ClockThứ Ba, 29/09/2020 14:28

Những khung hình tươi sáng

TTH - Tôi chỉ nhớ loáng thoáng về em, cô bé hàng xóm với mái tóc đờ-mi cá tính thường đi học qua nhà cùng nhóm bạn toàn con trai. Bẵng một thời gian không gặp, chỉ biết rằng em đã tốt nghiệp một trường đại học rồi đi làm. Ký ức chỉ có vậy và trong tôi vẫn chỉ hình dung được khuôn mặt sáng có chút tinh nghịch của em khi ai đó tình cờ nhắc tên.

Vậy mà sáng nay, nơi quán cà phê quen, gặp lại cô bé, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Vẫn là mái tóc ngắn nhưng được cúp gọn gàng, nữ tính hơn và không còn những chiếc quần ngố quá đầu gối, thay vào đó là bộ đồ hợp thời, lịch sự và không kém phần năng động. Em nói về công việc hiện tại với rất nhiều say mê. Chỉ là phần việc của em từ trước đến nay luôn được mặc định dành cho nam giới. Vậy nên khi chọn nghề, người nhà đã không ít lần ái ngại. Công việc ở đội quản lý đô thị không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn với người kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Có những thành phần bất hảo sẵn sàng lao vào đồng đội của em khi họ bị tịch thu hàng hoá vi phạm. Cũng đã có vài người bị chống đối, đánh đập. Em chưa từng bị như thế, nhưng “ăn chửi” như là chuyện thường ngày. Thế nhưng, em cũng có rất nhiều lợi thế, nhờ sự khéo léo và mềm dẻo, nhẹ nhàng nên kể từ khi có em, đội quản lý đô thị của phường cũng giảm được rất nhiều va chạm.

Tôi khá ngạc nhiên về sự thay đổi này. Cũng như tôi cả nhóm bạn đều tò mò về điều đó, khi mà ký ức về em luôn là một cô bé nếu không quá lời dường như rất khó bảo và bướng bỉnh. Em biết điều mọi người thắc mắc nên nói về sự thay đổi, trưởng thành của mình. Bắt đầu từ lúc vào đại học, em tham gia các đội tình nguyện, đi nhiều nơi, gặp nhiều cảnh đời bất hạnh, nghèo khổ, em dần nhận ra mình rất may mắn được sống trong một gia đình có ba mẹ hết mực yêu thương. Cuộc sống tuy không quá sung túc nhưng ba mẹ luôn lo lắng, đầu tư cho cô con gái duy nhất để em không phải chịu thiệt thòi. Cũng từ đó, em bắt đầu biết chắt chiu từng đồng tiền ăn sáng, rồi đi làm thêm dành dụm được đồng nào là mua quà tặng người nghèo khó.

Hoạt động tình nguyện nhiều năm nên em có rất nhiều người bạn khắp cả nước. Thế nên, em luôn có lợi thế để kêu gọi sự chung tay khi có trường hợp cần giúp đỡ. Mới đây thôi, khi nhận tin có một cụ ông đạp xe từ Đông Hà vào Huế để xin thuốc chữa bệnh, không có người quen phải ngủ bên vệ cầu. May thay có cặp vợ chồng nọ đưa về nhà tá túc, em đã vội tới, mua ít thức ăn, bánh trái và chút tiền để ông bắt xe về quê. Em vội vàng đến rồi vội vàng đi bởi chưa kịp hoàn thành những suất quà Trung thu cho bọn trẻ ở một bản làng xa xôi ở A Lưới. Khi biết tin, bạn bè em trách vì không kịp gửi quà hỗ trợ. Một lần nữa em lại làm cầu nối để ông cụ có những đợt thuốc điều trị sau.

Lần ra facebook của em, tôi “thấy” em trên mọi mặt trận, từ tặng nước sát khuẩn, khẩu  trang cho những chốt phòng chống dịch đến những suất quà cột sau yên xe máy chở đến tận nhà người neo đơn, rồi giọng nói dứt khoác, rõ ràng trên loa tuyên truyền di động về chấp hành trật tự đô thị, khi lại là cô bán hàng online vui vẻ nhiệt tình... Và ở khung hình nào cũng luôn là khuôn mặt sáng và lanh lợi. Ở em dường như luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực thúc giục người xung quanh sống lạc quan và sẻ chia với hoàn cảnh kém may mắn. Đó có lẽ là điều đã giúp em trưởng thành hơn trong những tháng ngày học xa nhà và cũng là những bậc cấp vững chắc cho hành trình chinh phục những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top