ClockThứ Bảy, 08/09/2018 11:57
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 6 (KHÓA XII):

Những lưu tâm khi sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương

TTH - Việc sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã, giảm số lượng thôn, tổ dân phố ở một số địa phương là cần thiết nhưng cần tính toán thận trọng, chu đáo, lường hết những vướng mắc có thể xảy ra.

Bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII

Nghị quyết số 18 Hội nghị TW6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đề ra mục tiêu đến năm 2021 là: “Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố”.

Trên phạm vi cả nước sẽ có 259 huyện (36,33%), 6191 xã (55,46%) phải được xem xét từ nay đến năm 2021, hoàn thành sáp nhập theo quy định trước 2030. Như vậy, số huyện và phường, xã cần sáp nhập là rất lớn, trong khi đó nhập-tách là vấn đề hết sức phức tạp, cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Thừa Thiên Huế cũng chuẩn bị cho đề án này theo kế hoạch chung. Xin nêu một số vấn đề cùng nhau trao đổi.

 1. Nước ta đã từng nhiều lần nhập tách địa giới hành chính các cấp trong hơn 40 năm qua. Năm 1975, sau khi đất nước giải phóng cả nước có 72 tỉnh, thành phố, thị xã (miền Nam 47, miền Bắc 25), đến năm 1976 sáp nhập đồng loạt còn 38 tỉnh. Cho đến năm 2004, sau nhiều lần tách tỉnh con số lên đến 64 tỉnh, thành và năm 2008 giảm 1 còn 63 tỉnh, thành khi nhập Hà Tây vào Hà Nội. Với cấp huyện và xã cũng tăng đáng kể khi tách huyện, xã, phường, nâng cấp mở rộng thị trấn ở hầu hết tất cả tỉnh, thành. Mỗi lần như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến kinh phí của Nhà nước, xáo trộn công việc, tâm lý, tình cảm và chính sách đối với cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền. Tách –nhập là yêu cầu cần thiết để vận hành bộ máy hành chính theo hướng có lợi cho công tác quản lý. Mỗi giai đoạn khác nhau có thể điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp. Vấn đề đặt ra là tách hay nhập trên căn cứ khoa học, có lợi nhất trong quản lý nhà nước, không thể chủ quan duy ý chí của tập thể hay cá nhân. Lần thay đổi này theo Nghị quyết TW6 chủ yếu là sáp nhập các huyện, xã chưa đạt các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Như vậy đã có tiêu chí cụ thể để xem xét với từng địa phương, không phải chỉ dựa vào địa lý, nhập vào cơ học như trước đây. Tách ra tốn kém cho ngân sách nhà nước, khi nhập lại mặc dù có lợi về kinh tế lâu dài nhưng trước mắt cũng không phải thuận lợi, nhất là công tác cán bộ. Cho nên đòi hỏi phải tính toán kỹ, cân nhắc thận trọng nhằm đảm bảo ổn định lâu dài.

2. Mỗi địa phương có những đặc điểm về địa lý khác nhau nên khi nhập cần tính đến điều kiện thuận lợi trong giao dịch, đi lại, giao lưu của cán bộ, chính quyền và Nhân dân. Những huyện, xã có địa hình tách biệt dù chưa đủ các tiêu chí cũng nên xem xét, có thể cần phải để riêng, không nên áp tiêu chí để nhập vào một cách cơ học. Ví dụ như vùng cao cách trở núi sông, nếu nhập lại thì việc đi lại khó khăn, khó gắn kết dân cư, ảnh hưởng sinh hoạt cộng đồng nên không nhất thiết phải nhập. Ở vùng đồng bằng có nhiều nơi hình thành các làng có truyền thống hàng trăm năm cũng không nên theo địa lý mà  nhập vào các làng khác. Lưu ý về truyền thống lịch sử, tổ tiên khai canh của từng làng, tránh khi nhập vào tạo ra mâu thuẫn trong cộng đồng hoặc khó gắn kết với nhau. Có những làng hình thành từ xa xưa với tên gọi đã ăn sâu vào tình cảm, ký ức của số đông quần chúng thì nên lấy lại tên đã đi vào tiềm thức đặt lại cho địa danh mới để giữ nét văn hóa, truyền thống. Tương tự ở đô thị, khi lập tổ dân phố nên nhập chung những đường phố có dân cư lâu nay gắn bó nhiều với nhau trong sinh hoạt và trong phong tục. Những khu chung cư có nhiều nhà cao tầng nên hình thành tổ dân phố theo từng khu nhà hoặc khu liền kề, không nên áp dụng cứng nhắc theo tiêu chí diện tích hoặc quy mô dân số. Thực tế những nơi này diện tích tự nhiên ít, nhưng mật độ dân cư lại quá cao, dựa vào tiêu chí sẽ trở nên bất cập. Như vậy, vấn đề đặt ra với nhiều địa phương khi quyết định sáp nhập cần xem xét kỹ những tiêu chí chưa đạt để giải trình cấp thẩm quyền cân nhắc quyết định.

3. Một vấn đề nhạy cảm, tế nhị đó là công tác bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ở những địa phương mới. Thực trạng bộ máy hành chính các cấp thường có những biểu hiện cục bộ địa phương, từ cấp xã trở xuống mức độ nặng nề hơn, nhiều khi trở thành mất đoàn kết nghiêm trọng nếu xử lý không khéo. Cục bộ trở thành vấn đề nóng khi bầu cử hoặc bổ nhiệm không đúng người của dòng họ hoặc xóm làng của bên này, bên kia. Ngay cả khi bầu cử ở khu dân cư thì phiếu bầu cũng bị phân tán bởi tác động của cục bộ, bè cánh khó có thể bổ nhiệm cán bộ theo đúng năng lực và quy định. Vấn đề quan trọng nữa là hiện nay các chức danh thí điểm kiêm nhiệm tiến tới một người kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau. Trong khi đó cấp hành chính càng xuống dưới công việc sự vụ càng nhiều, áp lực lớn, trong khi lương thấp hoặc phụ cấp chưa tương xứng với công việc. Sắp tới, chủ trương bí thư cấp ủy phải kiêm nhiệm tổ trưởng dân phố hoặc tổ trưởng Mặt trận thì công việc tăng thêm gấp bội. Ngược lại, phụ cấp không tăng mà chỉ được hưởng theo một chức danh cao nhất thì chắc chắn cán bộ ít nhiều sẽ kém nhiệt tình với công việc. Ở cấp xã, phường, nhất là tổ dân phố những người “vác tù và hàng tổng” làm việc chủ yếu là ở sự nhiệt tình, nhưng nếu lương, phụ cấp quá thấp sẽ khó động viên họ gắn bó lâu dài. Cho nên, đi đôi với sáp nhập, theo tôi, cần tính toán mức lương phù hợp theo Nghị quyết TW 7 (khóa XII) về chế độ đãi ngộ với cán bộ cấp cơ sở.

Nhập địa giới là yêu cầu cần thiết theo Nghị quyết TW6 nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước. Mục đích như vậy nhưng không phải địa phương nào cũng giống nhau, càng không thể nhập vào lại gây khó khăn cho chính quyền mới. Giảm bộ máy hành chính nhưng không ảnh hưởng các yếu tố khác tác động đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Cho nên, đề án sáp nhập địa giới hành chính ở từng địa phương cần tính toán thận trọng, chu đáo, lường hết những vướng mắc có thể xảy ra. Lãnh đạo và đảng viên các địa phương phải được quán triệt kỹ để tuyên truyền, ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương của Đảng.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sắp xếp ổn định dân cư các vùng thiên tai

Do nguồn lực còn khó khăn dẫn đến việc đầu tư các công trình ứng phó sạt lở, di dân tái định cư (TĐC) an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Mới đây, Sở NN&PTNT sau khi rà soát, tổng hợp đã hoàn thiện kế hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm ổn định dân cư vùng thiên tai.

Sắp xếp ổn định dân cư các vùng thiên tai
Chấn chỉnh, sắp xếp bố trí sử dụng vỉa hè ở phố đi bộ Hai Bà Trưng

Vừa qua, hàng chục hộ kinh doanh thuê mặt bằng ở vỉa hè phố đi bộ Hai Bà Trưng từ vị trí Tòa nhà VNPT đến Trung tâm giao dịch khách hàng của VNPT Thừa Thiên Huế bức xúc khi Công ty CP Tân Hà WINPRO (đơn vị cho thuê mặt bằng) đã bị UBND phường Vĩnh Ninh chấm dứt bố trí sử dụng dụng vỉa hè nhưng không thông báo, khiến việc kinh doanh bị ngưng trệ.

Chấn chỉnh, sắp xếp bố trí sử dụng vỉa hè ở phố đi bộ Hai Bà Trưng
Giai đoạn 2022 - 2025, thoái vốn 141 doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: Duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025.

Giai đoạn 2022 - 2025, thoái vốn 141 doanh nghiệp
Return to top