Thế giới

Những giàn hỏa thiêu không ngừng cháy và thảm kịch Covid-19 đau lòng ở Ấn Độ

ClockThứ Sáu, 30/04/2021 09:01
Mỗi ngày trôi qua ở Ấn Độ hiện nay là một vòng lặp đáng sợ, khi cứ người nối người mắc bệnh và chết trong khi hệ thống y tế ngày càng gần bờ vực sụp đổ.

Số ca nhiễm COVID-19 mới ở Ấn Độ chạm mốc kỷ lục toàn cầuToàn cầu thúc đẩy hỗ trợ y tế cho Ấn Độ chống dịch

Những giàn hỏa thiêu không ngừng cháy

Những giàn hỏa thiêu các bệnh nhân qua đời vì Covid-19 chưa bao giờ ngừng cháy những ngày qua ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ trong khi các lò hỏa táng đã bắt đầu tan chảy.

Củi để chất lên những giàn hỏa thiêu chỉ có hạn khiến cho những thi thể các nạn nhân vẫn còn cháy dở bên bờ sông Hằng. Những người đào mộ ở thủ đô New Delhi bận rộn tới mức được các gia đình thuê trước từ khi những người thân mắc Covid-19 của họ vẫn còn sống.

Các giàn hỏa thiêu những bệnh nhân qua đời vì Covid-19 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AP

Không khí chết chóc bao trùm ở nhiều nơi tại Ấn Độ, quốc gia mà cách đây chỉ 1 vài tháng tuyên bố đã đánh bại đại dịch Covid-19. Sự bùng nổ số ca mắc mới cùng với sự xuất hiện của biến thể đột biến kép đang đẩy hệ thống y tế vốn đã quá tải của nước này ngày càng gần với bờ vực sụp đổ.

Khoảng 350.000 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận mỗi ngày ở Ấn Độ, một con số kỷ lục chưa từng ghi nhận ở bất kỳ quốc gia nào kể từ khi đại địch bùng phát hơn 1 năm trước và cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,1 triệu người trên thế giới.

Oxy khan hiếm và những người bệnh đang chết dần trong hơi thở khó nhọc bên ngoài các bệnh viện quá tải ở Ấn Độ mà trong đó, có những nơi đã phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới do không còn giường bệnh. Mỗi ngày trôi qua ở Ấn Độ hiện nay là một vòng lặp đáng sợ, khi cứ người nối người mắc bệnh và chết.

Nhiều người ở Ấn Độ lần đầu tiên đăng nhập vào Twitter để tìm kiếm hỗ trợ bình oxy, hiện được bán ở chợ đen với giá cắt cổ, cao gấp 2 - 3 lần tháng lương của một người lao động bình thường. Những y tá kiệt sức lo ngại họ sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi không có thời gian để đi vệ sinh trong những ca trực tưởng như không bao giờ kết thúc.

"Mọi người đều cảm thấy bất lực", Chaithra Kodmad, 28 tuổi, bác sĩ phòng cấp cứu ở một bệnh viện tư tại Bengaluru, cho hay.

"Virus ở mọi nơi. Nó xâm nhập vào mọi căn nhà. Nó không quan tâm đến tuổi tác hay bạn đến từ đâu. Nó không quan tâm đến điều gì cả".

Kodmad, giống như nhiều nhân viên y tế khác ở Ấn Độ, nói rằng các đồng nghiệp của họ, những người đã được tiêm vaccine Covid-19, vẫn nhiễm biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia đang cố gắng xác định tác động của những biến thể mới nguy hiểm hiện nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong tuần này rằng biến thể từ Ấn Độ, với tên gọi chính thức là B1617 đã được phát hiện ở ít nhất 17 quốc gia, trong đó có Mỹ.

Thảm kịch Covid-19 đau lòng ở Ấn Độ

Điều đáng lo ngại hơn nữa là đại dịch bùng phát đã làm gián đoạn cam kết của Ấn Độ trong việc cung cấp hàng triệu liều vaccine Covid-19 cho những nước đang phát triển. Ấn Độ là nơi đặt nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất của vaccine AstraZeneca - Viện Huyết thanh, hiện đã dừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ấn Độ cho rằng nước này đã ở bước ngoặt của dịch bệnh vào đầu năm nay sau khi trải qua một thời gian phong tỏa chật vật và khiến hàng triệu người, chủ yếu là lao động nhập cư thất nghiệp. Chỉ với 1 vài nghìn ca mắc được ghi nhận mỗi ngày ở đất nước 1,4 tỷ dân, vào thời điểm đó, Ấn Độ nghĩ rằng dịch Covid-19 đã dần đi đến "hồi kết".

Hồi tháng 3, hơn 50.000 người hâm mộ ngồi sát nhau, không đeo khẩu trang xem trận đấu cricket ở Sân vận động Narendra Modi tại Ahmedabad, thành phố lớn nhất Gujarat. Tháng 4, hàng nghìn người tập trung tại các cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Tây Bengal. Trong khi đó, hàng triệu tín đồ tổ chức lễ hội Kumbh Mela của Hindu giáo bằng cách ngâm mình trên những dòng sông thánh Ganges và Yamuna.

Cuối cùng điều gì đến cũng đã đến. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày nhiều gấp 30 lần số ca nước này ghi nhận hồi tháng 2. Do chưa tiến hành đủ xét nghiệm, số người mắc bệnh và tử vong được cho là còn cao hơn gấp nhiều lần.

Các chuyên gia y tế đang kêu gọi hành động quyết liệt với các lệnh phong tỏa mới và huy động nguồn lực quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung oxy, thuốc men và giường bệnh.

"Viễn cảnh lý tưởng nhất là làn sóng dịch bệnh lần này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 và bắt đầu giảm dần một vài tuần sau đó", Krishna Udayakumar, giám đốc sáng lập Trung tâm Sáng kiến Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke nhận định.

Nhưng những thảm kịch Covid-19 đang diễn ra theo những xu hướng không thể tính toán trước ở đất nước đông dân thứ hai thế giới này. Tuần tước, 24 bệnh nhân Covid-19 đã qua đời khi một thùng oxy bị rò rỉ ở một bệnh viện tại Nasik, một thành phố cách đông bắc Mumbai hơn 160 km.

Rakesh Srivastava, một chủ sở hữu doanh nghiệp vận tải ở thành phố Varanasi, người đã mất đi người vợ vì Covid-19 cách đây 2 tuần cho biết ông đã chờ 5 tiếng để việc hỏa táng thi thể người thân của mình hoàn thành.

"Có quá nhiều thi thể cần được hỏa táng. Các bãi hỏa thiêu đang dần hết gỗ".

Một người đào mộ ở Ấn Độ Mohammad Shamim thì cho biết số nạn nhân Covid-19 đã tăng trung bình 15 - 20 người/ngày trong tháng qua. Ông Shamim đã ngủ trong một túp lều tạm bợ ở nghĩa địa để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh cho vợ con ở nhà. Ông không có ai an ủi sau một ngày chứng kiến những lời than khóc và tiếc thương của người thân những người qua đời vì dịch Covid-19. Một trong những điều đau lòng trong đại dịch này là các nạn nhân sẽ được bọc trong những tấm vải trắng để tránh lây nhiễm, khiến cho gia đình không thể nhìn mặt họ lần cuối.

"Mọi người đều muốn nhìn mặt những người thân của họ lần cuối. Tôi phải cứng rắn và không để họ làm điều đó. Nhiều người thường cằn nhằn và nói những lời gây tổn thương nhưng tôi không thể nói điều gì khác với họ bởi họ đều quá đau buồn rồi"./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top