ClockThứ Ba, 28/07/2015 09:27

Những “Mạnh Thường Quân” xứ biển

TTH.VN - Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp ngư dân vươn khơi xa, bám biển dài ngày, thì ngay chính trên đất liền, với sự chung tay của những “Mạnh Thường Quân” xứ biển, ngư dân Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang), đang ngày một làm ăn hiệu quả hơn…

“Bà đỡ” cho ngư dân

Từ cảng cá Thuận An, hình ảnh tất bật vào ra hướng dẫn nhân công bốc dỡ hải sản, xay đá vận chuyển lên tàu của ông Trần Văn Châu (51 tuổi) đã trở nên rất đổi quen thuộc với bà con ngư dân ở đây. Ông Châu ở phường Tây Lộc, TP. Huế, chủ hệ thống cơ sở xay đá, kho cấp đông, đoàn xe vận chuyển hải sản ở cảng Thuận An. Mấy chục năm gắn bó nơi cầu cảng, ông Châu đã trở thành “cứu cánh” cho hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản của hàng chục ngư dân ở đây.

Mỗi chuyến ra khơi của ngư dân ở Thuận An, Phú Thuận thường chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Và không phải lúc nào ngư dân cũng có tiền sẵn, nhất là khi cá, tôm vẫn đang “chờ” ngoài khơi xa. Những lúc như thế, ông Châu lại trở thành “chủ nợ” cho bà con ngư dân ứng vốn ra khơi.


Ông Trần Văn Châu (trái) “giám sát” hoạt động xay đá của cơ sở mình

Ông Trần Văn Hải (thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An), chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá tâm sự: “Mỗi chuyến ra khơi, tính theo thời giá hiện nay, tùy theo tàu công suất lớn nhỏ tiêu tốn chừng 5- 10 triệu tiền đá và 20-40 triệu tiền dầu và không phải chủ thuyền nào cũng có sẵn vài chục triệu sẵn. Những lúc thất bát hoặc nguồn vốn chưa linh động xoay vòng được thì đã có anh Châu giúp đỡ ứng vốn tạm trước. Khi xong vụ đánh bắt hay thu mua ngoài biển trở về là bà con trả ngay”.

Thuyền ông Hải mỗi chuyến thu mua chừng 400 cây đá và trên 1.000 lít dầu. Đá nếu mua ở bên ngoài giá 18 nghìn đồng/cây loại 50kg; mua tại cảng, ông Châu lấy giá “mềm” hơn, chỉ 16 nghìn đồng/kg. Đây là cách chủ thu mua hỗ trợ, liên kết làm ăn với ngư dân rất hiệu quả, bởi sau mỗi chuyến ra khơi, họ lại nhập cá tại xưởng của ông Châu.

Cũng có trường hợp tàu của ngư dân bị nạn, hư hỏng cần phải sửa chữa hoặc cần nguồn vốn nâng cấp, cải hoán tàu ông Châu cũng sẵn sàng cho vay từ 30- 50 triệu đồng không tính lãi, đến khi nào ngư dân làm có trả mới thôi.

Như trường hợp tàu của ông Nguyễn Bái (thôn Tân Cảng, thị trấn Thuận An) trước đây làm nghề ghe ghọ bãi ngang đi thuyền công suất 60 CV. Sau thời gian bám biển thua lỗ, ông Bái quyết định nâng cấp công suất tàu để trở thành tàu thu mua cá trên biển kết hợp đánh bắt. Nguồn vốn thiếu, ông Bái tìm đến ông Châu vay mượn 50 triệu đồng, được ông Châu đồng ý không tính lãi. Đến nay, sau một thời gian chuyển qua tàu dịch vụ hậu cần kết hợp chiếu đèn đánh bắt, tàu ông Hải với gần chục lao động đã ăn nên làm ra, trả được số tiền vay mượn.

Ông Trần Văn Châu tâm sự: “Nói mình là “bà đỡ” hay “Mạnh Thường Quân” nghe to tát quá. Thực tình đây là cách ngư dân hỗ trợ nhau. Trong ngư nghiệp hay bất cứ nghề nào, tin tưởng, tình người là quan trọng. Tôi cũng từng là ngư dân, tôi hiểu điều đó.”

Cũng có trường hợp đầu tư tàu, làm ăn thua lỗ, không còn theo với nghề, nguồn vốn vay từ 30-50 triệu đồng được những “Mạnh Thường Quân” ở đây xóa nợ cho các chủ tàu.

Đầu năm 2015, tàu mang số hiệu TTH 95141 của ngư dân Huỳnh Văn Hưng ở xã Phú Hải bị chìm trên vùng biển Thuận An. Ông Hưng trước đây cũng vay vốn của bà Lê Thị Sinh - chủ cơ sở thu mua, vận chuyển hải sản ở cảng Thuận An. Khi tàu ông Hưng bị nạn, không còn khả năng hoàn vốn, đã được chủ cơ sở này xóa nợ.

Đoàn kết để vươn khơi xa

Hoạt động đánh bắt, thu mua trên biển không chỉ mang nhiều rủi ro mà còn là nghề mang tính thời vụ. Vào vụ đông, các tàu nằm bờ, các chủ tàu thuyền Thuận An, Phú Thuận còn được các chủ cơ sở cho vay tiền không lãi để trang trải cuộc sống, sửa sang ngư lưới cụ chuẩn bị bước vào mùa trăng đánh bắt.


Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của ông Trần Văn Châu, nhiều chủ tàu cá có cơ hội bám biển, làm ăn

Ông Nguyễn Văn Quang, ngư dân xã Phú Thuận cho biết: “Nhiều lúc sau kỳ nghỉ đông, không phải chủ thuyền nào cũng chủ động được nguồn vốn để chuẩn bị ra khơi. Khi bà con có liên kết làm ăn với các chủ có sở thu mua thường được “ứng” trước tiền đá, dầu và lương để trả cho bạn thuyền. Nhờ họ cho vay kịp thời mà mình ra khơi kịp mùa trăng”.

Hai mùa trăng thất bát, hộ ông Quang thua lỗ hết mấy chục triệu tiền dầu. Sau khi bàn bạc đã được ông Trần Văn Châu cho vay 15 triệu đồng để mua dầu, chi phí cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Nhờ nguồn tiền vay kịp thời này mà nhiều ngư dân có thể tiếp tục đầu tư, không bị cụt vốn hay bỏ nghề. Toàn thị trấn Thuận An hiện có 18 cơ sở sản xuất đá, 13 kho vận chuyển hải sản và cấp đông. Còn ở cảng Thuận An có khoảng 10 chủ cơ sở thu mua hải sản, trong đó có 2 kho cấp đông. Bình quân mỗi ngày thu mua từ 10-15 tấn hải sản, dự trữ 200 tấn/kho.

Cùng với nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ ngư dân, thì cách liên kết làm ăn, đoàn kết để vươn khơi bám biển dài ngày của các ngư dân và chủ cơ sở thu mua đang ngày càng phát huy hiệu quả hơn, ông Phan Văn Chinh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thuận An phấn khởi nói.

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý
Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa

Sáng 25/4, Hiệp hội Du lịch tổ chức lễ ký kết hành động giảm dùng đồ nhựa một lần cho 3 doanh nghiệp (DN) lữ hành tiên phong tại TP. Huế, thuộc Hội Lữ hành - Hiệp hội Du lịch, gồm: Công ty Du lịch kỳ nghỉ Huế (Huế Vacation), Công ty Du lịch RESTOUR, Công ty Du lịch An Phú.

Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa
Return to top