ClockThứ Tư, 14/10/2015 07:03

Những người không tuyệt vọng

TTH - Vượt qua nỗi lo sợ và mặc cảm khi biết mình nhiễm “H”, nhiều người đã hòa nhập với xã hội, trở thành những đồng đẳng viên tích cực, tuyên truyền cho mọi người cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS...
Tư vấn khám, điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh
Giành sự sống
Câu chuyện cuộc đời của anh NHG sau khi nhiễm “H” là hành trình giành lại sự sống. Cách đây 4 năm, trên đường đi làm về anh bị tai nạn. Khi người thân đưa vào bệnh viện xét nghiệm để điều trị các vết thương, không ngờ “màn đêm” đổ xuống khi biết bản thân dính “H”. Anh G hoang mang, luôn sống trong tuyệt vọng với án treo chờ ngày xa rời dương gian... Kể lại thời điểm biết mình bị dính “H” khóe mắt anh G đỏ hoe.
Bỏ qua những lời dị nghị của một số người xung quanh, anh G suy nghĩ lạc quan và cảm thấy cần sự sống tích cực. Theo anh G, vươn lên trong nghịch cảnh, cần làm những điều ý nghĩa với mọi người để xã hội thêm tươi đẹp vẫn hơn ngồi lo sợ bệnh AIDS. Nghĩ vậy, anh vừa điều trị bằng thuốc ARV (điều trị kháng HIV), ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Bây giờ sức khỏe anh G như bao người khác, hàng ngày cùng vợ đi làm, nuôi dạy con cái trưởng thành.
Nhắc đến trường hợp người chồng đã mất vì AIDS, chị NTL, 30 tuổi chẳng muốn mở “túi” ký ức mà chị khó khăn lắm mới nén chặt trong lòng. Sau khi chồng ra đi, không chịu được sự kỳ thị, xa lánh của người xung quanh, chị T. một mình rời quê vào Nam sinh sống trong buồn tủi. Hôm gặp, sau một hồi thuyết phục, chị T. mới thổ lộ: “Thời điểm năm 2005, sự kỳ thị người bị nhiễm “H” còn nặng lắm. Lúc đó, tôi chỉ biết lao vào công việc để quên đi sự tủi buồn và kiếm tiền nuôi con. Nhưng đêm về lại sợ, nếu mai này mình chết, tương lai các con sẽ về đâu. Chồng mình không có tội, tôi và những người đang mang bệnh “H” cũng vậy”.
Bước ngoặt đổi thay suy nghĩ của chị L là khi quyết định tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh vào năm 2010. “Hiện tại, mình sống chung với bệnh, nhưng luôn được các bác sĩ ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn, chăm sóc, điều trị nên sức khỏe tốt lên, tinh thần thoải mái, có thời gian buôn bán, kiếm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống”- chị L nói.
Mới đây có dịp gặp anh BVV, bị nhiễm “H” hơn 10 năm nay do những tháng ngày không kiểm soát bản thân. Anh P kể, khi phát hiện, mọi hoạch định kinh doanh có triển vọng đành phải xếp lại để quyết định về quê. Thời gian đầu, đêm nào nước mắt cũng đầm đìa gối. Anh khóc không chỉ giãi bày nỗi buồn bản thân mà chính để khuất lấp sự dằn vặt lương tâm khi nghĩ đến mẹ già, thường xuyên ốm đau lúc nào cũng nhờ vào người con trai duy nhất thuốc thang. Anh nói: “Nhiều lúc muốn quyên sinh nhưng nghĩ mẹ già, người thân là mình không thể. Cuộc đời của người nhiễm H sẽ không ngắn ngủi nếu biết sống, biết chăm lo sức khoẻ bản thân. Mình đã đứng lên làm lại từ đầu cách đây 7-8 năm rồi”. Hiện, anh P là một trong những người thợ điện giỏi, có thu nhập ổn định ở vùng ven đô.
Tìm lối đi riêng
Những ngày mới biết mình nhiễm “H” tuy đau khổ, lo lắng nhưng không phải vì phận éo le, bất hạnh mà những người bị nhiễm sống tuyệt vọng. Tình yêu thương, sự sẻ chia đã gắn kết họ, giúp họ xóa bỏ quá khứ, quên đi mặc cảm, sống vui vẻ, hạnh phúc bên người thân, gia đình. Những điều tốt đẹp trên là nhờ Nhóm giáo dục viên đồng đẳng Bạn giúp bạn ra đời vào năm 2009, thông qua sự kết nối của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Anh BVV, nhóm trưởng cho biết, từ ngày thành lập, nhóm đã tham gia các khóa tập huấn kỹ năng, tiếp cận, thiết lập các mối quan hệ để mở rộng hệ thống cộng tác viên trên địa bàn để cung cấp hỗ trợ, tư vấn cho những người có “H” nâng cao kiến thức xã hội, hoà nhập cộng đồng, phòng lây truyền “H” từ mẹ sang con, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, xét nghiệm, điều trị thuốc ARV... Đồng thời, nhóm chủ động tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như sự kiện truyền thông, tổ chức vui chơi giải trí cho các con trẻ của người có “H” các dịp lễ, tết...
 Theo anh V, khi mới thành lập, nhóm Bạn giúp bạn chỉ có 6 thành viên nòng cốt, hoạt động ở địa bàn TP.Huế. Đến nay, nhóm mở rộng ra khắp các địa phương, đội ngũ tuyên truyền viên đã lên đến hàng chục người, thường tìm kiếm, gặp gỡ, giúp đỡ những người có “H” sống vui tươi, hoà nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội.
Chị TTH, một cộng tác viên tham gia sinh hoạt nhóm Bạn giúp bạn chia sẻ, chồng chị là người có “H”. Trước khi tiếp cận nhóm, chị đã sống một cuộc sống trong “bóng tối”. May mắn, khi được tham gia vào nhóm, chị hiểu rõ hơn về căn bệnh, cập nhật những kiến thức phòng, chống lây nhiễm “H”, chăm sóc dinh dưỡng, chia sẻ, động viên chồng uống thuốc để ngăn chặn bệnh phát triển. Đó là động lực để chị tiếp tục vun đắp cho gia đình mình hạnh phúc.
Bác sĩ Đoàn Chí Hiền, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Hoạt động của nhóm Bạn giúp bạn đáng ghi nhận. Là những người “trong cuộc” nên họ hiểu rõ tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của người bị nhiễm HIV.”.
Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Return to top