ClockChủ Nhật, 03/12/2017 14:31

Những “mụ” Huế vang bóng xưa nay…

TTH - Mới tháng trước, cộng đồng facebook hỏi nhau tiếng Huế “mụ” nghĩa là chi? Nghe hỏi mà giật mình. Ui chao, giọng Huế thì ai cũng thích nghe, nhưng quả có nhiều ngữ nhiều từ người nghe nơi khác không tài nào hiểu hết.

Nhiều thực khách tìm đến Kim Long Quán để thưởng thức hương vị bún bò Huế ngày xưa

“Mụ” là chi rứa?

“Mụ” tiếng Huế có nhiều nghĩa:

- Phần lớn người Huế dùng từ “Mụ” đề chỉ người chị gái hay em gái của ôn mệ (ông bà) nội, ngoại. (Ví dụ: Em kế mệ nội tui là mụ Diễm…);- Gọi chị hay em gái “mụ chị”, “mụ dì”. Hò Huế có câu “Đây vốn thiệt là con mụ chị, cháu gọi thiếp bằng dì/ lẽ chi cháu nằm cháu khóc mà mụ dì lại không ru?”. Lại gọi “mụ o” chỉ bà cô - người phụ nữ là chị hay em của bố.

-“Mụ gia”: từ chỉ tên gọi bà sui gia (bà sui), mẹ chồng hay mẹ vợ. Ca dao Huế: “Mụ gia ba bảy mụ gia/ Thương chồng phải khóc mụ gia, gẫm tui với mụ có bà con chi!”.

- “Mụ vợ”, từ để chỉ bà vợ. “Mụ vợ tui”, tức là “người vợ của tôi”, một số nơi gọi là “nhà tôi”. “Mụ mi” từ dùng để chồng gọi vợ (ví dụ: Mụ mi ơi ra  đây tui nói cái ni). Các vùng trong Nam gọi là “mình ơi”.

- “Mụ mối”: từ chỉ người làm mai làm mối cho người ta nên vợ nên chồng thưở xưa. Mụ mối là người có danh phận đàng hoàng trong xã hội cũ.

- “Mụ tra”: chỉ người phụ nữ lớn tuổi.

- “Mụ vú”: từ chỉ người phụ nữ lo việc săn sóc sản phụ và trẻ con khi vừa mới sinh.

- “Bà Mụ”, là tên gọi nữ thần phù hộ cho con nít mới sinh, thường trẻ em tròn 1 tháng tuổi người Huế tổ chức cúng đầy tháng, gọi là “Cúng Mụ”.

- Mụ (Mệ): Ngày xưa trong dòng hoàng phái, bên cạnh việc gọi người đàn ông là “mệ”, đôi khi cũng gọi là “mụ”.

- Mụ nớ: chỉ người phụ nữ ngôi thứ 3 - mụ kia. (ví dụ: Mụ nớ thiệt thà lắm).

- Mụ cô mi: cụm từ dùng để chửi rủa…

Tô bún bò giò heo Mụ Rớt do con cháu chế biến theo công thức gia truyền nay còn lưu giữ tại Kim Long Quán, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Vậy, từ “mụ” trong tiếng Huế đa phần là đại từ chỉ người phụ nữ có quan hệ thân thiết trong gia đình. Từ “mụ” khi dành để gọi người phụ nữ ngoài xã hội cũng là cách gọi trân trọng. Cũng có những từ ghép có chữ “mụ” dùng để chửi rủa, miệt thị… Từ “mụ” nhiều khi được dùng như từ “bà” ở các nơi khác (mụ nớ, bà kia)...

Vài “mụ” nổi tiếng trong dân gian Huế

“Mụ”, “Mệ” nổi tiếng trong chốn cung đình thì nhiều, ở đây nhớ đến vài “mụ” mà dân gian nhắc mãi, như mụ Cửu Ới, mụ Liếc, mụ Rớt, mụ Đợi…

Mụ Liếc đi vào trong tâm thức dân gian Huế là người phụ nữ mập mạp, to lớn hơn người. Có lẽ mụ là người đàn bà nặng nhất Huế xưa nay. Mụ làm nghề thầu bến đò Thừa Phủ, chuyên ngồi trên bến thâu tiền chứ không dám xuống đò vì sợ đò... chìm. Xưa có câu đố: “Mụ chi vóc dáng đẫy đà/ Khuôn trang đầy đặn thịt thà nở nang/ Ăn làm răng nói làm răng/ Xích lô sợ chạy, đò ngang sợ chìm?”. Trả lời: “Mụ Liếc vóc dáng đẫy đà/ Nặng gần hai tạ ngó mà sướng ghê/ Phần trên phía dưới đề huề/ Ngồi xe, xe xẹp, ngồi ghe, ghe chìm”.

Mụ Rớt là danh nghệ chủ nhân món bún bò giò heo Huế nổi tiếng những năm 1960,1970 ở vùng Gia Hội. Hồi đó qua cầu Gia Hội, về sau lưng chùa Diệu Đế có một căn nhà nhỏ bán bún bò. Quán không đề tên bảng hiệu, vậy mà lúc nào cũng đông người tìm đến ăn bởi “tiếng lành đồn xa”.  Bún bò mụ Rớt nấu rất khéo, tô bún ở hàng ngon nhất trần gian. Tô bún ý nhị với những sợi bún trắng, miếng giò heo đầy đủ da, nạc, xương, cộng thêm vài lát thịt bò xắt mỏng nổi bật những đường gân trắng ngà, ớt đỏ, hành ngò xanh, chan thêm vá nước dùng trong vắt mà rất thấm đượm. Tô bún không quá lớn đúng kiểu ăn thanh cảnh của người Huế, dễ cho người ăn vừa bưng, vừa húp, vừa và xì xà xì xoạp, miệng hít hà ớt cay, vô cùng khoái khẩu.

Bánh canh Mụ Đợi, khách tự nêm nếm gia vị cho riêng mình

Trong nỗi nhớ quê nhà từ phương xa, nhiều người Huế nhớ hình ảnh tô bún Mụ Rớt như niềm thương nhớ món ngon mẹ hiền xưa… Học giả Vương Hồng Sển có lần ăn xong về da diết nhớ. Trong bài “Lai rai nhớ lại những món ăn Huế”, ông kể: “Cái mụ buôn bán lạ kỳ: ăn một tô chưa thấm tháp vào đâu, vì tô có một chút nhéo. Kêu thêm tô thứ nhì, ăn lưng lửng biết mùi, kêu tiếp tô thứ ba, mụ trả lời cộc lốc: “Hết rồi”!... Một người nướng thịt biệt tài dường thế, chết thật uổng”. Dân gian Huế có câu đố: “Mụ chi nổi tiếng ầm ầm/ Chưa đi đã té, chưa cầm đã rơi/ Ngày nay mụ đã qua đời/ Mà trong thiên hạ lắm người mượn tên”. Trả lời: “Mụ Rớt nổi tiếng ầm ầm/ Ngự Viên, Gia Hội ai nhầm được tên/ Tiếc thay phần số không bền/ Chu du thiên cảnh sống miền thiên thai/ Thế gian thương mụ nhiều tài/ Bún bò tên mụ ăn hoài chẳng no”.

Mụ Cửu Ới nổi tiếng cái món thuốc lá Cẩm Lệ những năm 1960. Không chỉ dân Thừa Thiên đều hút thuốc của mụ pha chế, ngay dân các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam cũng gởi mua cho được thuốc Cẩm Lệ của mụ. Có điều thú vị là thuốc lá Cẩm Lệ lại do làng Cẩm Lệ thuộc tỉnh Quảng Nam sản xuất, mụ Cửu Ới đưa ra Huế "phù phép" thành thứ thuốc khiến người ta ghiền. Dễ đến nửa thế kỷ, thuốc Cẩm Lệ đã gắn bó với sinh hoạt nhiều gia đình người Huế từ những năm 1960…

Các mụ nói trên giờ đã đi vào cõi sương mù, cái tên Bún bò Mụ Rớt ở Huế nhiều người treo biển, nhưng là mượn danh mà thôi. May thay, món Bún bò Mụ Rớt hiện con cháu vẫn còn giữ công thức gia truyền tại Kim Long Quán ở đường Trần Quang Diệu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Nhưng Huế đương đại thì hiện vẫn còn “Bánh canh Mụ Đợi”. Bánh canh Mụ Đợi nguyên thủy nằm ở con hẻm nhỏ ở đường Đào Duy Anh - Huế. Quán cũng không bảng hiệu, ấy nhưng có gần 35 năm tồn tại, lại là nơi dừng chân của đông đảo thực khách. Tô bánh canh ở đây được nấu riêng cho từng khách, khi khách đến quán mới bắt đầu nấu nước và thả bột, lấy chả, bóc tôm để đảm bảo cho tô bánh canh luôn tươi nóng. Làm vậy nên thời gian chế biến rất lâu, chờ lâu nên cái tên "Đợi" được hình thành và được truyền miệng, trở thành thương hiệu “Bánh canh Mụ Đợi”. Ngoài việc tô bánh canh chỉ có mấy sợi bột theo kiểu hương hoa, muốn ăn thêm thì phải kêu trước thêm tô nữa; nó còn có điểm khác biệt là muốn thưởng thức thật ngon thì thực khách tự mình phải thật chi ly trong vấn đề thêm gia vị. Thực khách tự mình nêm muối, bột ngọt, tiêu, tương ớt, hành ngò sao cho hợp với khẩu vị, vô cùng dân chủ, tự do.

Hiện nay thì “Bánh canh Mụ Đợi” đã được rất nhiều người biết đến. “Bánh canh Mụ Đợi” đã mở thêm vài chi nhánh ở đường Nguyễn Trãi và đường Ngô Gia Tự. Thế nhưng nhiều người vẫn muốn tìm về con hẻm nhỏ ngày xưa.

Bài, ảnh: VÕ TRIỀU SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Những chuyển biến gần đây cho thấy, vấn đề hạn chế rác thải nhựa đang được các cấp, các ngành và người dân vào cuộc. Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong bối cảnh phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đang được triển khai mạnh mẽ.

Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
Lần về dấu xưa

Cũng như nhiều dân tộc khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, cộng đồng người Pa Cô ở huyện A Lưới có nhiều tín ngưỡng độc đáo về văn hóa và tâm linh thờ cúng. Trong tâm thức của đồng bào, những ngôi nhà piing - nhà mồ được dựng lên ngoài để che chắn, tưởng nhớ người đã khuất thì đó còn là nơi lưu dấu những ký ức về tổ tiên, dòng họ.

Lần về dấu xưa
Thông tin doanh nghiệp
Tăng mắt livestream facebook giá rẻ và chất lượng tại Vnfame

Bạn có muốn biến mỗi buổi livestream của mình thành một sự kiện đặc biệt, thu hút hàng nghìn ánh nhìn và tạo ra cơ hội không ngờ? Cùng Chúng tôi khám phá bí quyết tăng mắt Livestream Facebook giá rẻ và chất lượng. Đằng sau mỗi con số là sức mạnh, đằng sau mỗi mắt là một cơ hội mới. Hãy đặt chân đến thế giới đầy màu sắc của livestream và hãy để chúng tôi chỉ dẫn bạn đến sự thành công, ngay tại đây!

Tăng mắt livestream facebook giá rẻ và chất lượng tại Vnfame

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top