ClockThứ Ba, 28/04/2020 07:42

Những hành động trái phép không thể chấp nhận

TTH - Vừa mới thoát ngưỡng đỉnh điểm lây lan của dịch, Trung Quốc lại có những cư xử “không bình thường” với các nước, trong đó có Việt Nam.

Sách Địa lý Trung Quốc không ghi nhận Hoàng Sa – Trường SaViệt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc huấn luyện quân sự trái phép ở Hoàng Sa

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp. Ảnh: AFP

Chuyển sức nóng phản ứng về dịch COVID- 19 ra khỏi đại lục

Dịch COVID-19 đã lây lan khắp toàn cầu với hàng triệu người lây nhiễm, hàng trăm ngàn người chết. Nó đã trở thành một đại dịch, một cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Loại virus này xuất phát từ Trung Quốc và chỉ trong một thời gian ngắn đã lây lan tới hàng trăm quốc gia trên thế giới.

Tại Trung Quốc, từ ổ dịch ban đầu tại thành phố Vũ Hán đã lan ra cả nước với trên 80 ngàn người nhiễm dịch, cướp đi sinh mạng của hơn 8 ngàn người. Trung Quốc- nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới- đang gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đại dịch đang diễn biến phức tạp, các chính khách, tổ chức quốc tế ở nhiều quốc gia, nhất là Mỹ đã lên tiếng chỉ trích cách ứng xử thiếu khoa học, kém nhân đạo của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu dịch bệnh đang chĩa mũi nhọn vào khả năng SARS -CoV- 2 là “nhân tạo” xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán?

Gần đây, nhiều tổ chức của dân chúng các nước lên tiếng và phát đi thông điệp khởi kiện Trung Quốc, đòi bồi thường hàng chục ngàn tỷ USD. Sức nóng về nguyên nhân dịch bệnh đang hướng vào Trung Quốc như những cơn sóng dồn dập. Mỗi lần như vậy, Trung Quốc lại tìm cách chuyển phản ứng dư luận ra bên ngoài như một phép lợi thế.

Lợi dụng tình hình phức tạp quốc tế để phục vụ mục tiêu riêng

 Ngày 19/1/1974, lợi dụng tình thế chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu, Trung Quốc bắt tay với Mỹ đánh chiếm Hoàng Sa. Lợi dụng bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc tấn công chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 3/1988. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014, Mỹ và cả châu Âu đang dồn nỗ lực chống lại, cấm vận đối với Nga thì Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam (từ 1/5 đến 15/7/2014). Vào nửa cuối năm 2019, khi Tổng thống Mỹ đối mặt với cuộc chiến pháp lý do Đảng Dân chủ luận tội, Trung Quốc lại đưa tàu thăm dò HD 08 vào sâu trong bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Và trong tháng 3/2020, tàu này lại tiếp tục di chuyển qua Biển Đông, xâm phạm EEZ của Malaysia.

 Chỉ 3 tháng đầu năm 2020, dù đang bị dịch bệnh, Trung Quốc đã tăng tần suất tàu quân sự lớn nhất hoạt động ở Biển Đông. Cùng với đó, Trung Quốc còn kéo tàu sân bay, tàu chiến đến gần đảo Đài Loan, xâm phạm vùng EEZ của Phillipine. Ngày 2/4/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá, bắt giữ 8 ngư dân Quảng Ngãi đang đánh cá hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa. Điều đáng nói là người phát ngôn Bộ Ngoại giao và giới truyền thông Trung Quốc lại “đổi trắng thay đen” đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam xâm phạm và “đâm vào tàu của Trung Quốc”. Cho nên, chúng ta không lạ gì khi dư luận thế giới đang hướng vào “virus Trung Quốc” thì phát ngôn viên của họ úp mở lên tiếng “quân đội Mỹ đưa virus đến Vũ Hán”.

Lập đơn vị hành chính trên lãnh thổ không phải chủ quyền là vi phạm Luật Quốc tế

Ngày 18/4/2020, giới truyền thông Trung Quốc thông báo quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa", trực thuộc "thành phố Tam Sa". Quyết định sai trái này không phải lần đầu nhưng lại được diễn ra trong giai đoạn nhạy cảm về dịch bệnh là có ý đồ chính trị.

Năm 2007, Trung Quốc cũng đã thông báo thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" ở mức độ hẹp, bị quốc tế lên án và sự phản ứng dữ dội của dân chúng Việt Nam nên không được đề cập nhiều. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó xác định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam thì Trung Quốc cũng bắt đầu có phản ứng cao hơn. Gần như đồng thời trong ngày, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", giao quyền quản lý hành chính 2 quần đảo. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm một phần từ năm 1956, đến tháng 1/1974, họ thỏa thuận với Mỹ đánh chiếm các đảo còn lại do chính quyền ngụy Sài Gòn quản lý. Ở Trường Sa thì Trung Quốc đánh chiếm 7 thực thể đảo, xây dựng căn cứ quân sự. Tuy được che đậy bằng các trung tâm nghiên cứu biển, đại dương, nhưng thực chất đây là những căn cứ quân sự nhằm khống chế Biển Đông. Hàng năm, Trung Quốc đã tổ chức diễn tập, tăng cường khí tài hiện đại, mở rộng căn cứ hậu cần trên các đảo chiếm đóng trái phép. Cái gọi là thành lập “đơn vị hành chính cấp quận” chỉ là hình thức tiếp tục đưa ra để làm cái cớ pháp lý. Qua đó một lần nữa thăm dò phản ứng của quốc tế, của các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.

Với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử từ trong quá khứ và Nhà nước đã nhiều lần tuyên bố khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Một vùng biển, đảo (kể cả đất liền) xâm chiếm trái phép của nước khác thì không được đặt quyền quản lý hành chính theo quy định và luật pháp quốc tế.

Độc chiếm Biển Đông là mục tiêu từ lâu và đang được Trung Quốc từng bước thực hiện âm mưu đó. Từ chiếm đóng trái phép đến từng bước hợp thức hóa chủ quyền, thành lập đơn vị hành chính là hoàn toàn trái phép.

 Trong khi cả thế giới đang chống chọi dịch bệnh thì Trung Quốc chuyển sức nóng ra Biển Đông bằng các hành động phi lý là không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo phân tích của Maybank Investment Bank Bhd, việc áp dụng xe điện (EV) ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tung ra các mẫu xe mới với giá thấp hơn, đồng thời khu vực này cũng có các cơ sở sản xuất ô tô lớn và nhu cầu xe điện đáng kể.

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

TIN MỚI

Return to top