ClockThứ Ba, 01/03/2016 06:01

Những gợi ý hay để học tốt ở đại học

TTH - Làm sao để học tập đạt kết quả tốt ở đại học là câu hỏi không dễ trả lời. Kinh nghiệm của 2 sinh viên đạt thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc giai đoạn 2013-2015 của Đại học Huế dưới đây sẽ là những gợi ý hay mà các bạn sinh viên có thể tham khảo.

Chủ động trong học tập

Trần Thị Thu Hiền, lớp Luật K36A, Trường đại học Luật - Đại học Huế chia sẻ, kinh nghiệm đầu tiên là sự chủ động trong học tập, hoàn thành bài hôm nay và chuẩn bị tốt bài vở ngày mai. “Thời gian qua đi không thể lấy lại được. Thứ duy nhất mà bạn có thể làm chủ và thay đổi là hiện tại. Vì thế, hãy làm mọi thứ mà bạn đặt ra ngay ở thì hiện tại chứ không phải tương lai. “Việc hôm nay chớ để ngày mai” sẽ tạo một thói quen tốt, giúp ích cho chúng ta ở mọi mặt của đời sống chứ không riêng học tập”, Thu Hiền nói.

Đọc sách miễn phí, một hoạt động do Câu lạc bộ thư viện miễn phí, Trường đại học Sư phạm Huế tổ chức

 

Kinh nghiệm thứ hai là luôn tập kỹ năng ghi nhớ kiến thức một cách lôgic. Muốn vậy, theo Hiền, cần có hệ thống kiến thức nhất định. Nắm chắc kiến thức thì hiểu được, nhớ lâu dài và có thể vận dụng kiến thức. Để ghi nhớ kiến thức, cần phải ôn tập thường xuyên và có hệ thống để tăng cường khả năng ghi nhớ. Khi học bài, cần tạo ra các ấn tượng ghi nhớ sâu kiến thức thông qua đồ dùng học tập, hay trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh cãi với bạn bè. Nhớ lâu cũng bắt nguồn từ hứng thú - “chất men” kích thích học tập. Thế nên, các bạn sinh viên hãy chuẩn bị tinh thần thật thoải mái và tập trung cao độ khi học.

Kiến thức luôn liên quan đến nhau, một vấn đề bao giờ cũng chứa đựng nhiều kiến thức. Có những kiến thức đã được thừa nhận và dễ dàng nhìn thấy nhưng cũng có những kiến thức phát sinh hoặc ẩn chìm sau những phần đã được thừa nhận. Do đó, xây dựng sơ đồ tư duy, sơ đồ cành cây để ghi nhớ kiến thức cũng là việc làm cần thiết giúp tóm tắt và nhớ kiến thức được lâu nhất và hiểu được bản chất, sự liên quan giữa chúng.

Một kinh nghiệm nữa tưởng đơn giản nhưng không kém phần quan trọng mà Thu Hiền chia sẻ là biết sắp xếp thời gian hợp lý, chia nhỏ công việc để dễ dàng thực hiện. Cần tạo thời gian biểu hợp lý cho việc học, không nên học vào những giờ mà đáng lẽ lúc đó bộ não cần nghỉ ngơi.

Kinh nghiệm thứ tư là, hãy tạo dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Thói quen tự học và nghiên cứu tài liệu giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn so với việc được nghe truyền đạt từ người khác. Để có thói quen này, đòi hỏi sự nỗ lực và tinh thần chủ động của bản thân mỗi sinh viên.

Học tiếng Anh, mở cánh cửa ra thế giới

Những kinh nghiệm học tập sinh viên năm cuối của Hồ Sỹ Minh Đức, lớp Răng Hàm Mặt 6, Trường đại học Y Dược Huế sau đây cũng sẽ mang lại cho các bạn sinh viên nhiều thông tin bổ ích.

Theo Minh Đức, thời sinh viên là thời gian tốt nhất để học tập, tìm hiểu, mở rộng vốn kiến thức chuyên ngành của mình. Chương trình học đại học gồm nhiều môn học khác nhau. Việc học tốt từng môn học không thôi vẫn chưa đủ, cần phải biết tổng hợp, lồng ghép và vận dụng các môn học đó một cách linh hoạt. “Trong thực tế, công việc đến với chúng ta phần nhiều là tổng quát và cần sự hiểu biết từ nhiều môn học khác nhau mới có thể giải quyết một cách đúng đắn. Chính sự phân tích, tổng hợp, vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức từ tất cả các môn học mới giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và đưa ra hướng giải quyết tối ưu cho công việc sau này”, Đức nói.

Việc học tiếng Anh là một trong những điều then chốt, là chìa khóa giúp các bạn sinh viên mở cánh cửa để bước vào thế giới hiện đại. Để học một ngôn ngữ hiệu quả, theo Đức, cần để bản thân mình đắm chìm trong ngôn ngữ đó. Kinh nghiệm để phát triển vốn tiếng Anh của chàng sinh viên này là biến tiếng Anh thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Đức tự tạo cho mình thói quen đọc sách báo, xem phim, nghe nhạc... bằng tiếng Anh. Đức còn đam mê tham gia các hoạt động có sử dụng tiếng Anh, như hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh ở trường, các hoạt động phiên dịch, chương trình quốc tế để nâng cao trình độ tiếng Anh. “Bên cạnh nỗ lực học tiếng Anh, việc phấn đấu đạt được các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phổ biến, như TOEIC, IELTS, TOEFL Ibt,... là vô cùng quan trọng, Đức đưa ra lời khuyên. - Nên cố gắng thi để có các chứng chỉ này sớm nhất có thể, như vậy chúng ta sẽ tự tin để nộp hồ sơ xin học bổng hoặc các chương trình quốc tế khi cơ hội đến. Hiện nay, các chương trình này khá phổ biến trên mạng và ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam nói chung và các sinh viên Đại học Huế nói riêng tham dự”.

Tận dụng lợi thế internet là kinh nghiệm để học tập tốt nữa mà Đức chia sẻ. “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, thông tin không chỉ được lưu trữ một cách truyền thống trên sách vở mà còn được đăng tải rộng rãi trên mạng internet - một công cụ hữu hiệu giúp mở mang kiến thức. Để tìm hiểu về chủ đề nào đó, các bạn sinh viên có thể tìm kiếm thông tin từ rất nhiều hình thức khác nhau như sách, tạp chí điện tử, bài trình bày powerpoint, bài giảng, video clip, hình ảnh minh họa trên mạng. Những thông tin này giúp bạn hiểu vấn đề dễ dàng, trực quan và sâu sắc hơn, từ đó sẽ ghi nhớ thông tin lâu hơn. Bên cạnh đó, các thông tin chuyên ngành bằng tiếng Việt trên mạng còn khá hạn chế trong khi được viết bằng tiếng Anh rất phong phú. Đây cũng là cách học giúp sinh viên cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình. Tuy nhiên, không phải nguồn thông tin nào trên Internet cũng chính xác. Cần chọn lọc những nguồn tham khảo có uy tín để tích lũy cho mình các thông tin chất lượng”, Đức lưu ý.

Bài, ảnh: Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top