ClockThứ Tư, 06/01/2016 17:01

Những “ngôi nhà 48”

TTH.VN - Đề án hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48 của Chính phủ được triển khai đã góp phần xóa đi nỗi lo của người dân khi mùa mưa bão đến.
 

Ngôi nhà mới của gia đình bà Nguyễn Thị Bồng, phường Thủy Châu (Hương Thủy)

Vơi đi nỗi lo

Mùa mưa năm nay, hai mẹ con chị Huỳnh Thị Ty, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền không còn nớm nớp lo sợ khi đài báo đưa tin sắp có lụt bão. Với nguồn hỗ trợ 17 triệu đồng, cộng thêm nguồn vốn vay, gia đình xây dựng ngôi nhà nhỏ diện tích 15m2 đảm bảo thiết kế chuẩn chịu được lụt, bão. Ngoài phần móng và tường được làm kiên cố để chống bão, ngôi nhà còn được thiết kế thêm một căn gác lửng cao hơn nền nhà gần 3m, trên đó dự trữ một thùng nước và các nhu yếu phẩm. Khi nước lũ dâng lên, chỉ cần đưa bếp và thức ăn lên gác là có thể an toàn.

“Từ khi có nhà mới, mẹ tôi vui lắm, cứ suốt ngày mân mê từng mảng tường quanh nhà rồi cười. Nhờ thế, bệnh tình cũng thuyên giảm đáng kể”, chị Ty chia sẻ.

Thu nhập chính từ mấy sào rau trong vườn chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên không có tiền dôi dư để sửa chữa hay xây dựng nhà ở. Căn nhà cũ “rách tươm”, từng mảng tường nứt ngang dọc, cứ đến mùa mưa bão hai mẹ chị lại dắt díu nhau sang nhà hàng xóm tránh bão, lũ, hết mưa bão lại dắt nhau về. Mong ước xây dựng một ngôi nhà đảm bảo an toàn sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình nhà ở phòng tránh lụt, bão cho hộ nghèo.

Là địa phương nằm ở vùng thấp trũng, hàng năm vào mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở Quảng Điền phải gồng mình chống chọi với những trận thiên tai. Sau mỗi cơn bão, hình ảnh nhiều ngôi nhà bị tốc mái, tan hoang hoặc bị lũ cuốn trôi dường như không còn là chuyện lạ ở vùng đất này. Nhưng với hoàn cảnh khó khăn của những hộ dân nghèo ở Quảng Điền, việc xây ngôi nhà kiên cố, vững chãi chống chọi qua mỗi mùa mưa bão dường như là chuyện khó. Đề án hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48 của Chính phủ được triển khai đã góp phần xóa đi nỗi lo của người dân khi mùa mưa bão đến.

Bà Hoàng Thị Thận, xã Quảng Thọ là một trong những hộ nghèo, neo đơn nhận hỗ trợ từ chương trình cười mãn nguyện khi chúng tôi hỏi về cảm xúc vào nhà mới: “Cán bộ xã từ nay không còn phải tới vận động tôi di dời khi có bão lụt nữa rồi. Năm nay, nhà tôi sẵn sàng mời bà con tới nhà tôi trú ẩn khi có lụt, bão”.

Xã hội hóa chương trình nhà ở

Chương trình hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo phòng tránh bão, lụt được triển khai đã góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho người dân vùng lũ.

Theo số liệu thống kê từ Sở Xây dựng, Chương trình nhà ở phòng tránh lụt bão, đến thời điểm này đã có 2.235/3.508 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà phòng, tránh bão, lụt với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ của đề án này được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. 

Ông Trương Minh Thông, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Vang chia sẻ: “Hiện, tổng số nhà được phê duyệt trong Chương trình nhà ở phòng tránh lụt bão của địa phương là 625 nhà. Trong đó, đợt 1 là 220 nhà, đã xây dựng hoàn thành 171 nhà, đợt 2 mới phân bổ 240 hộ, huyện phê duyệt 185 hộ và đã triển khai xây dựng được 25 nhà. Chương trình này góp phần giúp địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, kiên cố hóa nhà ở giúp người dân ổn định cuộc sống. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng tận dụng và lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm thực hiện xã hội hóa chương trình nhà ở”.

Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tập trung thực hiện các chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng, nhằm góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Trên quan điểm thực hiện chủ trương xóa bao cấp và thực hiện chính sách xã hội hóa về nhà ở, các địa phương sẽ phải huy động thêm các nguồn lực để khuyến khích, khai thác mạnh mẽ các nguồn vốn của các thành phần kinh tế phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà và các công trình trong vùng ngập lũ. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ ảnh hưởng của bão lụt, góp phần giúp họ chủ động trong công tác phòng tránh, đồng thời cũng chủ động chung tay xóa nhà tạm cho chính bản thân mình.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top