ClockThứ Sáu, 01/10/2010 13:24

Những nẻo đường hoa và nước mắt

TTH - (Nhân đọc SÓNG KHÁT VỌNG của Xuân Tốn)

Ông Xuân Tốn sinh năm 1920. Vậy là năm nay ông đã 90 tuổi. Năm 1944, 24 tuổi chàng trai Xuân Tốn đã bước vào con đường cách mạng. Năm 24 tuổi đã thoát ly gia đình theo tiếng gọi của Độc lập, Tự do. Đó là con đường hoa của tuổi trẻ đầy khát vọng, và đó cũng là tiếng gọi của chính trái tim mình. Từ 1945 đến 1967, suốt 13 năm đó, anh Xuân Tốn hoạt động cách mạng đầu tiên ở Phong Điền. Nhưng hai huyện bạn là Hương Trà rồi Phú Vang đang đứng trước hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Xuân Tốn được cấp trên điều đến để “chữa lửa”. Phải là con người như thế nào mới có được sự tin cậy ấy để trao sứ mệnh cách mạng vào tay một chàng trai.

Chỉ riêng việc khi Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, đa số lực lượng vũ trang và chính quyền được lệnh điều động ra Bắc tập kết, chỉ để lại một số trung kiên nhất bám dân, hoạt động chính trị để sau hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Xuân Tốn là một trong những chiến sĩ trung kiên được chọn để ở lại bám dân, không đi Bắc tập kết, ta đủ hiểu con người đó là như thế nào.
 
Tôi không thể cầm lòng mình khi đọc đến đoạn sau 10 năm thoát ly, phải xin phép đồng chí Phó Bí thư, nhân đi ngang qua Hoà Mỹ để được gặp gia đình, đó là năm 1955.
Đây là đoạn ông tả cảnh gặp mẹ: “Mẹ xoa tóc tôi rồi bảo: Tóc con độ này sợi bạc nhiều thêm, con cố gắng giữ gìn sức khoẻ, phục vụ dân, phục vụ Đảng cho tốt. Ba mẹ ở nhà, địch liệt vào gia đình Việt cộng, chúng bắt ba mẹ ký giấy gọi con về. Ba mẹ không ký, chúng bắt lên quận học tập tố cộng, bị đánh đập hàng ngày. Chúng lấy dao cắt râu ba con, bắt mẹ ngồi học, nhịn đói ba ngày mới cho về. Tên quận trưởng hỏi mẹ: “Tại sao ông bà không gọi con về?” Mẹ trả lời: “Các ông có binh lính, công an mà chưa bắt được, còn tôi hai tay, biết hắn ở đâu mà gọi về, hơn nữa nó lớn rồi, nó lựa chọn con đường đi của nó”. Nó đánh mẹ, cho là ngoan cố. Tên quận trưởng lắc đầu, bảo lính thả cho mẹ về nhà, công an xã quản thúc, theo dõi chặt chẽ”.
 
Đây là đoạn ông kể chuyện gặp vợ: “Mẹ tôi nói dứt lời, vợ tôi (Huỳnh Thị Chiểu) chạy lại ôm tôi khóc oà, nước mắt chảy đầy đôi má. Thấy tôi nghẹn ngào, vợ tôi lau nước mắt rồi nói: “… Cứ cách ba ngày địch bắt xuống đồn, quận tra hỏi, ngồi học tố cộng. Em sáng kiến giả ngất xỉu nằm lăn, được chị em thoa dầu đưa về nhà. Em làm ba lần, mấy tháng sau nó không bắt học nữa, có thì giờ dạy các con, cho con đi học, bọn tay sai vào trong nhà trường làm khó dễ vì cho là “con Việt Cộng”. Vợ tôi nói xong, ôm chặt tay tôi: “Anh cứ yên tâm lo việc nước, việc nhà, cha mẹ, con cái có em lo”.
 
Sau đó từ năm 1957 đến năm 1975, đúng 18 năm trời, ông Xuân Tốn vào tù Côn Đảo. Chúng ta ai chẳng thuộc câu thơ Đường: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”.Nghĩa của câu thơ ấy là: Một ngày ở tù bằng nghìn năm ở bên ngoài.
 
Xin đọc một đoạn ông viết về cảnh tù đày: “Có thể nói 18 năm ở Côn Đảo, 4 năm ở trại 6B là những kỷ niệm sâu sắc. Gần đến ngày thất bại, Mỹ nguỵ không từ mọi thủ đoạn tàn bạo để đánh ta. Đặc biệt là tội ác của tên chúa đảo đã giết chết đồng chí Đoàn Hảo; đồng chí bệnh nặng nhưng chúng không cho thuốc men chữa trị nên phải qua đời. Đảng uỷ do đồng chí Trần Văn Cao phát động đấu tranh giữ xác, đòi giải quyết yêu sách, địch bỏ đói, tù nêu yêu sách đòi:
1- Chấm dứt hành động bỏ đói tù nhân
2- Đòi giải quyết đời sống, ốm đau phải có thuốc men chữa trị
3- Đòi thực hiện quy chế tù chính trị, đòi tự do tư tưởng.
 
Địch bỏ đói anh em, toàn trại nằm la liệt, thần chết cận kề, nhưng anh em vẫn bám đội ngũ, động viên phòng 7 bệnh xá giữ cửa, nhưng địch vẫn dùng bạo lực xông vào cướp xác. Đảng uỷ chủ trương làm lễ truy điệu đồng chí Đoàn Hảo và tiếp tục đấu tranh chống địch bỏ đói tù nhân. Chúng không giải quyết, âm mưu xé lẻ bắt người qua trại khác, trong đó có đồng chí Hoàng Phùng đại diện, gây hoang man trong đội nghũ tù nhân. Riêng tôi ở phòng 8, tuy sức khoẻ yếu dần, khi mê, khi tỉnh, vẫn động viên nhau quyết tử, bám yêu cầu đấu tranh”.
 
Rất may ông Xuân Tốn vẫn sống và trở về. Nếu chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 không giải phóng được miền Nam thì không biết bao giờ ông Xuân Tốn gặp lại gia đình. Nhưng cảnh gặp lại gia đình của ông đầy bi thương: Cha mẹ đã chết, vợ và một người con đã chết.
 
Cảnh ông ra thăm mộ đúng là đầy nước mắt: “Tôi đến thăm mộ cha mẹ nằm song song dưới bóng chiều im lặng. Tôi thắp nén hương, cúi đầu vái lạy, ôm ngôi mộ nức nở lệ nhoà, tay nâng cành hoa trải dài trên mộ”.
 
… Đất nước hoà bình, con trở về, ba mẹ đã đi xa, lòng con thương xót vô hạn, tự cõi lòng con dâng mấy vần thơ:
“… Vắng tiếng ba cười không nghe mẹ gọi
Nghe đất thầm thì con nhớ quá ba ơi!
Trời nổi cơn dông, xoay vũ trụ liên hồi
Nằm ôm mộ, lịm say dòng lệ đổ”
 
Đây là cảnh ông thăm mộ vợ: “Tôi và các con tôi băng qua đồi cát trắng đến thăm mộ vợ và con. Khi đến nơi, thấy ngôi mộ gió cát bay xơ xác, tôi xúc động, đáy mắt tràn dòng lệ. Các con tôi khóc nức nở giữa nắng chiều sắp tắt, thắp nén hương nhìn ảnh bà như nhắc tôi nhớ lại, tay cầm tay tiễn tôi đi kháng chiến trường kỳ”.
 
Do Mỹ Nguỵ tàn bạo, vợ tôi lâm bệnh phải đi xa, tôi thương và mến phục vô cùng. Tôi gửi lại bài thơ nhớ bà:
“Nhìn nấm mộ cỏ xanh rì
Trông ảnh vợ biết nói gì với con
Trên mi lệ cứ lăn tròn
Tiếc thương yêu vợ, khóc buồn con thơ
Khói hương nghi ngút giăng tơ
Hoa thơm trên mộ sương mờ nhớ thương”…
 
Gấp cuốn “Sóng khát vọng” lại, tôi nhận ra tác giả muốn nói với chúng ta khát vọng Độc lập - Tự do là một chân lý tồn tại của đất nước này; song nẻo đường hoa ấy đầy mồ hôi và nước mắt. Máu xương mà chúng ta trả cho khát vọng ấy thật lớn lao. Ông Xuân Tốn đã hiến dâng cho lý tưởng ấy bằng tất cả tuổi thanh xuân của mình. Khát vọng chúng ta đạt đến xứng đáng với tất cả sự hy sinh cao cả ấy.
 
Ngày giải phóng, ngày trở lại quê hương, ngòi bút của tác giả Xuân Tốn vui như khúc tráng ca: “Đoàn xe băng qua đèo Hải Vân, thẳng về Huế lên đến Nam Giao (trường Đảng). Chúng tôi xuống xe, tôi làm Trưởng đoàn cầm cờ, băng đi trước tiến vào chỗ đón tiếp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành bắt tay ôm nhau thân thiết. Nhiều gia đình, bạn bè, người thân, mừng mừng, tủi tủi. Riêng tôi, khi đi con còn nhỏ, nay lớn khôn có chồng chạy tìm ba, rất may có bác Lê Sáu và Phạm Bá Ngoãn dẫn con cháu đến gặp tôi, ôm chặt nhau, tiếng cười lẫn tiếng khóc nức nở như hồi còn bé. Tôi xúc động quá, chỉ lặng thinh, vuốt tóc, lau nước mắt cho các con. Bạn bè, bà con lối xóm đều đến chúc mừng, tặng quà, không khí náo nhiệt khác thường, một cuộc hội ngộ có một không hai”.
 
Đúng là một cuộc hội ngộ có một không hai. Niềm vui ấy đã kéo dài tuổi thọ của ông. Năm nay ông đã 90 tuổi. Kính chúc ông đạt đến mong ước của ông cha: “Bách niên giai lão”.
 
Sóng khát vọng” là một tài sản hết sức lớn lao để lại cho các con. Hỏi còn gì vinh quang hơn.
 
Nguyễn Quang Hà
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

TIN MỚI

Return to top