ClockThứ Năm, 12/05/2016 14:23

Những khu tập thể mong manh

TTH - Mặc dù UBND tỉnh có quyết định về việc chuyển giao quỹ đất nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước của Công ty cổ phần Lương thực Bình Trị Thiên (nay là Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế) từ năm 2006, nhưng đến nay công tác chuyển giao vẫn chưa hoàn thành.

Nhà xuống cấp

Khu tập thể 48 Chi Lăng được xây dựng từ trước 1975, sau 1975 giao cho Công ty Lương thực Bình Trị Thiên (nay là Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế) làm cửa hàng lương thực. Sau đó, công ty đã bố trí cho 15 hộ cán bộ công nhân viên làm nhà ở tập thể. Một thời gian dài sử dụng không được bảo trì, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng.

 Vôi, vữa trần nhà bong tróc lộ phần rỉ thép

Căn nhà của ông Trần Vũ Đình Nghĩa tầng 2 khiến chúng tôi “lạnh gáy” khi bước vào. Từng mảng tường chằng chịt những vết nứt gãy, phía trên mái kết cấu xi măng cốt thép bị lão hóa, chùng xuống, tưởng chừng chỉ cần một tác động nhỏ cũng đủ khiến mảng trần này đổ sập. Cậu con trai ông Nghĩa phân trần: Nhiều khi nhìn lên trần nhà chẳng dám ngủ, cứ tưởng tượng nhắm mắt lại nó sập xuống thôi. Vào mùa mưa bão nhà em phải chuyển chỗ ngủ đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Căn nhà bà Trần Thị Mẫn mặc dù có cải tạo, nhưng cũng không mấy khá hơn. Dẫn chúng tôi ra khu vực bếp, bà ái ngại: “Trần nhà lâu lâu lại rơi xuống vài miếng vôi, vữa. Lắm khi gia đình phải ăn cơm, canh pha chút cát sỏi”.

Theo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng công trình của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh, công trình có diện tích 569m2 gồm 2 phần: phần xây dựng từ thời Pháp và phần xây dựng trước 1975. Qua thời gian sử dụng không được bảo trì sửa chữa, công trình có nhiều dấu hiệu xuống cấp, mức độ nguy hiểm cấp C. Các kết cấu chịu lực chính gồm tường, cột, dầm, sàn đã hư hỏng, yếu, không đảm bảo an toàn chịu tải, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Phần mái thấm dột, nhiều không sử dụng được, khu vệ sinh xuống cấp nặng không đảm bảo môi trường.

Theo bà Mẫn, 15 hộ sống trong khu tập thể rất bất an, nhiều lần có đơn kiến nghị gửi tỉnh, thành phố về việc sớm cải tạo hoặc hóa giá cho người dân. Nhà có điều kiện đã chuyển đi hoặc chuyển nhượng lại cho người khác, còn chúng tôi điều kiện khó khăn nên vẫn phải ở vậy. Sợ nhất là vào mùa mưa bão, nguy cơ đổ sập rất cao.

Kéo dài

Theo quyết định về việc chuyển giao quỹ đất nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (2006), UBND tỉnh sẽ tiếp nhận các khu đất do Công ty Lương thực Bình Trị Thiên đang quản lý thành quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển giao khu đất này sang Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Trong đó, có các khu: 52 Đoàn Hữu Trưng; 77 Lê Đại Hành; 48 Chi Lăng; khu tập thể 131 Trần Phú; 43 Nguyễn Chí Diễu; 11A Ông Ích Khiêm. Qua gần 10 năm, đến nay khu đất tại 43 Nguyễn Chí Diễu, Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã thanh lý và khu nhà 11A Ông Ích Khiêm, tỉnh đã giải tỏa, 4 khu đất còn lại công tác chuyển giao vẫn rất chậm.

Ngoài khu tập thể 48 Chi Lăng đã xuống cấp nghiêm trọng, 3 khu đất, khu tập thể khác cũng trong tình trạng tương tự. Trong đó, khu tập thể 77 Lê Đại Hành người dân đã tiến hành sửa chữa cơ bản ổn định; khu tập thể kiệt 131 Trần Phú, các hộ cũng sửa chữa cơi nới, riêng khu 52 Đoàn Hữu Trưng (khu vực lăng Ngô Đình Khả) vẫn giữ nguyên trạng, đang xuống cấp trầm trọng. Tất cả các hộ đang sinh sống tại 4 khu tập thể trên hầu hết đều là cán bộ hưu trí, mất sức lao động, nghỉ thôi việc theo chế độ… cuộc sống đang rất khó khăn. Hiện, Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Sở Xây dựng và Trung tâm Phát triển Quỹ đất thực hiện bàn giao những khu đất trên cho tỉnh quản lý.

Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Quản lý Nhà ở và Thị trường bất động sản cho hay: Sở đã đề nghị Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế tiến hành lập danh sách các hộ gia đình, thời gian bố trí; bản vẽ hiện trạng sử dụng cho từng hộ gia đình; hồ sơ nhà đất có liên quan nhưng đến nay công ty mới chỉ lập được danh sách các hộ đang sinh sống, chưa hoàn thiện bản vẽ hiện trạng cũng như nhà đất có liên quan nên sở chưa thể tiếp nhận bàn giao.

Lý giải cho sự chậm trễ của đơn vị, ông Nguyễn Xuân Được, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế cho biết: Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập và cổ phần hóa doanh nghiệp (2006), Công ty Lương thực Bình Trị Thiên đã loại các khu nhà trên ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Trong biên bản bàn giao không có danh mục các khu tập thể này, nên không có hồ sơ tài liệu đầy đủ về quản lý các khu đất nói trên. Chúng tôi cũng tiến hành lập bản vẽ hiện trạng nhà đất tuy nhiên chỉ thực hiện trong phạm vi của mình chứ không thể lập bản vẽ nhà đất chi tiết như các cơ quan chuyên môn. Và nếu muốn làm được điều đó cũng cần có kinh phí, trong khi công ty đã cổ phần hóa và các khu tập thể trên đều nằm ngoài giá trị doanh nghiệp nên rất cần được hỗ trợ.

Trong khi Sở Xây dựng nhiều lần hối thúc, Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế đang loay hoay với việc lập bản vẽ hiện trạng, hồ sơ nhà đất… những người dân sống trong khu tập thể 48 Chi Lăng lại thấp thỏm không yên với nỗi lo nhà sập.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhịp sống mới ở khu tập thể cũ

Có lẽ, đã qua rồi cái thời các hàng quán cạnh tranh từng mét đất để làm nơi mở cửa hàng. Hoặc người ta cũng chán cảnh tranh giành này, hay “quán mặt phố” là nhất nữa. Độ này, những cửa hàng nằm lẫn và được tận dụng bởi các căn hộ trong khu tập thể đang dần chiếm được ưu thế của cả ông bà chủ, và hút cả sự tò mò của khách hàng.

Nhịp sống mới ở khu tập thể cũ
Vết cũ

Tôi nhìn xuống nền nhà, ngay dưới chân mình, và thốt nhiên thấy cay nơi sống mũi. Đã mấy chục năm trôi qua, tôi đã khác, mọi người cũng đã khác nhưng những vết dao băm xuống nền nhà vẫn còn nguyên ở đó. Với tôi, nó là ký ức của cả một thời thơ ấu. Của những năm tháng lận đận và thiếu rất nhiều thứ…

Vết cũ
Khu tập thể 48 Chi Lăng: Cần sớm có phương án tái định cư

Khu tập thể 48 Chi Lăng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa có phương án hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn. Khi bài viết này chưa kịp đăng, một ngôi nhà 2 tầng trên đường Phan Đăng Lưu (Huế) có tuổi đời chồng chất đã bất ngờ đổ sập sau những ngày mưa càng khiến nỗi lo của những người dân ở khu nhà 48 Chi Lăng phập phồng hơn bao giờ hết.

Khu tập thể 48 Chi Lăng Cần sớm có phương án tái định cư
Giải pháp cho khu tập thể Đống Đa

Tọa lạc ở trung tâm thành phố Huế, nhìn khu tập thể của thời bao cấp còn lại này có vẻ như là một sự "lỗi nhịp” trong quá trình phát triển đô thị.

Giải pháp cho khu tập thể Đống Đa
Return to top