ClockThứ Hai, 15/02/2021 11:47

Những miền an lạc giữa ngàn xanh…

TTH - Ông Đỗ Đức Duy, tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khi nói về chỉ số hạnh phúc đã nhắc tới Huế như một đột phá có tính dẫn đường: “Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang đi theo hướng này, tức là vừa phát triển du lịch vừa giữ gìn, bảo tồn, chứ không đánh đổi lấy tăng trưởng. Yên Bái cũng sẽ như vậy. Tỉnh sẽ phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường.”

Hạnh phúc của người dân

Mùa lúa, mùa hoa ở Yên Bái

Vốn là người nặng lòng với xứ Bhutan, cái xứ mà người ta coi trọng chỉ số hạnh phúc cho dân hơn là tăng trưởng GDP kinh tế, nên mới đây khi nghe tỉnh Yên Bái đưa vào Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ một triết lý phát triển tương tự: Tăng trưởng “chỉ số hạnh phúc” cho người dân như cách mà quốc gia Bhutan đã làm khiến chúng tôi tò mò. Càng bất ngờ hơn, sau khi báo giới tìm hiểu chuyện lạ này của Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy, tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khi nói về chỉ số hạnh phúc đã nhắc tới Huế như một đột phá có tính dẫn đường: “Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang đi theo hướng này, tức là vừa phát triển du lịch vừa giữ gìn, bảo tồn, chứ không đánh đổi lấy tăng trưởng. Yên Bái cũng sẽ như vậy. Tỉnh sẽ phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường.”

“Triết lý phát triển” mới

Để đạt được “chỉ số hạnh phúc” không mơ hồ, trừu tượng, có thể định lượng được điều này Yên Bái đặt ra mục tiêu rõ ràng: “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Chúng tôi đã có vài tuần đi tới những bản làng ở nhiều tỉnh ở Tây Bắc, không riêng gì ở Yên Bái để thấy thấp thoáng giữa đại ngàn những bóng dáng Bhutan. Hóa ra, đến một lúc nào đó chính thực tế cuộc sống sẽ dẫn đường cho những triết lý phát triển. Trong khi người thành phố quay cuồng với những mét vuông đất có giá bằng thu nhập cả đời người ở vùng đất khác thì giữa núi rừng Tây Bắc, chúng tôi như mê dụ trước những bản làng xanh sạch như hoa viên. Đừng nhìn bằng con mắt thị thành, chỉ cần được sống ở đó, bình an, tĩnh tại đã là hạnh phúc.

Khi phân tích chuyện chỉ số hạnh phúc, ông Đỗ Đức Duy cũng nói rằng: “Ở Yên Bái, bà con vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chi tiêu không lớn, họ chỉ cần cuộc sống an toàn trước thiên tai, bão lũ. Suốt đời gắn bó với rừng thì họ phải sống được từ rừng, không phải đi làm thuê nơi khác. Trong chuyện giáo dục, giờ tỉnh có trường nội trú, trường bán trú, trẻ em vừa được đi học, vừa được chăm sóc nên thích đến trường. Cha mẹ rất hài lòng vì con đến trường được học, được ăn, được vui chơi. Hạnh phúc khác, đó là người dân được chăm sóc sức khỏe, hay có con đường mới để đi…”

Những “mảnh Bhutan” cuối trời Tây Bắc…

Chúng tôi đã thảng thốt khi đặt chân đến bản nhỏ Sin Suối Hồ dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cả bản là một vườn địa lan khổng lồ. Loài địa lan rừng đặc hữu trên độ cao này mang vẻ đẹp kiều mị mà mạnh mẽ. Những chậu địa lan trổ hoa ngập lối đi trong bản, giữa những đám mây lờ lững quấn quýt, cảm giác địa lan ở Sin Suối Hồ mang vẻ đẹp mê hoặc của dung nhan nữ hiệp hơn là những mỹ nhân chỉ thuần nhan sắc!

Hóa ra câu chuyện về những chậu lan làm giàu của Sin Suối Hồ cũng rất giản dị. “Mấy năm trước, đi nương chăm thảo quả, mình và Hảng A Xà thấy có mấy khóm lan mọc lẫn trong nương nên mang về trồng cho đẹp nhà - Trưởng bản Sin Suối Hồ -Vàng A Chỉnh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi - không ngờ được chăm sóc, mấy nhành lan trổ vòi hoa dài đến 60-80cm. Giáp tết mấy năm trước, có khách đến bản hỏi mua. Rồi tiếng lan truyền, dân ngoài thành phố tìm vào đây mua, nay thì cả bản bắt đầu trồng địa lan với 103 hộ. Hộ Hảng A Xà có chừng 500 chậu, hộ Vàng A Chỉnh cũng hơn 300 chậu. Mỗi chậu 5 cành lan thôi cũng được 1 triệu đồng/chậu, cứ thế mà nhân lên.

Dạo một vòng quanh Sin Suối Hồ, càng bất ngờ hơn khi ở bản nhỏ rẻo cao này đã biết nương tựa vào thiên nhiên để làm đẹp. Những ngôi nhà đưa vào làm du lịch theo mô hình homestay đều có cổng ngõ xinh xắn làm từ vật liệu thân thiện, như cái bảng hướng dẫn du khách vào nhà Vàng A Chỉnh đây, tên của chủ nhà, số điện thoại được làm bằng những mẫu đá gắn lên tấm bảng gỗ. Còn nhà của Hảng A Xà là một tấm gỗ thô mộc vắt ngang làm cổng với những giò lan rủ xuống, những viên cuội được gắn lên tấm bảng gỗ thành chữ “Hello homestay”. Từ khi Sin Suối Hồ trở thành một “bản mẫu mực”, nhiều địa phương đã tìm đến, nghiên cứu, học hỏi để về xây dựng bản làng mình. Nhưng không phải bản nào cũng làm được.

 … Nơi cuối trời Tây Bắc, chúng tôi bắt gặp “bóng hình” Huế và rồi liên tưởng đến hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Đã có vài bản làng làm du lịch cộng đồng rất tốt nơi miền sơn cước Tây Thừa Thiên Huế, nhưng với thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất này, A Lưới và Nam Đông xứng đáng có nhiều những “mảnh Bhutan” giữa đại ngàn khi mà những năm gần đây rừng ở khu vực này được bảo tồn rất tốt. Những cộng đồng dân tộc anh em quần cư ở đây vốn giàu bản sắc văn hóa. Thiên nhiên và văn hóa là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Miền Tây Thừa Thiên Huế không thể lao theo cuộc đua tăng trưởng GDP như những địa phương miền xuôi, sứ mệnh của nó là rừng, là nguồn nước, là lá phổi cho đồng bằng, là cân bằng oxy cho đô thị. Và những con người sinh ra từ rừng ấy, hãy để cho họ hạnh phúc với những cánh rừng của họ theo cách của họ, như triết lý phát triển của Bhutan xa xôi…

Bài, ảnh: Lê Đức Dục

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu năm nghĩ về hạnh phúc

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đầu năm nghĩ về hạnh phúc
Bhutan sẽ mở cửa trở lại du lịch từ tháng 9/2022

Từ tháng 9 này, Bhutan sẽ mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn 2 năm, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách phục hồi nền kinh tế.

Bhutan sẽ mở cửa trở lại du lịch từ tháng 9 2022
Phần Lan vẫn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 vừa công bố kết quả rằng đại dịch COVID-19 hầu như không làm đảo lộn quá nhiều thứ hạng của các quốc gia hanh phúc nhất thế giới. Trong đó, Phần Lan liên tiếp 4 năm là quốc gia xếp hạng đầu tiên.

Phần Lan vẫn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Hạnh phúc của người dân

Có lẽ, đây là lần đầu tiên, một tỉnh của Việt Nam đưa chỉ số hạnh phúc của người dân vào đánh giá mức độ phát triển, đó là tỉnh Yên Bái trong Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa diễn ra vào ngày 23/9.

Hạnh phúc của người dân
Return to top