ClockThứ Bảy, 07/05/2022 07:00
KỶ NIỆM 68 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954-7/5/2022)

Những kỷ vật thiêng liêng Bác Hồ dành tặng chiến sĩ Điện Biên

TTH - Hiện, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế lưu giữ nhiều hiện vật quý về chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi kỷ vật - hiện vật đều lưu giữ những ký ức đặc biệt về lịch sử, khắc họa tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam - tầm vóc thời đại

Các em học sinh tham quan triển lãm về Điện Biên Phủ do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức

Một trong những kỷ vật ấy là hai chiếc ca sắt tráng men của ông Trần Xuân Lộc (quê ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và của ông Trần Bá Thí (quê Phú Lễ, Quảng Điền), được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng các chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên năm xưa.

Đây là món quà có ý nghĩa, thể hiện tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ, ghi đậm dấu ấn của chiến dịch lớn trong lịch sử quân sự Việt Nam, đồng thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu trong quân đội lúc bấy giờ.

Chiếc ca uống nước của ông Trần Xuân Lộc có dòng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi” mà ông được tặng vào đầu năm 1954, trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đời bộ đội của ông Trần Xuân Lộc, chiếc ca đựng nước luôn được mang theo trong ba lô, để mỗi chặng dừng chân trên đường hành quân, mỗi lần ngắm nhìn chiếc ca, ông lại như được nghe lời Bác dặn dò, nhắc nhở, động viên.

Năm 1954, ông Trần Bá Thí lúc đó là cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn 101, đang trong những ngày đấu tranh căng thẳng thì được nhận chiếc ca uống nước của Bác Hồ tặng. Ca uống nước có hình lá cờ đỏ sao vàng và dòng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” chính là loại ca được bộ đội thân thương gọi tên “Ca cụ Hồ”. Chiếc ca uống nước đã theo ông đi khắp chiến trường ở lòng chảo Điện Biên, đồng hành cùng ông trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, động viên, khích lệ ông trong mọi hoàn cảnh, chiến đấu hết mình để góp phần cho chiến thắng.

Sau chiến tranh, kỷ vật về Bác Hồ, về chiến thắng Điện Biên luôn được ông gìn giữ. Dù chiếc ca đã hỏng không còn dùng được nhưng trước khi qua đời, ông căn dặn vợ con là phải gìn giữ cẩn thận, bởi đó là món quà thiêng liêng của Bác Hồ đã tặng. Gia đình đã làm đúng theo ý nguyện của ông, trao tặng chiếc “Ca cụ Hồ” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Tại Bảo tàng hiện đang trưng bày trang trọng Lá cờ Quyết chiến quyết thắng - Giải thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lá cờ có câu chuyện vô cùng đặc biệt. Cuối năm 1953, chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, cũng nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thêu cờ dùng làm Giải thưởng luân lưu cho các đơn vị trong toàn quân thi đua kháng chiến, động viên bộ đội chiến đấu, giành thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Vũ Anh Tài, cán bộ Ban Thi đua thuộc Cục Tuyên huấn được giao nhiệm vụ phác thảo mẫu cờ. Mẫu cờ được chọn là cờ đỏ sao vàng, có dòng chữ "Quyết chiến quyết thắng - Giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch". Đồng chí Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn lúc bấy giờ đem mẫu cờ xin ý kiến của Bác và được Bác đồng ý phê duyệt.

Ngày 22/12/1953, Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi và khen thưởng cán bộ và chiến sĩ. Trong thư Bác viết “... Nhân dịp này Bác cho mỗi Đại đoàn và mỗi Liên khu một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để làm giải thưởng luân lưu...”. Đồng thời, Người trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho quân đội, động viên các đơn vị ra sức thi đua lập công và hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ và lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" chính thức được sử dụng, trở thành giải thưởng luân lưu của Bác.

Đảng bộ Thừa Thiên Huế trong những năm 1953-1954 đã bám chắc tình hình địa phương, vạch ra chủ trương sát đúng, phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Đảng bộ địa phương, dân quân du kích và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã giữ vững được thế trận, mở rộng thêm vùng căn cứ du kích, liên tục tấn công địch, chia lửa với các chiến trường trong cả nước góp phần tạo nên thắng lợi Đông Xuân 1953-1954  và chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, đẩy thực  dân Pháp vào đường hầm không lối thoát.

Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), đặc biệt là thành tích phối hợp với chiến trường chính, mở rộng vùng căn cứ giai đoạn 1953 -1954. Đảng bộ, quân dân Thừa Thiên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng giải thưởng luân lưu cờ “Quyết chiến quyết thắng” và được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đây là phần thưởng to lớn ghi nhận thành tích nổi bật của Đảng bộ, quân dân Thừa Thiên trong kháng chiến Pháp và là niềm tự hào của toàn Đảng bộ, quân dân Thừa Thiên.

Đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh, các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp xúc với những hiện vật quý giá về chiến dịch Điện Biên Phủ, về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sỹ trong kháng chiến. Những giá trị lịch sử, giá trị tinh thần đó vẫn vẹn nguyên trong từng kỷ vật, là cầu nối đưa lịch sử một cách trực quan sinh động đến với công chúng, để thế hệ trẻ hôm nay nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ.

Phát huy giá trị các kỷ vật - hiện vật, Bảo tàng Hồ Chí Minh thường xuyên đưa hiện vật ra trưng bày, đặc biệt xây dựng tổ hợp hình ảnh, tư liệu, hiện vật về chiến thắng Điện Biên Phủ, những đóng góp của quân và dân Thừa Thiên Huế để phục vụ công chúng tham quan, đặc biệt phục vụ việc học tập lịch sử, học tập ngoại khóa của các em học sinh, sinh viên. Để âm vang của chiến thắng Điện Biên Phủ mãi vang vọng về ý chí tự cường, tinh thần yêu nước, hy sinh cho độc lập dân tộc của cha anh, là động lực - nguồn cổ vũ to lớn để thế hệ hôm nay phấn đấu xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: Hoàng Liên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa -Kỳ 3: Xanh giữa trùng khơi

Quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, trạm gác tiền tiêu bảo vệ đất nước. Trên những hòn đảo giữa trùng khơi ấy, màu xanh đang vươn lên, vững chắc yêu thương, niềm tin, sức mạnh.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa 
 -Kỳ 3 Xanh giữa trùng khơi

TIN MỚI

Return to top