ClockThứ Sáu, 28/08/2020 11:52

Những đóng góp của CODEV Việt Pháp

TTH.VN - Hoạt động đối ngoại Nhân dân của Thừa Thiên Huế và của thành phố Huế luôn được đánh giá cao, có nhiều thành tựu nổi bật trong việc thu hút các nguồn tài trợ để thực hiện các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm ở nước ngoài, trong đó, có sự đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt Nam ở các nước.

Việt Nam tham dự phiên họp của Hội đồng Bảo an về nguy cơ khủng bố ISViệt Nam chủ trì đối thoại giữa ASEAN và Chủ tịch Khóa 75 Đại hội đồng LHQ

Nhiều tổ chức, cá nhân đã duy trì sự ủng hộ, giúp đỡ trong nhiều năm đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Cố đô. Trong đó, có thể nêu bật sự đóng góp của Hội Người yêu Huế, của các Tổ chức Bánh mì Thế giới (Bread for the World ), Schmidt Stiftung, CCFD và CIDSE của những năm 1975- 1990, Hội CODEV Việt Pháp, Hội Bretagne Viet Nam, Hội Tuổi thơ Hy Vọng (Enfance Espoir ), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Viet Nam ) của ông bà GS. Trần Thanh Vân - Kim Ngọc, Học bổng của GS Odon Vallet, tổ chức Philanthropies (AP ), Vòng tay Thái Bình ( Pacific Links); các hoạt động từ thiện nhân đạo của tổ chức CI… từ cuối những năm 1990 trở lại đây.

Những nhà tài trợ hàng đầu đó không chỉ đóng góp công sức, tiền của vào việc triển khai các chương trình, dự án cụ thể mà còn góp phần tạo ra những điểm nhấn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và thành phố, đặc biệt trong chương trình đầu tư vào các ngành giáo dục, y tế; hỗ trợ xây dựng  nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề truyền thống và mở mang hệ thống thủy lợi nhỏ; xây dựng sản phẩm mới về văn hóa, du lịch...

CODEV Việt Pháp hỗ trợ nhiuef hoạt động bảo tồn phát triển văn hóa, trong đó có diều Huế. Ảnh: A.T  

Những đặc điểm riêng có 

Trong số các tổ chức nói trên, tôi thấy cần có sự đánh giá đúng mức nỗ lực và sự đóng góp có hiệu quả của Hội CODEV Việt Pháp đối với thành phố Huế nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Tiền thân của tổ chức này là Câu lạc bộ hợp tác và phát triển (CODE) với sự đỡ đầu của Công ty Điện lực Pháp ( EDF ), nhưng qua sự “bắc cầu" của Hội Người yêu Huế ở Paris mà chủ tịch là ông Lê Huy Cận, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam yêu nước tại Pháp, cộng với tác động mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế, nên sau chuyến thăm Việt Nam từ 26/3 đến 13/4/1989, một số thành viên tham gia đoàn khảo sát đã thống nhất thành lập một hội mới mang tên là Hội CODEV Việt Pháp do ông Jean Michel Dupont làm Chủ tịch và ông Piere Spiteri là thư ký, để tiến hành các hoạt động hợp tác nhằm giúp đỡ cho sự phát triển của vùng cố đô Huế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và kinh tế với một số dự án mang tính khởi động gồm:

Tổ chức và thương mại hóa hoạt động du lịch đến Việt Nam.

Giúp đỡ thiết lập chuẩn mực quốc tế ở các thiết chế đón tiếp khách du lịch ở Huế.

Góp phần khôi phục và thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Nghiên cứu và quảng bá các dự án công nghiệp và thủ công mỹ nghệ của Huế đến cộng đồng các doanh nghiệp Pháp.

Cung cấp và  hướng dẫn vận hành một số trang thiết bị về y tế, xã hội.

Phát triển các dự án hợp tác văn hóa để phát huy các tiềm năng văn hóa Huế, trong đó có việc tổ chức festival.

Sở dĩ chúng tôi phải nhắc đến sự khởi đầu này vì có những đặc điểm riêng có trong quá trình hình thành và phát triển hoạt động của hội:

Hội CODEV Việt Pháp định hướng hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của địa phương trong thời kỳ đầu thực hiện chính sách mở của, đổi mới; còn nhiều khó khăn, lúng túng cả về nguồn lực, kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại về mặt kinh tế.

Có một sự kết hợp khá tốt ngay từ đầu trong việc định hướng hoạt động của Hội CODEV Việt Pháp giữa ban lãnh đạo của Hội với lãnh đạọ của tỉnh và thành phố Huế; cùng với sự đóng góp có hiệu quả của Hội Người yêu Huế ở Pa ri, trong đó có vai trò nổi bật của ông Lê Huy Cận.

Khác với các hội khác thường chỉ tập trung vào mảng từ thiện xã hội và nhắm đến một số đối tượng cụ thể; định hướng hoạt động của Hội nặng về tính chất giúp đỡ phát triển kinh tế, văn hóa là không theo thông lệ, vì đầu tư phát triển thường được thực hiện dưới hình thức viện trợ ODA; tài trợ liên chính phủ hoặc của các tổ chức quốc tế. Việc tìm ra nguồn lực để duy trì và phát triển hoạt động của CODEV Việt Pháp luôn là một thách thức lớn lao vì chỉ là một tổ chức phi chính phủ quy mô nhỏ, nhưng có phạm vi hợp tác khá rộng và đa dạng.

Thành tựu và một số điểm nhấn

Một số chương trình, dự án do CODEV Việt Pháp tài trợ không chỉ góp phần tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực quản trị mà còn tạo ra một số sản phẩm mới, thúc đẩy các bước phát triển tiếp theo. Thông qua hợp tác với CODEV Việt Pháp, tỉnh và thành phố đã tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ tổ chức festival có tầm quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố đô; mở rộng mạnh mẽ giao lưu và hợp tác quốc tế. Kinh nghiệm triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú với phạm vi không gian rộng, thời gian dài; lấy văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế làm nòng cốt và thu hút các lực lượng đỉnh cao văn hóa của nhiều châu lục.

- Những bài học rút ra về xây dựng qui mô sân khấu rộng; sắp xếp các chương trình biểu diễn “IN", “OFF"; cách phân bổ các lực lượng chuyên nghiệp và sự tham gia của công chúng; tiến hành công tác quảng bá, vận động ở cả trong và ngoài nước mà đội ngũ các nhà tổ chức của chúng ta có được hôm nay thực sự bắt nguồn từ festival đầu tiên với chủ đề “Những cuộc gặp gỡ tại Huế “ (Lé Rencontres de Hue), từ 1 đến 8/4/1992, gây tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước.

Sau Festival Huế 1992, các loại hình nghệ thuật truyền thống và dân gian của vùng đất Cố đô được khôi phục và phát huy một cách mạnh mẽ; các đoàn ca Huế, múa cung đình, diều Huế được lãnh đạo tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp và tham gia nhiều hơn vào hoạt động công diễn ở cả trong và ngoài nước.

CODEV Việt Pháp cũng là đơn vị bảo trợ chịu trách nhiệm cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô trong việc tranh thủ nguồn lực đầu tư của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Pháp và các doanh nghiệp Pháp để tiến hành các bước trùng tu Duyệt Thị Đường từ năm 1993 đến năm 1998.

- CODEV Việt Pháp còn tham gia nhiều hoạt động có ý nghiã khác như đầu tư xây dựng công trình chiếu sáng trục đường Lê Lợi từ Đập Đá kéo dài đến ga Huế; hỗ trợ một số dự án khôi phục các ngành nghề chạm khắc, sơn mài; nâng cấp diều Huế; hưởng ứng chương trình tái định cư dân vạn đò thông qua các dự án đầu tư xây dựng trường mẫu giáo, bệnh xá; nhà ăn cho trẻ em gia đình nghèo ở khu dân cư gặp nhiều khó khăn ở phường Phú Bình (thành phố Huế ).

Bên cạnh đó, Hội đã tích cực hỗ trợ một số doanh nghiệp du lịch tăng cường công tác lữ hành; nâng cao chất lượng đón khách; đầu tư nâng cấp nhà khách kiểu mẫu ở số 5 Lý Thường Kiệt; tài trợ các khóa bồi dưỡng Pháp ngữ; hỗ trợ chí phí cho một số thực tập sinh đến Huế và giúp thực tập sinh, nghệ sĩ ở Huế có cơ hội giao lưu, học tập ở Pháp..

Phải nhìn nhận khách quan rằng, cũng từ nhân duyên quan hệ hợp tác này, Hội CODEV Việt Pháp cùng với Hội Người yêu Huế đã góp phần giúp tỉnh và thành phố tiếp cận được nguồn lực từ nhiều tổ chức quốc tế như EU, UNESCO và sự quan tâm nhiều hơn của các tổ chức và nhiều địa phương của Pháp; tham gia xây dựng mô hình hợp tác phi tập trung giữa Thừa Thiên Huế với vùng Nord pas de Calais, vùng Bretagne, vùng Poitous- Charentes (nay là vùng Nouvelle Aquitaine )..; giữa TP. Huế với Paris, Cộng đồng đô thị Lille; Cộng đồng đô thị  Grand Poitiers; với các TP Rennes, Blois, Cergy, Nimes… Thông qua đó chúng ta có thêm nhiều nguồn lực, kinh nghiệm quản lý phục vụ cho mục tiêu phát triển của địa phương trên các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, quản lý đô thị, bảo tồn di sản, phát triển du lịch, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ…

Đôi điều suy ngẫm

Bài viết này không nhằm đề cao một tổ chức mà chỉ muốn chụp hình cận cảnh một điển hình của hoạt động đối ngoại Nhân dân để bày tỏ lòng mong muốn của người viết hướng đến việc tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ hơn về kết quả thực thi nhiệm vụ quan trọng này,với một niềm tự hào chính đáng về nỗ lực và những thành tựu của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế.

Rõ ràng, qua mô hình hợp tác giữa CODEV Việt Pháp; chúng ta không chỉ là một bên thụ hưởng mà còn là một bên tham gia định hướng, thiết kế và thu hút tối đa năng lực, nhiệt tâm của đối tác nước ngoài vào những chương trình, dự án cấp bách không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, mà quan trọng hơn là tạo ra những điểm nhấn để có bước phát triển có tính nhảy vọt tiếp theo.

Mô hình này cũng đòi hỏi phải thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; những người với uy tín cá nhân của mình có thể bắt cầu cho chúng ta tiếp cận ngững nguồn lực to lớn hơn nhiều. Sự đóng góp của các anh Võ Quang Yến, Lê Huy Cận, Lê Bá Đảng, Trương Quang Minh, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Xuân Hồng; bà Điềm Phùng Thị; chị Nguyễn Khoa Song Xuân; vợ chồng bác sĩ Cẩm Hà- Lê Thái; chị Tuyết Ba Rioux và người chồng quá cố; của anh chị Thanh Phương- Vanvert... ở khắp nước Pháp, Bỉ... không thể lượng hóa thành tiền, nhưng sự có mặt của "bên Việt Nam tại nước ngoài" là động lực thường xuyên để duy trì và phát triển không ngừng các chương trình hợp tác đầy hiệu quả.

Nguyễn Trọng Chân

Tài liệu tham khảo:

-         Ấn phầm “ CVP  Codev Viet Phap , Une histoire franco- vietnammienne “

-         Một số tư liệu do Sở Ngoại vụ cung cấp

-         Một số tư liệu cá nhân. 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học

TIN MỚI

Return to top