ClockThứ Bảy, 26/03/2016 05:16

Những kỷ vật đi cùng năm tháng

TTH - Trong những ngày tháng 3 lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh tấp nập những cựu chiến binh, chiến sĩ, các em học sinh, sinh viên đến xem triển lãm “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”.

Tái hiện cuộc sống giản dị của người lính Cụ Hồ

Mỗi hiện vật, một câu chuyện

Triển lãm chuyên đề “Những kỷ vật đi cùng năm tháng” được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến 15/4/2016. Tổ hợp gồm những vật dụng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của anh bộ đội Cụ Hồ: chiếc võng Trường Sơn, đôi giày vải rách mũi, chiếc mũ cối bạc màu... gợi bao xúc cảm. Tôi lặng người xúc động trước bản nhạc bướm (sổ nhạc chép tay rất nhỏ) – kỷ vật của chiến sĩ Nguyễn Văn Thắng. Cuốn sổ nhạc nhỏ xinh ấy mang trong mình câu chuyện tình yêu xúc động, là nỗi niềm, khát vọng của người lính. Trước khi hy sinh, anh Thắng đã tặng cho người yêu là cô thanh niên xung phong Tạ Thị Thêm làm kỷ niệm. Trong hoàn cảnh chiến tranh khói lửa, năm 1969, cô Thêm đã nhờ ông Trương Minh Phương cất giữ. Sau này, ông Phương đã tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Ở đây còn có những hiện vật gắn liền với cuộc sống của người dân trong kháng chiến. Đó là chiếc nỏ, ống đựng tên, chông, mác.. do đồng bào tự làm để chiến đấu bảo vệ bản, làng. Những chiếc xà lẹc, gùi giúp bà con và bộ đội vận chuyển lương thực, đạn dược tiếp tế cho chiến trường. Lạ nhất là chiếc nón bằng nhựa, không phải để che mưa, nắng mà để làm ám hiệu mỗi khi có địch càn...

  Không gian này còn trưng bày những kỷ vật thể hiện tình cảm Bác Hồ dành cho đồng bào Thừa Thiên Huế. Đó là chiếc radio Người tặng cho Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kan Lịch; chiếc đồng hồ Người tặng ông Hồ A Nun (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) được ông cất giữ cẩn thận. Những rìu, rựa, cuốc, ống đựng muối được Bác gửi tặng cho đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế mà bà con vẫn quen gọi là rựa Cụ Hồ, mác Cụ Hồ, muối Cụ Hồ...

Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Huế xúc động: “Không gian trưng bày khiến tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thời lính, nhớ da diết những đồng đội đã hy sinh trong kháng chiến. May mắn vượt qua chiến tranh, tôi càng trân trọng những  khoảnh khắc sống trong thời bình”.

Tự hào một thời đã qua

Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Trong đó, hơn 250 hiện vật là những kỷ vật tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thừa Thiên Huế, được chọn lọc trong hàng nghìn hiện vật do các bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhân dân hiến tặng. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện lịch sử. Mỗi hiện vật như một ngọn lửa nhỏ mãi cháy sáng. Đó là những tiếng nói vọng về từ lịch sử.

Ông Trần Đình Luyện, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Triển lãm tái hiện sinh động bức tranh về đời sống gian khổ mà vinh quang của quân và dân ta. Đồng thời, tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ, cán bộ, nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, giới thiệu những kỷ vật có giá trị gắn liền với tình cảm của Bác Hồ đối với Thừa Thiên Huế và những hiện vật vô giá về Người được quân và dân Thừa Thiên Huế lưu giữ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Dực (Bộ đội Biên phòng tỉnh), bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi đến xem triển lãm này. Chúng không chỉ giúp tôi hiểu rõ hơn về gian lao mà thế hệ trước đã trải qua trong những năm kháng chiến để thấy tự hào, đây còn là lời nhắc nhở những người lính trong thời bình như chúng tôi trách nhiệm giữ vững biên cương của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng

Ngày 26/2, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (HLCĐ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, rộn ràng bước chân của 115 chiến sĩ mới (CSM). Trong những nụ cười, xen lẫn rất nhiều bỡ ngỡ. Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, phụ trách Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trực tiếp cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (HLCĐ) khích lệ, để CSM ổn định, yên tâm, vững vàng bước vào huấn luyện.

Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng
Tết của người lính xa nhà

Những ngày này, không khí đón tết ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhộn nhịp và ấm áp hơn với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng được tổ chức. Những người lính thường ngày chỉ quen với thao trường, súng đạn nay bỗng trở thành các nghệ nhân, đầu bếp... Mỗi người một việc, nhưng đều có chung mong muốn được đón cái tết trong quân ngũ thật ý nghĩa.

Tết của người lính xa nhà
“Mang tết” ra với cán bộ, chiến sĩ và quân dân đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn

Chiều 22/1, sau lễ xuất quân, tàu kiểm ngư số hiệu 390 rời cảng Đà Nẵng chở Chuẩn Đô đốc, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân Nguyễn Đăng Tiến và Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, cùng các đơn vị trực thuộc, đại biểu của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, quân đội đến với cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi).

“Mang tết” ra với cán bộ, chiến sĩ và quân dân đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn
Return to top