ClockThứ Tư, 09/02/2022 15:07

Những người “đu” cây

TTH - Chiếc xe cẩu được nâng lên từ từ, người công nhân ngồi trong thùng cẩu liếc mắt, đưa tay ra tín hiệu với người điều khiển phía dưới. Khi cần cẩu vừa đứng yên cũng là lúc công nhân tư thế vững chắc, chậm rãi đưa lưỡi cưa vào vị trí cành cây hỏng hoặc ngả ra mặt đường, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào. Trong tích tắc, thao tác nhanh gọn đã loại bỏ được mối nguy cho người đi đường.

Làm đẹp phố phường đón tếtCây xanh gãy đổ, đè trúng người đi đườngGần 4 tỷ đồng đầu tư dự án chỉnh trang khu vực vườn mai trước Đại Nội

Việc bảo tồn, phát triển cây xanh giữa lòng đô thị Huế có sự đóng góp công sức của những công nhân “đu” cây

Ăn dưới đất, làm trên trời

Một ngày cuối năm, khi mọi người tất bật chuẩn bị tết thì nhiều công nhân “đu” cây của Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) Huế vẫn đang phải bận rộn kiểm tra hệ thống cây xanh, đặc biệt những cây cổ thụ khắp nhiều tuyến đường trung tâm TP. Huế. Khác với công việc chăm cây quen thuộc ở dưới mặt đất, những công nhân chuyên đảm nhận nhiệm vụ “đu” cây ở trên không trung phải làm việc với đặc thù riêng, mức độ nguy hiểm cao.

Tranh thủ ngày hửng nắng, chiếc xe cẩu cùng “đội quân” gần chục người của Trung tâm CVCX Huế trực chỉ về một gốc xà cừ trăm tuổi được xếp vào hàng quý trong số cây cổ thụ trên đường Lê Duẩn, phía trước Kinh thành Huế. Gốc cây phải mấy người ôm không hết, thế cây chổng chơ, vồ ra mặt đường. Nếu không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, bên cạnh việc bảo tồn cây cổ thụ, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người đi đường cũng quan trọng không kém, luôn được tính toán kỹ lưỡng thông qua việc theo dõi, xử lý thường xuyên, kịp thời.

Mất một hồi hội ý, ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm CVCX Huế cùng với các thành viên đội cắt tỉa cây xanh đưa ra quyết định sẽ cưa một số cành trên cao ngả hướng ra mặt đường. Sau khi chặn đầu xe hai phía, công nhân Nguyễn Quốc Toàn nhanh nhạy nhảy vào thùng chiếc xe cẩu. Bên trong một chiếc cưa máy công suất lớn đã được đặt sẵn. Chiếc cần cẩu từ từ được điều chuyển lên cao, dịch dần vào vị trí cần cưa cành cây. Cứ thế, cho đến khi anh Toàn đưa ngón tay cái ra chỉ dấu “OK”, người điều khiến cẩu phía dưới sẽ hiểu ngay đã đúng vị trí.

Hít một hơi sâu, nhấc máy cưa lên, hai chân người đàn ông tuổi ngoài 50 có thân hình vạm vỡ đứng dạng ra làm trụ cho thân trên chồm ra, tiếp cận với cành cây. Gọi là cành cây, nhưng khi nhìn gần nó chẳng khác gì một cây gỗ lớn khác, vòng tay của một người có thể ôm gọn. “Cổ thụ mà. Đi qua về nhìn lên thấy nhỏ vậy thôi, nhưng đến gần mới thấy cành cây chẳng khác gì một thân cây vài ba chục năm tuổi”, anh Nguyễn Quốc Toàn giải thích rồi kéo máy cưa, dịch lưỡi cưa đến vị trí cành cây. Việc cưa cành cây tiến hành nhiều lần, chia ra nhiều đoạn bởi cả khối gỗ quá lớn, nặng.

Tiếng động cơ rền vang, đôi bàn tay anh Toàn nắm chặt máy cưa vừa dịch chuyển, vừa dí mạnh xuống cành cây. Lớp bụi gỗ từ cành cây bắn ra ngược hướng gió, phủ đầy lớp áo người công nhân cây xanh lão luyện. “Rầm” – tiếng cành cây rơi mạnh xuống đất, báo hiệu việc cắt cành cây cổ thụ thành công. Phía dưới, một vài công nhân kiêm tài xế khác đưa xe cẩu hạng trung vào để cẩu khối gỗ là cành cây vừa được cưa gãy vào lề đường, kịp trả mặt đường để xe cộ lưu thông. Khi xong việc, các thành viên nhìn nhau cười rồi đùa rằng, đây là nghề “ăn dưới đất, làm trên trời”.

Chuyện “đu” cây giờ đây như cơm bữa, khi tỷ lệ cây xanh Huế ngày càng tăng. Theo năm tháng, số lượng cây cổ thụ cũng nhiều hơn và được xem là tài sản vô giá mà không phải đô thị nào cũng có. Không chỉ “đu” cây để cắt tỉa, những công nhân còn đảm nhận luôn phần việc chăm sóc, theo dõi những mầm bệnh cũng như vô số tác động khác làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây xanh.

Đối mặt nhiều rủi ro

Trong một lần cùng “đu” cây với những công nhân cây xanh, chúng tôi mới thấm được những vất vả nhưng trên hết sứ mệnh và tình yêu mà họ dành cho cây xanh. Chỉ cần “yếu tim”, khi thùng cẩu bắt đầu dịch chuyển ngay lập tức sẽ giật mình và càng lên cao mức độ run sợ cứ thế tăng lên. “Với những người yếu vía, sợ độ cao sẽ không bao giờ làm được nghề này, bước vào thùng xe cẩu là ngợp ngay, chẳng khác gì người không quen đi biển khi bước lên thuyền sẽ say sóng, choáng váng”, anh Toàn đúc kết.

Một đồng nghiệp khác của anh Toàn là anh Phan Gia Bảo cũng thâm niên hơn chục năm gắn với nghiệp “đu” cây. Họ đến với nghề này bằng cái duyên và gieo vào đó tình yêu, niềm đam mê từ khi nào không hay. Anh Bảo kể rằng, ngày vào nghề, chuyên đảm nhận việc cắt tỉa, chăm bón cây xanh ở dưới mặt đất. Thế rồi thi thoảng một vài dịp cùng với anh em hỗ trợ, tham gia cắt tỉa, tạo tán trên cao cho một số cây cổ thụ nên bén duyên với nghề “đu” cây từ đó; ban đầu hơi run sợ, nhưng riết rồi cũng quen.

Khó đếm được số cây mà anh Toàn, anh Bảo và nhiều đồng nghiệp khác “đu” để cắt tỉa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ngoài đúng kỹ thuật còn phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Chỉ lên một cây cổ thụ từng được cắt tỉa, anh Bảo kinh nghiệm, công việc này được thực hiện trên không nên lưỡi cưa xê dịch, không đúng chuẩn như dưới mặt đất. Vì thế, sau khi cưa xong phải ngó nghiêng thật kỹ, nếu thấy mặt cắt không phẳng phải tỉa tót lại cho đẹp, có thế đến công đoạn bôi thuốc cho cây mới dễ dàng, đảm bảo không bị hư hỏng về sau. “Ngoài ra, phải làm sao cho đẹp để người đi đường qua về không phải chõi mắt, chê này nọ mình mới thấy thành công”, anh Bảo trải lòng.

Riêng với những cây cổ thụ cạnh các công trình, nhà dân mỗi khi xử lý đòi hỏi người “đu” cây phải cẩn trọng, khéo léo hơn rất nhiều. Để khi mỗi cành cây bị cưa hạ xuống mặt đất tuyệt đối không làm hư hỏng đến công trình, nhà dân.

Từng lên kế hoạch và theo sát những lần “đu” cây, ông Đặng Ngọc Quý nói rằng, phương tiện chuyên dụng hỗ trợ chỉ một phần, quan trọng hơn đó là kinh nghiệm. Qua mỗi lần “đu” cây, anh em Trung tâm CVCX Huế lại rút ra được những bài học kinh nghiệm quý, cứ thế lần sau lại thành thạo, chuyên nghiệp hơn lần trước. “Ngoài sức khỏe, bản năng của nghề này đó là sự khéo léo, nhẫn nại. Và trên hết anh em phải có tình yêu với cây xanh mới làm được”, ông Quý đúc kết và nói rằng, nếu không có những người “đu” cây, việc bảo tồn, gìn giữ cây xanh sẽ không được như ngày hôm nay.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là nền tảng để chờ đợi sự bứt phá trong tương lai của bóng đá tỉnh nhà. Vòng chung kết U19 Quốc gia 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của giải đấu này vẫn đọng lại với bóng đá Huế.

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế
Những người thức cùng mùa xuân

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người, nhà nhà tạm xếp lại những bộn bề cuộc sống để ở bên cạnh người thân, đón chào năm mới. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những con người lao động vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Những người thức cùng mùa xuân
Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
Khó cũng thưởng tết cho công nhân

Tình hình hiện tại và dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp (DN) đều cho biết sẽ cố gắng duy trì để có một khoản thưởng trong dịp tết ít nhất bằng mọi năm, nhằm động viên người lao động.

Khó cũng thưởng tết cho công nhân
Bù đắp khoảng trống cho công nhân lao động

Đồng hành cùng công nhân lao động (CNLĐ) nuôi con phát triển toàn diện, triển khai những hoạt động chăm lo, góp phần bù đắp những khoảng trống CNLĐ thiếu hụt đang được Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp (KTCN) tỉnh tập trung thực hiện.

Bù đắp khoảng trống cho công nhân lao động

TIN MỚI

Return to top