ClockThứ Tư, 30/06/2010 21:38

Những lưu ý để làm tốt bài thi đại học, cao đẳng bộ môn Vật lý

TTH - Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010 đã cận kề. Đi cùng mùa thi kỳ này đã có cuộc phỏng vấn với thầy giáo Nguyễn Hiệp, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường PTTH Nguyễn Huệ, về những lưu ý và lời khuyên bổ ích giúp thí sinh làm giành được số điểm cao nhất đối với môn Vật lý.

Trao đổi về các phương pháp làm bài thi vật lý, thầy Nguyễn Hiệp nói:

Thầy Nguyễn Hiệp
Để làm bài tốt môn Vật lý, theo thầy, các em phải chuẩn bị đầy đủ các kiến thức vật lý, kỹ năng làm bài tập, kỹ năng tư duy về vật lý,  nghĩa là học sinh phải có kỹ năng học tập tốt môn Vật lý ngay từ trong năm học.
 
Thầy lưu ý các em các vấn đề cơ bản sau: thứ nhất, môn vật lý là một môn nghiên cứu các hiện tượng xảy ra trong đời sống tự nhiên và quy luật của chúng, do đó, học sinh cần nắm vững hiện tượng vật lý xảy ra mà muốn vậy các em phải nắm vững những kiến thức cơ bản thầy cô truyền thụ trong lớp.
 
Thứ hai, phải nhớ rõ những kiến thức vật lý, ý nghĩa vật lý của các đại lượng trong công thức đó và đơn vị của các đại lượng đó. Muốn vậy, học sinh không thể học thuộc lòng mà phải thông qua việc giải các bài tập và giải càng nhiều càng tốt. Theo thầy, các em nên nhớ những công thức gốc, trong một số trường hợp nên nhớ công thức rút gọn.
 
Thứ ba, cần làm đầy đủ các bài tập cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập để nhớ sâu phần lý thuyết, rèn luyện kỹ năng tính toán và kỹ năng nhanh nhạy. Một đề thi thường gồm 2 phần: phần định tính và phần định lượng. Học sinh cần coi trọng cả hai phần, đặc biệt không được học qua loa phần lý thuyết vì có nắm vững lý thuyết nhiều thì mới giải quyết tốt những câu hỏi định tính và định lượng.
 
Lưu ý thứ tư là, đề thi trắc nghiệm thường gồm 50 câu và rải đều trong cả chương trình vật lý 12 nên không được học tủ, không được bỏ bài nào và không nên tập trung làm các bài tập quá dài và quá khó đòi hỏi nhiều thời gian.
 
Thầy có thể cho biết những kinh nghiệm để làm tốt bài thi Vật lý theo hình thức trắc nghiệm?
 
Hiện nay trong các đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, vật lý là một môn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Một số lưu ý khi làm bài thi vật lý theo hình thức thi trắc nghiệm khách quan là: Các câu trong đề thi kiểu này thường gồm có hai phần: phần dẫn và phần các phương án trả lời (phương án chọn). Trong các phương án trả lời, chỉ có duy nhất một phương án đúng hoặc phương án đúng nhất và các phương án còn lại gọi là phương án gây nhiễu hoặc mồi nhử.
 
Đề thi thường có một số câu dễ để kiểm tra phần lý thuyết đơn thuần hoặc tính toán đơn giản, một số câu khó đòi hỏi sự suy luận và tính toán kỹ lưỡng, một số câu rất khó phải có sự đầu tư sâu và tính toán phức tạp để phân loại học sinh. Khi làm bài thi trắc nghiệm, ngoài một số vấn đề về kỹ thuật (như ghi đầu đủ các mục trên phiếu trả lời, kiểm tra đề thi có đủ số lượng câu hỏi không, chữ có bị mờ nhòe hay không, đặc biệt mã đề thi giữa các trang phải giống nhau), thì thí sinh phải lưu ý đọc thật kỹ từng câu hỏi từ trên xuống dưới, câu nào chắc chắn giải được trong thời gian ngắn thì làm ngay và tô ngay phương án trả lời vào phiếu trả lời, những câu nào khó còn băn khoăn thì bỏ qua, đánh đấu câu đó và tiếp tục làm câu khác cho đến khi hết đề.
 
Lần thứ hai tiếp tục giải những câu khó mà mình đã bỏ qua và lần thứ ba nếu có những câu quá khó chưa biết được cách giải quyết thế nào thì nên dùng phương án loại suy. Càng loại suy được nhiều phương án gây nhiễu thì đáp án sẽ càng gần. Cuối cùng khi thời gian làm bài gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết được thì phải chọn nhanh phương án trả lời không nên bỏ sót.
 
Bên cạnh các lưu ý và sự chuẩn bị kỹ về phần kiến thức, kinh nghiệm làm bài, thầy còn lưu ý gì đối với các em về mặt tâm lý?
 
Đương nhiên trước kỳ thi, các em phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng. Muốn vậy phải nắm vững lý thuyết và học kỹ đến nơi đến chốn. Khi vào phòng thi phải bình tĩnh, tự tin, đặc biệt phải chuẩn bị cho mình những cái rất đơn giản, ví dụ như bút chì phải đem 2-3 cây, mỗi cây nên gọt hai đầu để nếu gãy đầu này còn đầu khác…
 
Xin cảm ơn thầy về những điều đã trao đổi
                                                                                    Ngọc Hà (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Tuyển sinh Đại học 2024 Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top