ClockThứ Sáu, 18/03/2016 14:17

Những ký ức không bao giờ quên

TTH - Chiến tranh đã đi qua 41 năm, nhưng cựu chiến binh Hồ Viết Lễ vẫn khắc sâu trong ký ức về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Ông Hồ Viết Lễ - Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh Thừa Thiên Huế

Quê ông ở xã Vinh Phú, huyện Phú Vang - một vùng quê nghèo nằm ven phá Tam Giang bốn bề cát trắng mênh mông. Trong chiến tranh, giặc thường xuyên tổ chức hành quân về Vinh Phú để triệt phá căn cứ cách mạng, biến quê ông thành vùng trắng.

Năm 1963, ông cùng học sinh các trường ở Thừa Thiên Huế bãi khóa, xuống đường đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Năm 1965, ông lên rừng tham gia cách mạng, được biên chế vào Ban kinh tế Khu ủy Trị Thiên, hàng ngày vượt qua bom đạn của giặc, tổ chức vận chuyển lương thực lên căn cứ cách mạng nuôi quân.

Ông nhớ lại: Sau thắng lợi cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1968, quân và dân ta làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm. Địch tăng quân phản công quyết liệt để chiếm lại những vị trí trọng yếu. Bước sang năm 1969, địch lấn vào khu vực giáp ranh, phát hiện căn cứ của ta, chúng phá sạch kho tàng, nguồn cung cấp lương thực cho bộ đội cạn kiệt. Cấp trên quyết định tổ chức một mũi vào làng Phước Hưng thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, nơi có nhiều cơ sở của ta để củng cố phong trào, tìm nguồn lương thực cung cấp cho các lực lượng của ta đang có mặt ở phía nam tỉnh. Tối đó (6/11/1969), tôi cùng 2 trinh sát của Trung đoàn 4 và Khôi (du kích xã) xạ thủ B40, cùng với Kiều, Truyền xuất phát. 11 giờ đêm, 6 anh em đã tiếp cận được làng Phước Hưng. Gặp cơ sở, nhiều người dân rơi nước mắt vì tưởng anh em đã hy sinh trong các trận phản kích của địch. Trong lúc làm việc với cơ sở mới biết, địch có một lực lượng thám báo luôn có mặt tại đây để giám sát các hoạt động của dân. Chúng thường xuyên chặn các con đường mà bà con đi chợ để kiểm soát từng lon gạo, hòng ngăn chặn sự tiếp tế lương thực cho cách mạng. Cuộc đột kích vào làng Phước Hưng của 6 anh em đã thành công, với kế hoạch được vạch ra là để vận chuyển lương thực ra vùng hậu cứ. Trong lúc chúng tôi rút ra khỏi làng, pháo sáng từ các đồn của địch bắn sáng như ban ngày. Địch bao vây làng Phước Hưng. Đạn pháo từ các đồn Phước Tượng, Nước Ngọt, Thừa Lưu bắn vào làng dồn dập. Anh em triển khai đội hình đánh địch và tìm cách rút ra khỏi làng. Sau một đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, đương đầu với lực lượng địch đông gấp bội phần, 6 anh em chỉ còn lại 2 người. Tôi và Khôi phá được vòng vây của địch nhưng bị thương nặng, được đồng đội đến ứng cứu đưa về căn cứ, 4 đồng đội vĩnh viễn nằm lại ở làng Phước Hưng với tuổi đời còn rất trẻ. “Khi đất nước hòa bình, mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3), Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4), tôi trở lại Phước Hưng, đứng trên mảnh đất thấm máu của đêm hôm đó, thắp nén hương lòng nhớ về đồng đội”- ông Hồ Viết Lễ tâm sự.

Trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc, cha ông Lễ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà có ba anh em trai nhưng người anh và người em cũng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ ông là cơ sở cách mạng, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hơn mười năm ở trong quân ngũ, ông Hồ Viết Lễ đã cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn của địch, vận chuyển lương thực, súng đạn phục vụ cho bộ đội ta ở chiến trường Trị Thiên Huế, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, ông giữ nhiều vị trí quan trọng: Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế...Từ năm 2009 đến nay, ông là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở tuổi 71, ông Hồ Viết Lễ vẫn năng nổ với công việc của xã hội, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Bài, ảnh : KIM HOA

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top