ClockChủ Nhật, 20/04/2014 05:59

Những lát cắt mỹ thuật từ các vùng kinh đô

TTH - Triển lãm Mỹ thuật “Hội tụ các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay” giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật và du khách Festival, 52 tác phẩm nghệ thuật của 46 tác giả đến từ các vùng kinh đô xưa và nay với Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và “đội chủ nhà” Thừa Thiên Huế.

Triển lãm xuất hiện nhiều cây cọ tên tuổi của Huế như Vĩnh Phối, Trương Bé, Tôn Nữ Tuyết Mai… Cùng các họa sĩ Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa. Sự đa phong cách của người cầm cọ cộng với chất liệu phong phú (từ bút sắt, khắc gỗ, tổng hợp lụa, sơn mài, sơn dầu, acrylic, bột màu, mực nho…) đưa đến cho người thưởng lãm không chỉ sự trác việt của nghệ thuật kinh điển mà cả sự mới mẽ, sáng tạo trong thế giới cầm cọ hôm nay.

Một góc phòng tranh

Vùng kinh đô xưa và nay, nơi khắc sâu dấu ấn văn hóa lịch sử dân tộc, với những đặc trưng riêng của mỗi vùng miền đất nước được tái tạo, giới thiệu bằng nhiều bút pháp.

Ông Lê Phùng, Chủ tịch liên hiệp các hiệp hội Văn học Nghệ thuật cho rằng, triển lãm Hội tụ các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay thật sự là một hoạt động văn học nghệ thuật ý nghĩa, là sự gắn kết của các vùng kinh đô, để họa sĩ chia sẻ, gần nhau trong sáng tạo”.

Triển lãm Mỹ thuật “Hội tụ các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Huế) kéo dài đến 20/4.

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy, một trong những nữ họa sĩ Huế có tranh tại phòng triển lãm cho rằng, các tác phẩm tham gia triển lãm đều có chất lượng cao về nghệ thuật. Theo chị đây là một phòng tranh đáng được xem. Người xem khá ấn tượng với “Phòng làm việc của tôi” (sơn dầu) của Nguyễn Đăng Khoa (Hội Mỹ thuật Thanh Hóa) tranh của anh đẹp, sáng tạo nên một “không gian” khiến người xem ưa thích; hay Lê Thị Thanh với “Phóng sinh” (khắc gỗ) cũng rất ấn tượng với chủ đề tâm linh. Những họa sĩ Ninh Bình lại có một nét chung trong phòng tranh này, đó là cái cảm giác được giới thiệu, từ tổng thể văn hóa đến chi tiết sinh hoạt một cố đô Hoa Lư vàng son xưa. Hội Mỹ thuật Hà Nội có 10 tác giả, 10 tác phẩm tạo nên nét riêng “đặc quánh chất Hà thành”. Với vai trò chủ nhà, Hội Mỹ thuật Huế là lực lượng đông đảo với 18 tác giả và 19 tác phẩm đều là những bức tranh đẹp, lôi cuốn. Trương Bé với “Thời xa vắng” (chất liệu sơn mài), Vĩnh Phối với “Tầm nhìn truyền thống và hiện đại” (sơn dầu). Bên cạnh sự xuất hiện, tuy không phải là mới nhưng là những tay vẽ tài hoa của giới nữ họa sĩ của Huế như Tôn Nữ Tuyết Mai, Nguyễn Thị Huệ...

Bài và ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top