ClockThứ Sáu, 24/08/2018 13:00

Những người bạn một thời

TTH - Trở về với cuộc sống đời thường, được sinh hoạt trong một ban liên lạc tình nghĩa, thăm viếng nhau khi đau ốm, động viên, an ủi nhau trong cuộc sống, các cựu chiến binh (CCB) Tỉnh đội bộ thấy cuộc đời càng ý nghĩa.

Cựu chiến binh “mê” thanh tràNghĩa tình đồng độiĐiểm tựa nơi biển xa

Ban liên lạc CCB Tỉnh đội bộ là những cán bộ, chiến sĩ của các ban tham mưu, chính trị, hậu cần thuộc Tỉnh đội bộ đã từng sống, chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Các đồng chí lúc ở chiến khu, khi vào trong lòng địch vận động Nhân dân xây dựng lực lượng đánh giặc giữ làng; vừa phân hóa, vận động lôi kéo ngụy quân, ngụy quyền trở về quê hương, không làm tay sai cho địch chống lại Nhân dân.

Ban liên lạc Tỉnh đội thăm Cảng Chân Mây (Phú Lộc)

Cuộc kháng chiến ngày càng khó khăn, nhưng tình đồng chí, đồng đội càng thêm gắn bó thương yêu, chăm sóc nhau khi đau ốm, giúp nhau khi hành quân, khi về đồng bằng gùi gạo, thực phẩm lên chiến khu. Có lần vượt qua đường, bị địch phục kích, có những đồng chí hy sinh, bị thương, nhưng không một ai sa vào tay giặc.

Vào những năm 1949 - 1953, khi đóng quân ở chiến khu Dương Hòa (Hương Thủy), Hòa Mỹ (Phong Điền), cuộc sống của chúng tôi thiếu thốn đủ thứ, cơm ăn với nước ruốc, có khi đi hái rau tàu bay nấu với muối, có lần nhổ phải nấm độc ăn vào bị ngộ độc đến nỗi có đồng chí tử vong. Có thời kỳ lụt lội phải ăn gạo thối nhưng vẫn lạc quan yêu đời, đóng góp vào sự chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương giành nhiều thắng lợi quan trọng, cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, số anh em ở Tỉnh đội bộ chuyển về các đơn vị khác nhau, có người ở lại Tỉnh đội bộ, có người chuyển đến Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến, một số về Sư đoàn 316 hoặc chuyển ra các đơn vị làm kinh tế như: Nông trường Rạng Đông (Nam Định), Nông trường Lệ Ninh (Quảng Bình); một số đồng chí khác vào Quân khu 5… Sau gần 40 năm xa cách, đến tháng 9/1993 một số đồng chí mới như Nguyễn Ngọc Cung, Hồ Xuân Anh, Bùi Quang Hiền mới gặp nhau và đứng ra tập hợp anh em thành lập Ban liên lạc CCB Tỉnh đội bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do Đại tá Nguyễn Ngọc Cung, nguyên Trưởng ban Tư pháp thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm Trưởng ban. Ban đầu có khoảng 20 đồng chí, sau đó biết có Ban liên lạc, anh em tự nguyện tìm đến, chỉ sau 2 năm đã có 47 đồng chí tham gia.

Tính đến nay, Ban liên lạc ra đời tròn 25 năm. Hàng năm, vào dịp 19/8 lại họp mặt truyền thống. Và cứ 5 năm, 10 năm, 20 năm được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ tổ chức gặp mặt để ôn lại truyền thống, nhắc nhở nhau giữ vững phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời, bàn bạc, thống nhất những quy ước về xây dựng quỹ tình nghĩa nhằm chăm lo hội viên lúc ốm đau, qua đời.

Thời gian trôi đi, đến nay số hội viên còn lại chưa đầy một nửa, tuổi tác bình quân trên 87 tuổi; trong đó có 7 đồng chí trên 90 tuổi.

Cuộc đời binh nghiệp có nhiều đồng đội, nhưng không có đồng đội nào gắn bó bằng đồng đội Tỉnh đội bộ, vì nơi đây cùng sống, chiến đấu với nhau lâu nhất và cũng là nơi vào quân đội đầu tiên. Vì vậy, mọi người sống với nhau như anh em ruột thịt, khi có đồng chí ốm nặng, anh em phân công nhau túc trực cùng với gia đình; khi qua đời tổ chức truy điệu, phúng điếu đồng đội tận tình, chu đáo.

Mừng thọ là hoạt động tình nghĩa của Ban liên lạc. Các đồng chí hội viên tuổi 70, 80, 90 tuổi đều được tổ chức mừng thọ. Ngoài mừng thọ tập thể do Ban liên lạc tổ chức, nhiều đồng chí còn tự tổ chức trong gia đình có sự tham gia của anh em trong Ban liên lạc.

Chúng tôi cũng tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa, hay một số công trình mới xây dựng như cầu đường, bến cảng, khu công nghiệp trong tỉnh, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội ở huyện, thị xã để hiểu hơn những chuyển mình của quê hương đất nước.

Nguyễn Công Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Tiếp sức cho con em Quảng Điền

Sau 30 năm hoạt động, Hội Khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế đã khen thưởng, động viên hàng ngàn học sinh gốc Quảng Điền đạt thành tích xuất sắc, vượt khó học giỏi. Sự quan tâm ấy là nguồn động viên tinh thần không nhỏ, để các em biết phía sau mình, ngoài cha mẹ, người thân còn có những người đồng hương sẵn sàng tiếp sức.

Tiếp sức cho con em Quảng Điền
Return to top