trường Việt Nam trong lời hát Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ biết đi đằng nào...Những đôi mắt trong veo. Ngày trên đất Campuchia gần gụi như không có khoảng cách biên giới.

Những đôi mắt Biển Hồ

Buổi sáng hôm ấy, khi trò chuyện với chúng tôi trong tiếng lao xao của các học trò nhỏ, Nguyễn Minh Luận, thầy giáo trẻ đến từ Tây Ninh nói rằng, trường có đến 314 học trò và vùng Biển Hồ ở ấp 7 Chang - khơ - nia này có 576 hộ gia đình với gần 3.000 người quần tụ trong cả một quãng thời gian rất dài. Chủ yếu là đánh bắt cá, nên cũng như những mái nhà di động, những người dân ở đây lênh đênh quanh năm suốt tháng trên sóng nước tìm kế sinh nhai. Luận bảo, việc trở thành thầy giáo ở đây của anh đã bắt đầu từ một sự tình cờ, trong một lần ghé thăm người chú ruột rồi thương lũ nhỏ mà thuận tình ở lại. Vậy mà cũng đã được 5 năm rồi. Thầy giáo trẻ không giấu niềm vui khi các lớp học của anh đã trở nên quy củ hơn, lũ nhóc “chịu” đến lớp hơn và vui hơn, chính là tình cảm ấm áp mà các doanh nghiệp và bà con người Việt đã dành cho những đứa trẻ vùng Biển Hồ xa ngái. Hôm chúng tôi đến, ông Sáu Đầy, người sáng lập ngôi trường và dạy chữ Việt cho con em vùng Biển Hồ đi vắng, nhưng trong câu chuyện của mình, Luận cũng đã kịp nói với chúng tôi về sự ủng hộ, trợ giúp của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Siêm Rieap và sau đó là của một vài doanh nghiệp, của tấm lòng thơm thảo của những người khách du lịch đến từ nhiều nơi, đông nhất là từ Việt Nam. Bằng sự quan tâm và chia sẻ này, việc dạy chữ cho con em vì thế mà không bị ngắt quãng và lũ trẻ cũng chưa bị đứt bữa...

Thời gian không đủ nhiều để tôi hỏi Luận kỹ hơn về cuộc sống và cả gia đình của anh nữa khi dừng chân ở Biển Hồ. Nhưng cứ nhìn cái cách Luận nhắc chừng lũ trẻ đừng chạy khỏi té xuống nước, cách anh trò chuyện bằng giọng nói chầm chậm, điềm tĩnh và hơn cả là đôi mắt ấm áp khi kể về công việc của mình, tôi biết chàng trai trẻ này đã đến và đang ở đây bằng tất cả sự chân thành.

Buổi sáng trên hồ Tongle Sap, chúng tôi còn trông thấy những đứa trẻ theo cha mẹ chạy thuyền máy bám theo thuyền du lịch. Vài đứa trong số chúng còn vắt cả những con trăn to, nhỏ các loại trên vai như những chiếc khăn quàng loang lổ. Những con trăn làm tôi và vài đồng nghiệp nhìn đã thấy sợ hãi nhưng lại là phương tiện kiếm sống của không ít gia đình khi vùng Biển Hồ này ngày càng có nhiều đoàn khách du lịch ghé thăm. Những đôi mắt chờ đợi. Nhưng nói thật, khi ngồi chờ thuyền để quay về, tôi cứ bị ám ảnh bởi đôi mắt của cậu bé đang nép mình vào cánh cửa nhìn vào lớp học phía bên kia. Ở đó, cô giáo đang tập cho những đứa trẻ bé hơn tập đọc. Những dòng chữ trên bảng đen kể về con cò chăm học trong một câu chuyện ngụ ngôn, như khát vọng về một sự thay đổi...

Và tôi cứ hy vọng, bây giờ, hoặc ngày nào đó, Khoa và những đứa bạn nhỏ của con sẽ được dõi mắt trông theo những cánh cò sải cánh trên đồng lúa quê hương và có thể được hưởng một hay nhiều cái tết với bánh tét, với hoa, được trông thấy những đường phố hay hòa vào dòng người đông đúc và chơi những trò chơi quá đỗi bình thường trong công viên, chứ không phải chỉ là được nghe người lớn kể lại, để khao khát không còn là giấc mơ... 

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top