ClockThứ Sáu, 04/03/2011 19:53

Những kỷ niệm với Trường đại học Y Hà Nội

TTH - Sau những cân nhắc lựa chọn, cuối cùng tôi đã trúng tuyển vào Trường đại học Y khoa Hà Nội khoá 1962 – 1968 (thời kỳ đó vào được Trường Y cũng khá gian nan, vất vả “với cái sự học”). Kể từ sau hoà bình lập lại (1954), khoá của chúng tôi là khoá đầu tiên học tròn 6 năm mới thi tốt nghiệp ra trường, được đặt tên là khoá “Quyết thắng” vì có những năm học nằm trong thời gian chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ (1964 – 1972) và sau khi ra trường nhiều bác sĩ đã xung phong vào chiến trường miền Nam (đi B) hăng hái tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Khai giảng khoá học vào những ngày đầu thu phảng phất mùi hương hoa sữa nồng nàn, lắng đọng. Trường đại học Y và đại học Dược trong cùng 1 khuôn viên tại đường Lê Thánh Tôn như trước ngày giải phóng Thủ đô 1954. Vườn hoa và sân trường đông nghịt sinh viên tân khoa, trên nét mặt thể hiện sự lạ lẫm xen lẫn tự hào. Trước đó, tôi đã tìm được bạn đồng hương Trị Thiên cùng khoá mà tôi còn nhớ mãi: chị Hoa Hồng (cháu bác Bảy Khiêm), chị Phan Thị Liên (con bác Phan Sung ở Phú Lộc), anh Trần Hữu Hy, Nguyễn Đức Mùi, Lê Văn Hào, Nguyễn Thị Tắc (em bác Nguyễn Húng), Phan Thị Tiên (con bác Phan Ngô), anh Nguyễn Văn Khả, anh Lê Văn Thương, anh Trần Văn Thinh, anh Vũ Dung …

 

Đối với chúng tôi, bắt đầu cuộc đời sinh viên với nhiều mới lạ cần tìm hiểu, thích nghi. Nhưng tất cả đều phải nhường lại những cái mới lạ nhất là của các tiết học đầu tiên về giải phẫu, sinh lý, sinh hoá, cơ thể bệnh, ký sinh trùng… Qua các môn học, tôi được biết có nhiều thầy gốc ở Huế, chúng tôi vinh dự được là đồng hương của các thầy rất nổi tiếng, đáng kính như GSBS Đặng Văn Ngữ GSBS Tôn Thất Tùng, GSBS Bửu Triểu, GSBS Tôn Đức Lang… Trên hết là GSBS Hồ Đắc Di - Hiệu trưởng nhà trường đầu tiên từ chiến khu Việt Bắc cho mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước. GSBS Hồ Đắc Di quê ở làng An Tuyền – Phú Vang, sinh trưởng ở Huế trong 1 gia đình trí thức lớn, tham gia kháng chiến từ cách mạng tháng 8 năm 1945 là nhà y học nổi tiếng tốt nghiệp y khoa Paris (Pháp) từ những năm 20 của thế kỷ trước. GSBS Hiệu trưởng đã dạy cho chúng tôi có nhận thức chung nhất: “phải biến quá trình đào tạo thành quá trình tự tạo” mà mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ kỹ và áp dụng trong cuộc sống.

 


Giáo sư Hồ Đắc Di tại hội nghị tổng kết thi đua trường Đại học Y khoa năm 1952. Ảnh: VNTTX

 

Chúng tôi hết sức thán phục kiến thức uyên thâm toàn diện, tác phong mẫu mực thi phạm, thái độ rất nhã nhặn, chu đáo; hết lòng dạy dỗ cho sinh viên để sau này trở thành những người thầy thuốc hữu ích. Thời kỳ còn bao cấp, các thầy sống hết sức giản dị, bình dân và nhiều gian khó. Chỉ trừ giáo sư Hồ Đắc Di (Hiệu trưởng), giáo sư Tôn Thất Tùng (GĐB/V Việt Đức), Giáo sư Đặng Văn Chung (GĐB/V Bạch Mai) là có xe ôtô đưa đón (loại xe “Pô-bê-đa” của Liên Xô cũ), còn các giáo sư, bác sĩ giảng viên đều đi về bằng xe đạp, nhưng cũng không phải là loại xe tốt lắm. Tuy vậy, về trang phục hàng ngày đến trường, đến bệnh viện giảng dạy và làm việc các thầy rất mẫu mực. Tôi còn nhớ rất rõ, Giáo sư Đặng Văn Ngữ đến giảng bài bằng xe “U oát” hoặc “com-măng-ca” đưa đón và lúc nào cũng mặc complet, cravat đàng hoàng. Giáo sư Đặng Văn Chung thì với bộ “Vesla” màu thay đổi theo mùa cho phù hợp. Giáo sư Tôn Thất Tùng thì xơ-mi cộc tay hoặc dài tay màu trẻ trung, ăn phở buổi sáng tại Bệnh viện Việt Đức lúc nào cũng có phu nhân là bà Vũ Thị Nguyệt Hồ và con trai đầu Tôn Thất Bách đang là sinh viên Trường y (Khoá 1963-1969).

 

Những giáo sư và bác sĩ dạy thức tập lâm sàng các khoa ở bệnh viện hết sức chú ý đến truyền đạt kinh nghiệm chuyên môn, cách thăm khám tỉ mỉ về “nhìn, sờ, gõ, nghe”; “vọng văn, vấn, thiết” trong chẩn đoán bệnh, cách đối xử nhẹ nhàng, tế nhị để bệnh nhân yên tâm. Thời đó chưa có siêu âm, chụp cắt lớp, xét nghiệm sinh hoá, huyết học với hàng trăm chỉ số kết quả như bây giờ. Nhưng chúng tôi lại được nghe những người thầy kể lại nhiều câu chuyện thú vị bổ ích về kinh nghiệm chẩn đoán bệnh. Thời đó cũng chưa có đầy đủ các giáo cụ trực quan, chưa có máy chiếu hình ảnh phục vụ dạy học. Nhưng các thầy đã có nhiều cách vận dụng sáng tạo trong truyền đạt kiến thức để sinh viên dễ nhớ dễ thuộc.

 

Hiện nay, y học hiện đại đã có những tiến bộ vượt bậc như nội soi, tim mạch can thiệp, Laser, gama, ghép nội tạng, nuôi cấy tế bào gốc, vi phẫu thuật, rất nhiều các biệt dược đặc trị các bệnh nguy hiểm cứu sống được nhiều bệnh nhân, kéo dài tuổi thọ cho họ. Nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn nhớ là phải rút kinh nghiệm và tích luỹ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị. Tôi học chuyên khoa Nội cho nên các thầy thuốc nội khoa vẫn in đậm dấu ấn trong tôi. Các giáo sư Đặng Văn Chung, Phạm Khuê, Trần Đỗ Trinh, Đỗ Đình Địch, Phạm Gia Khải… hết sức thận trọng, tỉ mỉ trong thăm khám bệnh nhân tim. Từ đó, đã phát hiện những trường hợp cần phẫu thuật gửi sang bệnh viện Việt Đức cho GS.Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ, GS.Tôn Đức Lang gây mê hồi sức, bà Vi Thị Nguyệt Hồ đưa dụng cụ trong kíp mổ, đã cứu sống nhiều bệnh nhân. Hồi đó phẫu thuật thành công những trường hợp hẹp van tim hai lá là “sự kiện” lớn được truyền tụng, ngợi ca trong nhân dân.

 

Tiếng tàu điện keng keng một thời trên các đường phố chính, như: Phố Huế, Hàng Bài, Bạch Mai, Quán Thánh, Hàng Đào, Đồng Xuân… giá rẻ thế, chỉ cần 5 xu là đi cả chục cây số. Tàu điện là phương tiện chính của chúng tôi để đi học, đi thực tập bệnh viện và đi chơi ngày nghỉ. Cũng không ai cảm thấy mình nghèo vì thời đó chiếc xe đạp còn sang hơn bây giờ có chiếc xe máy, nếu đó là xe đạp Peugeaut (Pháp), Diamand (Đức), Phượng Hoàng (Trung Quốc) Junior (Tiệp Khắc)… Sinh viên chúng tôi tuy ít tiền, nhưng thỉnh thoảng vẫn thưởng thức phở, bún than, xôi lạp xường với hương vị riêng vì đó là đặc sản của đất Hà thành không thể bỏ qua.

 

Cuộc sống sinh hoạt và học tập cứ bình thản trôi qua các kỳ thi học kỳ, thi cuối năm căng thẳng nhưng rất vui khi đạt kết quả tốt. Thế rồi, ngày 5-8-1964, tàu chiến Mỹ gây hấn ở vùng biển Thanh Hóa, tấn công vào tàu của ta và tiếp theo đó là hàng loạt vụ gây hấn khác. Cùng với chiến trường miền Nam đang rực lửa, miền Bắc cũng bắt đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Cuộc sống sinh hoạt của nhân dân miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng dần dần chuyển sang thời chiến. Sự gian khổ của 1 thời kinh tế bao cấp đến với từng người, từng gia đình trong đó có sinh viên chúng tôi.

 

Khi chiến tranh phá hoại leo thang đến Hà Nội thì sinh hoạt hàng ngày của mọi người bắt đầu bị đảo lộn. Trước mỗi nhà dọc các phố đều có hầm cá nhân, rồi những dãy hầm chữ A cho nhiều người cùng trú, những chiếc mũ rơm xuất hiện ngày càng nhiều để tránh mảnh bom. Ông bà già, trẻ con lần lượt đi sơ tán khỏi nội thành, các cơ quan cùng di chuyển đến những địa điểm an toàn hơn.

 

Sinh viên chúng tôi, đến trường, không ai có thể quên được tiếng còi báo động trên hệ thống loa công cộng ở Thủ đô, trước khi còi hú vang rền đều nghe: “Đồng báo chú ý, đồng báo chú ý, máy bay địch cách Hà Nội…. km về phía Đông Nam…” sau đó ít phút là hồi còi vang lên. Chúng tôi cũng như mọi người đang đi trên phố đều tự giác tìm hầm trú ẩn. Quan sát trên đường chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Lúc đó, ngẩng nhìn lên các toà nhà cao tầng đã thấy các tiểu đội tự vệ nam nữ phân công giương cao súng sẵn sàng nhả đạn nếu có máy bay bổ nhào ném bom.

 

Chiến tranh phá hoại càng ngày càng leo thang ác liệt, thầy trò Trường Y chúng tôi cũng như các trường khác đã sơ tán khỏi Hà Nội, tất nhiên không thể không ảnh hưởng đến việc học tập. Cuộc sống của thầy và trò vô cùng gian khổ, cùng ở nhà dân, ăn cơm tập thể, giảng đường là các đình chùa. Nhưng đây cũng là dịp để tình thầy trò gắn bó với nhau hơn như trong gia đình. Còn nhớ mãi lớp của tôi thời đó đã đi sơ tán nhiều nơi vừa học tập vừa phục vụ chiến đấu ở Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Đông, Sơn Tây (cũ)… Thành lập các bệnh viện dã chiến để sinh viên được thực tập hành nghề. Áo blouse trắng phải nhuộm thành màu cỏ úa để tránh máy bay. Bữa cơm độn ngô của thầy và trò trông như cơm trứng lại kèm theo cái bánh bột mì, chúng tôi gọi đùa là “nắp hầm”. Tuy vậy nhưng vui đáo để mỗi khi tập trung xung quanh nồi khoai, sắn, củ từ được chủ nhà đãi thêm.

 

Rồi đến năm 1968, chúng tôi làm lễ tốt nghiệp rời mái trường đại học thân yêu, người đi chiến trường miền Nam, người ở lại miền Bắc công tác góp phần chống chiến tranh phá hoại. Khi chúng tôi đang ở nơi sơ tán thì diễn ra trận Điện Biên trên không, 12 ngày đêm quân dân Thủ đô chiến đấu với các loại máy bay “thần sấm” “con ma” “pháo đài bay B52”… đau thương tang tóc đã xảy đến khi bom B52 rải trúng Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên và không khí vui chiến thắng, sục sôi căm thù khi bắt sống phi công Mỹ trên Hồ Trúc Bạch mà nhiều nhân chứng sau này đã kể lại.

 

Có 1 chuyện không thể không nhắc lại. Đó là riêng tôi có 1 dấu ấn nội tâm theo tôi những năm tháng ngồi ở trường đại học và mãi đến bây giờ. Đó là tình yêu của tôi với một cô gái học cùng lớp sống ở phố cổ Mã Mây – Hà Nội. Thời sinh viên gian khổ, nhưng tình yêu vẫn đẹp lắm, cô ấy học nhóm với tôi, tôi có khả năng tóm tắt các môn học vào dịp thi học kỳ, thi cuối năm các môn hóc búa như sinh hoá, giải phẫu sinh lý bệnh, Nga văn… Chúng tôi đều giúp nhau vượt qua được. Lại nữa tôi cũng bập bõm được vài bài ghi ta: Ngày về (Hoàng Giác), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Đôi bờ, chiều Matx-cơ-va (Liên Xô cũ)… để tạo cơ hội gặp gỡ tâm sự khi thì Hồ Tây, vườn Bách Thảo, công viên Thống Nhất, khi thì Bờ hồ Hoàn Kiếm, đường Nguyễn Du với mùi hoa sữa nồng nàn và dãy vòm cây phủ kín bóng mặt đường. Đi bên nhau tay trong tay với bao ước mơ ấp ủ. Yêu nhau trọn khoá học 6 năm, chúng tôi cưới nhau sau khi ra trường 2 năm. Lễ cưới không thể tổ chức ở Hà Nội, mà phải tổ chức ở nơi sơ tán tại 1 huyện của tỉnh Hưng Yên… Và bây giờ tôi đang ngồi tại Huế bên cạnh vợ con, các cháu nội ngoại để viết lại những dòng kỷ niệm khó quên, dấu ấn của 1 thời để nhớ, để thương…

Nguyễn Cương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top