ClockChủ Nhật, 28/03/2021 08:30

Những “kinh đô” xứ Huế

TTH - Trong cuộc gặp mặt báo chí trên địa bàn vào cuối năm ngoái, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin những “tính toán” của tỉnh để phục vụ phát triển, đặc biệt là du lịch, tôi để ý thấy có nhiều dự định, ví dụ như xây dựng Huế trở thành kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài, xứ sở hoàng mai…

Sớm đưa cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré vào khai thác phục vụ du lịchQuyên góp sách cho tủ sách Huế

Hổ Quyền - đấu trường độc đáo có một không hai ở Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Về xây dựng các sản phẩm điểm đến thì nhiều, ví dụ tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang không gian nghệ thuật hai bên bờ sông Hương, đẩy mạnh dự án di dân Thượng Thành, Eo Bầu… Trong đó, ông có đề cập đến di tích Hổ Quyền – Voi Ré. Đây là một di tích độc đáo của triều Nguyễn mà cho đến bây giờ, hầu như chưa khai thác được nhiều để phục vụ du lịch.

Hổ Quyền là một di tích độc đáo mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nó đặc biệt cho cả vùng Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam. Dưới triều vua Minh Mạng đã cho xây dựng công trình này, gồm một đấu trường và các công trình phụ kèm theo phục vụ cho các cuộc tỉ thí giữa voi và hổ.

Nó độc đáo và lạ lẫm như vậy nhưng đến nay mới đặt vấn đề chỉnh trang để khai thác phục vụ du lịch, với tư cách là một điểm đến thu hút khách e rằng cũng là hơi muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Đó chính là lý do tỉnh chỉ đạo UBND TP. Huế thực hiện chỉnh trang công trình này với tinh thần khẩn trương.

Được biết, những ngày cuối tháng 3/2021, tức là chỉ mới vài tháng, các công việc chuẩn bị cho việc tôn tạo công trình này đã hoàn tất. HĐND TP. Huế đã thông qua chủ trương đầu tư; UBND TP. Huế đã lập dự án với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng để chỉnh trang, tôn tạo các hạng mục trên diện tích gần 5 ha.

Có dịp đi du lịch một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, những câu chuyện thực hư gắn với di tích không biết thế nào nhưng xem ra khi nghe thuyết trình thì thấy rất hấp dẫn. Dường như cái gì cũng “có tuồng có tích”. Ví dụ như khi thăm Hàn Sơn tự (chùa Hàn Sơn), cạnh đấy là một khu trưng bày bán hàng gốm, gọi là bình gốm tử sa.

Câu chuyện quanh thứ vật liệu sản xuất ra bình tử sa nghe đã cầu kỳ, quý giá và hấp dẫn. Ví như, đất sét để làm ra bình tử sa chỉ duy nhất có trên núi ở vùng Nghi Hưng, tỉnh Tô Giang. Cách bán cũng rất “nghệ thuật”. Mua một bộ bình nhỏ kiểu như bình trà ở Việt Nam ta hay dùng để uống trà buổi sáng, mỗi bộ họ chỉ bán kèm 4 chén nhỏ, hỏi mua thêm họ cũng không bán. Nhưng khi đoàn khách chuẩn bị rời khỏi quầy thì họ gọi lại và bán thêm , với lời lẽ cũng rất “mỵ dân”, đại ý, thôi thì bán thêm cho các bạn vài chén chứ đường xa vạn dặm, kèm theo đó là một nụ cười rất tươi. Không hiểu họ thật đến độ nào nhưng thấy bán được hàng và nhiều hàng cái đã!

Hay như đi thăm làng trà ở Phúc Kiến, nơi sản xuất ra loại trà Ô Long nổi tiếng cũng có những câu chuyện tương tự. Làng trà này nằm trong một thung lũng nhỏ. Muốn đến đây phải qua một hầm chui đục sâu qua lòng núi cỡ, như hầm Phú Gia, Phước Tượng của Thừa Thiên Huế. Người hướng dẫn viên nói rằng, dân làng ở vùng sản xuất trà này góp tiền để làm đường hầm này. Không biết có đúng không, nhưng nghe thấy cuốn hút về sự giàu có và đặc biệt. Rồi chuyện vùng này còn có chừng vài trăm cây chè cổ hàng năm thu hoạch được rất ít. Người ta đem ra bán đấu giá thu về được rất nhiều tiền (hội chợ sâm Ngọc Linh, Kon Tum tổ chức hiện nay giống như vậy), vậy là rất nhiều du khách mua về để làm quà…

Nói dông dài mấy chuyện như vậy để thấy rằng có khi Hổ Quyền – Voi Ré cũng có lắm chuyện thú vị để nói với du khách. Riêng cái chuyện chất kết dính (không phải xi măng như bây giờ) để xây được đấu trường có khi cũng là một điều cần khám phá. Rồi thể thức đấu ra sao; cách nuôi các con vật để thi đấu thế nào, có nghi thức gì khi khai cuộc không…?

Phàm cái gì độc đáo, cái gì có vẻ ly kỳ thì càng thu hút mọi người (có khi là chỉ tính tò mò, nghe rồi quên chẳng cần nhớ làm gì, nhưng mà lại thích nghe). Như vậy, Hổ Quyền – Voi Ré cũng đáng giá để chúng ta khẩn trương tôn tạo, chỉnh trang để giới thiệu một điểm đến của Huế.

Nhưng quan trọng nhất cái chuyện ngẫm nghĩ về cái đáng làm và quyết tâm làm. Tôi thấy nhiều ý tưởng đều được tỉnh quyết tâm thực hiện và thực hiện rất nhanh. Đây chắc hẳn là một sự đồng lòng từ chủ trương đến tổ chức thực hiện. Muốn xây dựng Kinh đô áo dài thì phải vận động người dân mặc áo dài. Không mặc thường xuyên thì cũng có nơi có chốn, có lúc. Ít nhất đầu tuần hay những ngày nào đó trong tuần, nữ sinh, phụ nữ trong các trường học, công sở nên mặc. Như dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, ai mặc áo dài vô di tích thì được miễn vé…

Đó là chủ trương và có cả cách làm hay. Áo dài Huế thì nổi tiếng rồi. Du khách đến Huế muốn may áo dài là có dịch vụ may nhanh. Thế thì Kinh đô áo dài sẽ làm ra thêm tiền. Kinh đô Ẩm thực cũng vậy. Có điều, chưa rõ xây dựng Kinh đô ẩm thực là như thế nào, cách thức tổ chức ra sao. Thực ra trong nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn… đã trình diễn sự phong phú và độc đáo từ các đặc sản cho đến ẩm thực cung đình Huế đến với du khách. Giờ làm sao cho nó nổi bật hơn lên để trở thành kinh đô mà thôi!

Xứ sở bốn mùa hoa, xứ sở hoàng mai cũng dần hiện diện. Du khách thì như thế nào không biết, nhưng người dân “bản địa” cảm nhận rất rõ những thay đổi của Huế. Cảm nhận trong Cố đô Huế, đã có nhiều “kinh đô”.

LÊ NGUYỄN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top