ClockThứ Năm, 07/04/2011 14:29

Những lần bắt đầu...

TTH - Hai năm - thời gian đủ để tôi làm quen, rồi thuộc rất nhiều con đường Sài Gòn đầy nắng. Tôi còn biết tránh những đoạn đường hay nghẽn giao thông giờ tan tầm, và cả những trận lụt bất chợt do nước không thoát kịp ở những khu vực đông dân cư của thành phố.

TP Hồ Chí MInh, thành phố đất chật người đông, đi trên đường không cẩn thận là xe này húc xe kia ngay. Người khắp nơi đổ về đây lập nghiệp. Sự phát triển của xã hội cũng chính là dòng xoáy cuốn con người ở đây lao theo công việc không biết mệt mỏi. Từ kiếm sống đến làm giàu, bao hoài bão, tham vọng cứ cuốn lấy họ, nhất là thế hệ trẻ. Nhiều người tan tác theo tham vọng của mình. Nhưng, cũng nhiều người đã thành công.

Chỉ hai năm thôi, tôi đã dành dụm được một khoản tiền kha khá. Trong buổi họp đồng hương, mọi người trố mắt ngạc nhiên khi nghe tôi quyết định sẽ trở về quê. Lý do ư? Đơn giản thôi, để được sống cùng gia đình; cơ hội kiếm tiền, cơ hội làm giàu còn nhiều, nhưng thời gian sống với cha mẹ không phải lúc nào cũng có.
Hành trang trở về của tôi là sự tự tin về kinh nghiệm của khoảng thời gian hai năm qua. Tôi chẳng ước mơ gì nhiều, chỉ mong có một việc làm ổn định, rồi lập gia đình, có điều kiện thì học thêm… Nào ngờ, từ cái nơi được thỏa sức thể hiện mình trở về, đã thật khó khăn với tôi khi tìm chốn yên phận. Gần một năm rong ruổi tìm việc, cuối cùng tôi cũng được nhận làm ở một cơ quan. Một nơi chẳng mấy ai mặn nồng, bởi nó nổi tiếng vì có 3 cái “không”. Không trụ sở, không ngân sách và không biên chế… Nói không trụ sở vì trụ sở cũng phải đi thuê. Với tôi, đây đã là hạnh phúc, nhất là sau thời gian nếm mùi thất nghiệp. Hạnh phúc hơn nữa, từ những cái “không” ấy, tôi có cơ hội thực hiện nhiều ý tưởng của mình. Tôi say sưa với công việc, từ sắp xếp bàn ghế, thiết kế mẫu mã, nghiên cứu logo cho cơ quan đến tìm kiếm đối tác, khách hàng…
Năm ấy, quê tôi trải qua một trận đại hồng thủy. Đêm hôm trước chỉ là những cơn mưa bình thường, vậy mà sớm hôm sau, thành phố đã sống trong biển nước... Ba ngày sau, mưa mới bắt đầu ngớt và nước rút nhanh. Không đợi nước rút hết, tôi đạp bùn, lội đến cơ quan. Đúng với nỗi lo của tôi, trong nhà mọi thứ vẫn dập dềnh trên mặt nước. Tủ, bàn… đổ ngả nghiêng… Đau đớn nhất là số sách tư liệu tôi dày công kiếm tìm đang lẫn lộn trong bùn non. Tôi cúi nhặt một vài cuốn, chúng ướt nhoẹt... Sau chốc lát chán ngán trước cảnh hoang tàn ấy, tôi lại thầm nghĩ – chỉ là trở lại cái mốc ban đầu thôi mà! Và những con số “không”!
Cơ quan tôi trở về với những con số “không”. Chúng tôi từng bước chung tay góp sức để xây dựng lại. Những “không” bắt đầu dần “có”, cơ quan lớn mạnh và đi vào quỹ đạo. Nhưng rồi cái sự “có” cũng thật nhiêu khê. Khi người ta không có gì thì chỉ nghĩ làm sao cho có. Và rồi, như lẽ tự nhiên, tôi chủ quan chẳng hề nghĩ đến cái đa chiều trong sự “có”. Tôi quên rằng, những năm tháng qua, mình được thả sức làm những gì có thể bởi đang sống trong cái “không”. Khi những cái không đã dần được lấp đầy thì sự đời phải khác...
Lại một lần nữa cơ quan tôi đổi mới. Chuyện xảy ra từ khi thay đổi lãnh đạo. Tất nhiên đây là sự thay đổi lớn. Việc đổi mới đầu tiên của lãnh đạo là thay đổi nhân sự. Và, trong số nhân sự cần thay đổi có... tôi!
Tạm biệt quê hương, tôi bắt đầu cuộc hành trình mới. Chưa xác định được phương hướng, nhưng dự định của tôi là trở lại rong ruổi trên những nơi đất chật người đông. Hành trang lần này của tôi đã mất đi nhiều sự hăm hở thuở trước, thay vào đó, là cảm giác lành lạnh ở cuộc đời. Con đường phía trước không còn rộng mở như xưa, bởi với tôi, đã qua rồi tuổi xuân đầy nhiệt huyết.
Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top