Thể thao

Những mùa banh năm cũ

ClockChủ Nhật, 13/06/2021 12:55

Nhớ lại hồi nhỏ trò chơi yêu thích nhất của trẻ quê vẫn là đá banh. Từ banh rơm đến banh nhựa, từ banh phao đến banh cao su... Nói chung là cứ có trái banh là chia phe thi đấu. Đá banh trong sân gạch, đá banh ngoài đường xóm. Đi học thì đá trong sân trường. Nhưng cái sân mà lũ con nít xóm Kế của tôi thường chiếm lĩnh để thi đấu vào những buổi chiều mùa hè là sân đình làng. Hồi đó đình làng không ai coi sóc nên chiếu bóng, cải lương, hát bội chi cũng lấy sân đình làm sân bãi. Nhưng cứ buổi chiều sân đình là sân cỏ của chúng tôi.

Mùa hè - mùa đá bóng của trẻ em vùng quê

Nếu ít người thì mấy thằng trong xóm chia phe đá với nhau. Thỉnh thoảng có trẻ con xóm khác kéo tới để đá độ ăn tiền. Có trận chúng tôi thắng, cũng có trận thua. Có khi xảy ra xô xát là tẩn nhau tán loạn. Nhưng chỉ vài bữa sau là giải hòa đá lại. Sân đình được rào bằng những hàng kẽm gai, trồng thêm mấy bụi dứa dại. Có mấy lần cầu thủ sút mạnh quá banh đâm trúng kẽm gai xìu luôn, có khi lại bay vô bụi dứa tìm hoài không ra...

Cũng có những buổi chiều, cả lũ rủ nhau xuống đám ruộng cạn mới gặt xong để đá banh. Thực ra, đá banh trên ruộng chủ yếu là tìm cảm giác lạ chứ đạp cột- tót (chân lúa còn lại sau khi gặt) đau chân, banh nảy lung tung. Xong trận banh là thằng mô thằng nấy người bê bết bùn. Rứa là rủ nhau nhảy ùm xuống hói tắm. Coi như vừa chơi đá banh, vừa bơi lội...

Có một sân banh nữa mà con nít xóm tôi hay tới đó là sân banh Trụ Sơn. Đó là một bãi cát rộng khá bằng phẳng ở trên độn cát phía sau lưng làng tôi và là sân banh của mấy anh em đồ trâu thôn Nhứt Tây. Hồi đó, đồ trâu khá đông, lập nên một đội banh mạnh. Cứ mùa hè đến, nhà mô xây lăng đắp mộ, ngoài xôi gà còn mua cho mấy đứa giữ trâu (ở quê tôi thường gọi là đồ trâu) một trái banh xịn sò. Cứ chiều chiều, anh em thả trâu ở mấy bãi cỏ quanh độn cát và đá banh. Thường thì đội đồ trâu đá với đội đi học. Như tôi nhiều lần vô sân Trụ Sơn đá banh nhưng chủ yếu là ngồi dự bị cho đội đi học. Thỉnh thoảng có anh mô mệt ra uống nước, tôi mới được vô sân chạy loăng quăng vài vòng. Hên hên thì cũng sút hay chuyền được mấy quả. Mà đội banh đồ trâu đá vừa hay, vừa khỏe, vừa liều. Cứ thấy banh là lao vô tranh chấp ầm ầm nên họ luôn là đội giành chiến thắng. Đi đá banh sân Trụ Sơn có cái vui là đá xong xuống tắm nước con khe làng vừa trong, vừa mát rồi leo lên lưng trâu của mấy đứa bạn về nhà...

Mùa hè năm mô làng tôi cũng đều tổ chức giải bóng đá của làng. Tất nhiên rồi, đi coi đá banh cũng vui không thua chi đi đá banh. Khoảng 12 giờ trưa là cả cầu thủ, cổ động viên đội banh chi hội 4 của tôi tập trung ở nhà bác đội trưởng chuẩn bị kéo quân ra sân Đồng Dạ. Một thùng nước chè xanh, một xô chanh đường cho cầu thủ cũng đã xong rứa là xuất phát. Trên đường cũng đã thấy mấy đội banh và cổ động viên của chi hội 1, 2, 3 kéo quân đi. Trời nắng như nung lửa nhưng tinh thần bóng đá của các đội banh làng còn nóng hơn. Mỗi đội banh chọn một góc sân khởi động. Màn khởi động cũng vui, khi thủ môn đứng giữa vòng tròn, hai bên là các cầu thủ và cổ động viên sút bóng cho thủ môn bắt. Cầu thủ không nói chứ mấy đứa con nít như tụi tôi mà sút một quả đẹp đẹp cho thủ môn bay bắt dính banh là khoái chí lắm...

Trận bóng bắt đầu. Người coi đứng kín cả 4 cạnh sân reo hò, cổ vũ theo từng đường banh. Đá banh ở làng chẳng có chiến thuật chi chủ yếu là kèm người, đua tốc độ; mà hồi đó còn có luật là không được 2 giành 1. Thỉnh thoảng có một cầu thủ hậu vệ sút thẳng chân, trái banh bay vô vườn mấy nhà 2 bên sân rứa là đi tìm, 2 đội tranh thủ nghỉ uống nước. Đội banh mô cũng cử 1 người ngoài sân tiếp chanh đường, người này phải nhanh nhẹn để trong những tình huống bóng chết là lao nhanh vô sân tiếp chanh đường cho cầu thủ...

Thiệt tình là chưa bao giờ đội banh chi hội 4 của tôi vô địch giải đá banh mùa hè của làng dù nhiều lần vô chung kết nhưng đều thất bại trước đội chủ sân Đồng Dạ là chi hội 5. Còn với các đội banh chi hội 1, 2, 3 thì đội banh chi hội 4 của tôi thắng nhiều hơn thua. Tôi nhớ có năm trận vòng bảng chi hội 4 gặp chi hội 3. Hiệp 1 đội banh của tôi đã dẫn 2 bàn rồi. Nhưng hiệp 2, đội banh chi hội 3 đá lên chân bất ngờ. Họ tấn công ào ào, lên banh mạch lạc hẳn. Có mấy chú nông dân đi tát nước ruộng cồn bên kia sông Ô Lâu về, mặt còn dính bùn, cởi bộ đồ lao động ra khoác vội chiếc áo cầu thủ mới thay ra trao lại rồi lao vô sân thay người đá luôn. Nhờ những cầu thủ như từ trên trời rơi xuống mà đội banh chi hội 3 ghi 3 bàn liên tiếp. May mà cuối trận đội banh chi hội 4 ghi được bàn gỡ hòa 3-3. Thiệt là hú vía cho những cổ động viên chi hội 4...

Những trận đá banh mùa hè luôn sôi động, hào hứng của làng năm nào tôi không thể nào quên. Có đá banh là cánh đồng làng vắng người. Rồi khi trận đấu kết thúc người làng kéo nhau trên những con đường cát về nhà, bụi mù trời. Còn giấc mơ của thằng bé tôi được một lần nhìn đội banh của mình vô địch thì mãi dở dang...

Bài: PHI TÂN - Ảnh: TRUNG PHAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Sau gần 2 năm triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trở thành điểm tựa để các em vượt qua nghịch cảnh, vươn lên học tập, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Return to top