ClockThứ Hai, 04/11/2019 06:15
20 năm “đại hồng thủy” 1999

Những ngày tháng khó quên

TTH - Tảng sáng ngày 1/11/1999, tôi quyết định rời nhà đến ngay công sở. Đêm hôm trước, tuy có mưa kéo dài nhưng các chỉ dấu sắp có một trận lũ lụt lớn vẫn chưa xuất hiện rõ, kể cả thông tin về khí tượng thủy văn chúng tôi nhận được.

20 năm sau trận lũ lịch sử: Hồi sinh những làng quêDấu ấn công trình “chống lũ”

Ông Nguyễn Văn Mễ kể về trận “đại hồng thủy” năm 1999. Ảnh: Phan Thành

Quyết định của tôi không phải bằng trực giác mà ít nhiều qua những trải nghiệm mà ông ngoại tôi, một lão nông tri điền đã bày vẽ ngay từ thời thơ ấu. Ông thường bảo tôi, vào mùa mưa bão khi nào nhìn ra phía biển thấy có những cụm mây theo hình đọt măng xếp gần nhau màu đen đậm nhưng phía ngọn có màu đỏ thì chắc chắn sắp có lụt lớn.

Những ngày trước đó ở Huế có hai sự kiện lớn nối tiếp nhau; đó là việc khai trương đường bay Airbus 321 lần đầu tiên từ Hà Nội đến Phú Bài và trận bóng đá giao hữu giữa đội Thừa Thiên Huế và đội Đà Nẵng có kết quả 1-0 nghiêng về đội Thừa Thiên Huế. Khi ngồi trên khán đài để cổ vũ cho hai đội bóng, tôi đặc biệt chú ý hiện tượng bầy chuồn chuồn bay sát mặt sân bóng, một dấu hiệu cho thấy sắp có mưa lớn.

Từ nhà theo đường Đội Cung, ngược đường Lê Lợi đến trụ sở UBND tỉnh, tôi nhìn thấy nước sông Hương tràn nhanh vào công viên và từ phía thượng lưu nước lũ cuồn cuộn đổ về.

Vào đến cơ quan chưa kịp ổn định thì nước bắt đầu ngập vào sân và chỉ sau một thời gian rất ngắn đã tràn vào tầng I. Giữa trụ sở với Bệnh viện Trung ương Huế phía sau khu tập thể gần 20 hộ trong khuôn viên bị chia cắt hoàn toàn. Mỗi đơn nguyên nhà trong thành phố đều trở thành một ốc đảo giữa bốn bề nước.

Thấy tình hình nguy ngập, tôi dùng điện thoại cầm tay gọi cho Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao đề nghị báo cáo ngay cho Thủ tướng và Trung ương về tình trạng khẩn cấp ở Thừa Thiên Huế để theo dõi chỉ đạo và chi viện kịp thời; đồng thời tìm cách liên lạc với các đồng chí lãnh đạo khác của tỉnh đều đang ở trong một tình trạng chung: bị lũ cô lập.

Khó khăn lớn nhất mà lãnh đạo tỉnh phải đương đầu là hạ tầng kỹ thuật chủ yếu gần như bị tê liệt. Lưới điện phải ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn; tổng đài Bưu điện bị ngập sâu, cả hệ thống hữu tuyến và vô tuyến đều bị chia cắt. Những thông tin ngắt quãng, rời rạc chúng tôi nhận được từ điện thoại cầm tay cho biết có 57 học sinh, giáo viên ở Trường THCS Hương Thọ đang cố thủ ở trường và đang bị đe dọa về an toàn tính mạng; đồng bào xã Thủy Biều đang bị nước vây tại đồi Long Thọ; có một thuyền chở người trong đó có giáo viên đi tránh lũ ở xã Phong Sơn bị lật; có một ca sinh khó ở Bệnh viện huyện Quảng Điền cần được chuyển viện cấp cứu...

Tin xấu bủa vây nhưng phần lớn đều nằm ngoài tầm tay với lãnh đạo tỉnh, chỉ biết động viên nhau thực hiện tốt nhất phương châm “4 tại chỗ", cố gắng bám trụ và tìm cách liên lạc với nơi có khả năng cứu viện gần nhất, vì với cường độ dữ dội của nước lũ như đang xảy ra thì mọi hoạt động cứu hộ chỉ có thể thực hiện được trong cự ly gần với những lực lượng, phương tiện đủ mạnh, biết lợi dụng địa hình, quen sông nước và bơi lội giỏi.

Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo các ngành công an, quân đội, điện lực, bưu điện, giao thông vận tải, ban phòng chống bão lụt tìm mọi cách để liên lạc với các đơn vị trực thuộc ở địa bàn ven biển, vùng đầu nguồn và gần các hồ đập lớn để nắm thông tin về sự an toàn của người dân và của các công trình xung yếu.

Trận đại hồng thủy năm 1999 nhấn chìm cả tỉnh. Ảnh TL

Khó khăn nhất là mọi phương tiện đường thủy; kể cả những chiếc ca nô chủ lực của Công an tỉnh và Công an thành phố đều không thể vượt qua cầu Bạch Hổ vì nước ngập tận mặt cầu. Sau nhiều cố gắng cẩu phương tiện vượt qua đường sắt đoạn Lịch Đợi mới có ca nô chạy ven bờ lên kiểm tra vùng Long Thọ, nhưng không thể tiến xa hơn về phía thượng lưu vì nước lũ cuồn cuộn như thác.

Mưa lớn tiếp tục kéo dài cả trong hai ngày 2 và 3/11, những tổn thất về tài sản và nhân mạng ngày càng bộc lộ rõ; xác của một số nạn nhân trôi về được lực lượng cứu hộ tập trung gần bia Quốc Học; nhiều xác nhà và vật dụng sinh hoạt của nhân dân trôi theo dòng lũ; hàng loạt gia súc, gia cầm trong đó có hàng trăm trâu bò chới với theo dòng nước ra biển. Tin nắm mới là các hồ đập thủy lợi vẫn an toàn, tuy vậy hệ thống cầu đường bị thiệt hại nặng; trong đó có cầu bê tông vĩnh cửu Vân Dương ở phía Đông Nam thành phố bị lũ cuốn; một tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi đứt neo trôi nằm ngang cầu Gia Hội phải xử lý khẩn cấp để cứu cầu khỏi sập; trưởng đoàn cán bộ cao cấp của Thái Lan đang lưu trú tại Khách sạn Century gọi điện trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ứng cứu…

Lực lượng và phương tiện tại chỗ đã được huy động để tìm cách phá thảm bèo cứu cầu Vân Dương nhưng lực bất tòng tâm; các tàu cá, một số thuyền có mã lực lớn cùng xe cẩu đã cùng nhau kéo ngược giúp tàu cá Quảng Ngãi thoát ra khỏi dòng lũ; các ngành chức năng của tỉnh và thành phố đã tiếp cận trợ giúp đoàn khách quốc tế...

Tinh thần tương thân tương trợ, cộng đồng trách nhiệm đã được phát huy cao động trong cơn hoạn nạn. Nhiều chủ phương tiện chở hàng đường dài theo tuyến Bắc Nam đang mắt kẹt tại Nhà Văn hóa Trung tâm và Bưu Điện tỉnh khi nghe vận động đã tự nguyện xuất hết số lương thực chế biến sẵn cho chính quyền để kịp thời cứu trợ cho những nơi xung yếu đã bị đứt bữa do lũ kéo dài và do lương thực, dụng cụ nấu ăn đều bị hư hại.

Trong khó khăn, bộ máy chỉ huy chỉ đạo của tỉnh cũng phải có cách thích ứng với tình huống nằm ngoài mọi kịch bản, mỗi đồng chí xử lý việc phòng chống lũ lụt ở một địa bàn nhất định. Dưới sự chỉ đạo của anh Ngô Yên Thi, Bí thư Tỉnh ủy, mỗi người chúng tôi chủ động đảm nhiệm một số công việc. Tôi chịu trách nhiệm chung về mặt chính quyền. Anh Lê Văn Hoàng được phân công đi kiểm tra A Lưới bị mắc kẹt trong lũ đã cùng lãnh đạo địa phương giải quyết nhiều vấn đề phát sinh do hậu quả rất nặng nề, hiếm thấy ở vùng núi cao này. Anh Nguyễn Xuân Lý đảm nhiệm việc kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị ở phía tây thành phố; huy động gạo, bột mỳ từ các cửa hàng trong khu vực và vận động bà con chế biến mì, cơm vắt để cung cấp cho một số điểm tập trung đông người chạy lũ và quyết định tổ chức điểm cấp phát xăng dầu ở gần Đàn Nam Giao cho các phương tiện cứu lụt. Anh Lê Viết Xê lo tổ chức các hoạt động phối hợp với các lực lượng của Trung ương và công tác cứu trợ.

Vượt qua sự bị động, bất cập ban đầu, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang đã có phản ứng kịp thời, vận dụng được nhiều sáng kiến kinh nghiệm và sức mạnh của người dân trong phòng chống thiên tai, nhờ đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại trong cơn lũ lịch sử, hàng trăm năm mới có một lần. Nhiều điển hình xuất hiện ở Hải đội 2, các đồn biên phòng, công an, quân đội, Bệnh viện Trung ương Huế, chợ Đông Ba, xã Hương Thọ, xã Quảng Phước và khắp nơi trong tỉnh.

Sự nỗ lực chống chọi của quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được sự quan tâm sâu sắc và chi viện kịp thời của Trung ương. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đoàn tiền trạm của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, đ/c Lê Huy Ngọ, đ/c Nguyễn Duy Hiệu đã tức tốc vào Hà Tĩnh để tìm mọi cách di chuyển bằng trực thăng vào Huế nhưng bị mây mù dày đặc nên đến ngày 4/11 mới vào được, gần như cùng một lúc với lực lượng công binh của Bộ Quốc phòng từ Hà Tĩnh sang Lào về Huế qua đường 9. Từ 4/11, cầu hàng không vận do Bộ tư lệnh Phòng không không quân đảm trách đã liên tục chở lực lượng, phương tiện vào sân bay Phú Bài và dùng trực thăng thả hàng cứu trợ cho những vùng bị nước lũ cô lập, kể cả ở huyện miền núi A Lưới.

Trong cơn hoạn nạn, Thừa Thiên Huế cũng đã kịp thời nhận được sự sẻ chia, đùm bọc, cưu mang của đồng bào cả nước, ngay khi đường còn bị tắc, nước vẫn còn lênh láng trong toàn tỉnh.

Cả nước và cả tỉnh chung nỗi đau mất mát; cùng góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp Thừa Thiên Huế vượt qua cơn đại hồng thủy 1999, chỉ 14 năm sau trận bão lịch sử 8/1985 với tổn thất lớn về nhân mạng, tài sản và cơ sở vật chất chưa kịp gượng dậy; chung tay với Thừa Thiên Huế trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai để tiếp tục xây dựng và phát triển.

Năm tháng qua đi nhưng những kỷ niệm sâu sắc, khó quên đối với tất cả người dân Thừa Thiên Huế, đồng bào cả nước. Điều chúng ta luôn mãi ghi nhớ là những hy sinh, những đóng góp thầm lặng của biết bao người, có địa chỉ và không có địa chỉ đã hành xử tự nguyện, đầy tình người để góp phần vào những đổi thay mà chúng ta chứng kiến hôm nay.

Nguyễn Văn Mễ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thi “Rung chuông vàng” về khí tượng thủy văn

Ngày 11/11, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng “Khí tượng thủy văn trong em” năm 2023.

Thi “Rung chuông vàng” về khí tượng thủy văn
Bão số 3 giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc), khoảng 620 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184 - 201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ.

Bão số 3 giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc
Dấu mốc của di sản Huế

Tối 17/6, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành di sản của nhân loại.

Dấu mốc của di sản Huế
Return to top