ClockThứ Bảy, 20/06/2015 15:01

Những lão nông làng La Khê Trẹm

TTH - Ở độ tuổi ngoài “thất thập”, nhưng nhiều nông dân cao niên làng La Khê Trẹm (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) vẫn lặn lội nắng mưa vào rừng lên rẫy, đổ mồ hôi xuống những đồi cao su, keo, tràm... Không chỉ vì mưu sinh, mà còn bởi bền bỉ tình yêu lao động.

Ông Võ Đại Hồng chăm sóc sen

Dẻo dai

Hai giờ chiều, nắng như đổ lửa. Ông Tám (74 tuổi) nai nịt gọn gàng trong bộ áo quần chuyên dùng cho việc vào rừng cùng đôi ủng cao gần đến đầu gối. Ông bảo, đôi ủng là một trong những vật bất ly thân, để chống muỗi, kiến và nhất là loài vắt hút máu. Buộc chặt chiếc rựa cán dài phía sau yên “con ngựa sắt” lấm lem bụi đất, lão nông khởi hành lên rẫy suất chiều. Chạy chừng mươi phút ra khỏi làng, ông Tám giảm tốc độ bởi bắt đầu đi vào con đường hết lồi lõm lại chi chít ổ gà, ổ trâu. Chúng tôi ghì thật chặt tay lái, thường xuyên đưa cả hai chân xuống đất giữ thăng bằng để không sìa xuống những “con lươn” chằng chịt (dấu tích của các chuyến ô tô quá tải cày nát mặt đường). Người ngồi phía sau liên tục phải nhảy xuống đi bộ qua những vũng bùn lầy lội, những con dốc cao lổn nhổn đá. Ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thở không ra hơi.         
 
Đang cố gắng theo sát lão nông, bỗng chiếc xe máy cô đồng nghiệp loạng choạng, bánh trượt hẳn xuống rìa đất thấp hơn mặt đường gần nửa mét. Hoảng hồn bởi cô cùng chiếc xe ngã nhào. May chỉ bị trầy xước. “Mùa ni còn đỡ. Mưa gió đi cực lắm. Đường tụi tui thuộc lòng, rất cẩn thận mà thỉnh thoảng vẫn bị ngã oành oạch. Vô rừng thì muỗi rần rần…” - ông Tám trầm giọng. Lão nông chia sẻ, vợ con lo lắng, bảo ông già rồi, mắt không còn tinh, tay chân không còn linh hoạt. Công việc nặng nhọc, đường sá khó khăn, nguy hiểm. “Dụ” ông ở nhà, con cái gửi tiền về hỗ trợ. Nhưng ông nói làm thế đâu có được. Suốt đời gắn bó, ruộng rẫy là một phần cuộc sống, còn làm được, ông gắng làm dù có chậm hơn, ít lại một chút. Chỉ lúc nào không đi nổi nữa mới thôi.
 

Đường vào rừng keo vất vả đầy ổ gà ổ trâu và bùn lầy

 
 
Ông Tám cặm cụi phát những bụi cỏ dại rậm rịt quanh các gốc keo. Nắng theo lưng lão nông xuống triền dốc. Cảm giác nếu cởi chiếc áo ông đang mặc ra vắt chắc chắn hứng đầy bát mồ hôi. Chốc chốc, một vài người thồ những chiếc thùng lớn mủ cao su sau xe máy, từ phía sâu trong rừng theo con đường mòn chạy ra, chào với xuống. Ông Tám bảo đó là những người có rẫy xa, ở lại làm thông tầm luôn buổi trưa để đỡ mất công qua quãng đường gồ ghề. Phần lớn là những người còn “trẻ’, mới ngoài… sáu mươi tuổi. Cũng có người tuổi ngang ngửa với ông Tám, vẫn dẻo dai “chinh chiến”, đổ mồ hơi với cao su, keo, tràm…
 
Làm gương cho con cháu
 
Một trong những “đại lão nông” làng La Khê Trẹm tuổi suýt soát 75, là ông Võ Đại Hồng. Nhà ở trong làng, nhưng ông Hồng dựng luôn căn chòi tạm trên rẫy của gia đình để chăm sóc 1 ha cao su và hồ sen rộng 2 ha đang mùa cho hạt. Lớp rạ trải dọc đường vào trang trại tỏa mùi thơm mùa màng. Ở trần, đánh mỗi chiếc quần cộc, ông Hồng đang lội dưới hồ sen. Ông phấn khởi khoe, giống sen ông trồng quý lắm, cho hạt vừa thơm vừa bở, mối hàng “dưới Huế” rất thích. “Ngoài cao su và hồ sen ở đây, tui còn làm 2 sào ruộng lấy gạo ăn và chăm rừng keo cạnh rừng keo của ông Tám. Cả ngày hôm ni tui cũng phát cỏ ở trong đó. Mới ra lúc nãy”.
 

Ông Lê Văn Tám cần mẫn phát cỏ dại trong rừng keo

 
 
Tò mò hỏi vì sao ngay đầu ngõ trang trại lại treo tấm bảng đề “Tôi đi vắng”? Ông Hồng cười hết cỡ: “Tui ở đây cá dưới ao không thiếu, lại còn có cả bầy vịt. Phong cảnh hữu tình. Mấy thanh niên trong làng thỉnh thoảng ra gầy độ nhậu. Biết là anh em cũng ham vui chút thôi, nhưng nhậu nhẹt tốn thời gian lắm, lại không tốt cho sức khỏe. Tui treo bảng đi vắng để… “trốn”. Lão nông sải bước chân đến gốc mít cạnh chòi, hái một trái vừa chín tới thơm lừng bổ ra mời khách. Ông tâm sự, từ khi được cha sinh mẹ đẻ, lớn lên lấy vợ sinh con, cuộc đời ông gắn với đất La Khe Trẹm. Đối với những người nông dân trong làng, việc thức khuya dậy sớm, vào rừng từ 2-3 giờ sáng cạo mủ cao su, trồng keo, chăm tràm, tuy vất vả cực nhọc nhưng là “linh hồn” cuộc sống của họ. Đất đai “hậu đãi” những hạt sen, trái mít thơm tho, những chuyến thu hoạch từ keo, cao su để gia đình nông dân nuôi con khôn lớn. Ân tình đó làm sao “bỏ” được.
 
Khi nắng chiều nhạt hết, ông Nguyễn Văn Kim mới từ ngoài nà (đất dọc triền sông) trở về bằng chiếc xe đạp. Nhìn nước da hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, không ai nghĩ đó là cụ ông 93 tuổi. Ông Kim chia sẻ, bây giờ ông không vào rẫy, nhưng vẫn thường đạp xe từ nhà đến triền sông nơi có mảnh đất gia đình canh tác, trồng trọt hoa màu và ngày nào cũng cần mẫn bắt sâu, chăm bón thanh trà trong khu vườn rộng. “Bây giờ con cháu đã trưởng thành, những cụ già như tui có thể không cần phải ra vườn, ra nà cuốc đất trồng rau, làm cỏ nữa. Nhưng không làm nhớ đất lắm. Vả lại, mình già như thế này rồi vẫn chăm lao động, con cháu, lớp trẻ trông đó làm theo”. Cao niên Nguyễn Văn Kim lý giải.

Trên con đường làng đầy gió sông, một lão nông vác cuốc bước chân chậm rãi. Đó là ông Lê Văn Chương (78 tuổi) đã kết thúc một ngày lao động, trở về nhà. Ông cười bảo, gia đình nghèo không ruộng, không rẫy, nhưng suốt đời vẫn gắn với đất. Từ thời thanh niên trai tráng đến bây giờ, ông cùng vợ làm thuê làm mướn sinh nhai, cũng đổ mồ hôi xuống rừng xuống rẫy. Ông là một cao niên được dân làng coi trọng, vì suốt đời đã lao động rất miệt mài. Nhìn những bước chân thảnh thơi của lão nông tuổi tám mươi, chợt thấy chiều La Khe Trẹm yên bình đến lạ.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top