ClockThứ Sáu, 03/05/2013 10:48

Những đứa con của ông đại tá

TTH - Cả nhà đại tá Thuận đang quây quần bên mâm cơm trưa, bỗng có khách gõ cửa. Ông buông bát vội vàng trở ra. Bần thần trong chốc lát, khách lắp bắp rồi như đứa trẻ hét lên:
- Bố … Bố Thuận...
 
Tiếp theo hai đứa trẻ cũng kính cẩn cúi đầu lễ phép thưa:
 
- Cháu chào ông nội…
 
 Giọng Quảng Nam đặc sệt, dáng vẻ từ quê đường xa mới đến, hành lý mang theo còn có cả một chiếc lồng tre, bên trong nhốt cặp gà, mấy cặp đường đen. Ông Thuận vội vàng mời khách vào nhà. Cả nhà đang dở cơm ai cũng buông bát. Bà Huê vợ ông, mặt như biến sắc trước sự xuất hiện đường đột về đứa con cùng hai đứa cháu nội của ông Thuận. Điều mà bà, từ khi làm vợ ông, chưa một lần nghĩ tới.
 
 Ông Thuận vào chiến trường Trị Thiên, tham gia chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn “Gio An anh hùng”. Trận đầu tiên thắng Mỹ ở chiến trường Quảng Trị; tham gia đánh địch phản kích sau xuân 1968, giữ gìn vùng giải phóng Hương Trà - Quảng Điền. Bị thương, ông được nhân dân Quảng Điền nuôi giấu trong hầm bí mật để sau đó tìm lại đơn vị, tiếp tục vào Nam chiến đấu. Ông có thời gian dài nằm vùng trong hậu cứ địch ở vùng Đại Lộc - Quảng Nam.
 
 Bà Huê không nói lời nào, trước khi đi ra bếp, đôi mắt bà nhìn ông vặn xoắn như một câu hỏi: “Thế này là thế nào hỡi ông?”. Ông có con riêng đã lớn và có cả cháu nội. Thế mà ông giấu biệt cho đến giờ. Cái tin đại tá Thuận có con riêng lan nhanh cả khu phố. Bà con đến, người trong, người ngoài. Thấy ông cười cười, nói nói, còn bà Huê thì mặt buồn xo, tiếp khách mà không một lời. Ông Thuận sai đứa con trai chạy đi mời ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nơi cơ quan ông đang công tác. Ông Thuận muốn dịp này để giới thiệu với bà con và cơ quan về đứa con và hai đứa cháu nội của mình sau hơn ba chục năm giờ mới tìm về.
 
Ngôi nhà càng thêm đông người. Ông Thuận ngồi bên con và hai đứa cháu nội từ nãy đến giờ mới lên tiếng:
 
- Con năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
 
- Dạ con sinh năm 66
 
- Ba má con có tìm lại được không?
 
- Dạ … ba má con đã chết, cách đây mấy năm mới tìm được mộ ạ
 
- Chị cháu hiện nay ra sao?
 
- Dạ bố hỏi chị Luyến?
 
- Đúng rồi…
 
- …
 
Như trút bỏ được phần gánh nặng, ông Thuận đứng lên dõng dạc trước mọi người:
 
- Thưa bà con, đây là cháu Duyệt và hai cháu nhỏ này là con của Duyệt. Cháu từ Quế Sơn, Quảng Nam ra thăm bố Thuận sau hơn ba chục năm xa cách… Sự thể là, tháng 6 năm 1972, Trung đoàn 38 (Trung đoàn Gio An anh hùng), thuộc Sư đoàn II của tôi đã tấn công đánh chiếm căn cứ quân sự địch ở đồi Cẩm Dơi, mở rộng vùng giải phóng, làm cơ sở đảm bảo cho mặt trận Quân khu V (Quảng Nam - Đà Nẵng). Cứ điểm khi giải phóng, binh lính trong khu gia binh và trong ấp chiến lược tháo chạy để lại 40 em nhỏ tuổi từ 6 đến 10, không cha, không mẹ, không nơi nương tựa. Trước tình cảnh đó, Trung đoàn đã có một quyết định là phải có trách nhiệm nuôi dưỡng các cháu. Kể từ đó Trung đoàn có 40 đứa con nuôi. Các cháu được chia đều cho các bộ phận Trung đoàn như Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Quân y… riêng tôi nhận nuôi bốn cháu. Trong đó, có cháu Duyệt đây và chị ruột của cháu là Ngô Thị Luyến và hai cháu khác. Thời gian đó đơn vị vừa chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng vừa sản xuất tự túc lương thực. Tháng 3 năm 1975, đơn vị được lệnh chuẩn bị hành quân chiến đấu, xuôi về đồng bằng giải phóng thị xã Tam Kỳ, TP Đà Nẵng trong chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, lúc này không thể mang theo các cháu. Không còn cách nào khác, đơn vị đành bàn giao các cháu cho địa phương tiếp tục nuôi dạy. Sau giải phóng, công việc cứ cuốn hút, đến nay, giờ mới gặp lại. Ông Thuận đưa tay lau vội nước mắt, rồi vui cười nói với bà con: Đây là hai con gà, con tôi mang từ Quế Sơn ra, gà đồi đây thịt ngon lắm, còn đây là mấy bánh đường đọi (đường bánh) cũng sản phẩm quê hương, chiều nay mời bà con cùng đến liên hoan với gia đình”. Tiếng vỗ tay râm ran. Bà Huê giờ mới nói nói, cười cười, giục các con vào bếp. Bà quay ra nói với ông Thuận: “Ông đi nhanh với tôi qua chợ Đông Ba mua cho cháu nó mấy bộ áo quần để nó kịp thay. Chiều ni còn đón bà con đến thăm nữa chớ”. Không khí gia đình sôi động hẳn lên. Hai đứa nhỏ cứ ríu rít “ Ông nội… Ông nội…”.
Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top