ClockChủ Nhật, 28/05/2017 13:26

Những người "nảy mực"

TTH - Từ bàn tay tài hoa của những người thợ “nảy mực” đóng tàu, ngư dân không chỉ có thuyền đủ các loại công suất lớn nhỏ đạp sóng vươn khơi, bám biển mà họ còn mang các mẫu tàu truyền thống của Huế đi đến những vùng, miền khác.

Anh Nguyễn Văn Vận với công đoạn nảy mực

Chính xác đến từng centimet

Có lần, ngồi trò chuyện với ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận, ông bảo rằng, mấy chục năm trong nghề đóng tàu, tiếp xúc đủ giới, anh biết tui giữ cho mình “bảo bối” chi không? Hỏi rồi ông cũng nói luôn: “Thợ nảy mực đóng tàu. Với tui, họ là người “cầm cân nảy mực” trong sự nghiệp của mình. Họ sai một ly thì mình đi một dặm”.

Câu chuyện của ông Hiếu khiến tôi tò mò. Tìm về “thợ cả” Nguyễn Văn Vận (40 tuổi, trú thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc), khi anh đang làm việc tại xưởng đóng tàu An Thuận (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), mới vỡ lẽ, “nghiệp tàu thuyền” cũng lắm nhiêu khê, không đơn thuần như một người “ngoại đạo” nhìn vào.

Trong câu chuyện về những người thợ thuyền đã từng đi qua cuộc đời anh Vận, anh vẫn nhớ mãi đến “người thầy” cũng là cha mình, khi ông đang còn làm thợ cả tại xưởng đóng tàu ở thị trấn Phú Lộc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống đóng tàu cá đi biển, tuổi thơ của anh Vận là những tháng ngày “dập dềnh” khi theo mẹ ra biển, theo bố đến xưởng đóng tàu. “Những năm 1988-1989, xưởng đóng tàu ở mũi Né (Phú Lộc) rất lớn. Thuở nhỏ chừng 10 tuổi, mình ra đó nhìn cha, chú đóng tàu mà lòng tràn ước mơ. Nghề nảy mực mình học từ cha cũng tại đây”, anh Vận hồi ức.

Hiện tại, ở xưởng đóng tàu An Thuận có 3 thợ chuyên làm nảy mực để các thợ khác xẻ ván đóng tàu, nhưng giỏi nhất vẫn là anh Vận. Cái sự giỏi ấy không phải anh “tự phong” mà cánh thợ nảy mực ngầm hiểu với nhau. Ngồi trò chuyện, anh Vận bảo, trong đóng tàu, công đoạn nảy mực là quan trọng nhất bởi nó “quy định” sự chính xác của từng mẫu ván, cấu kiện trong con tàu. Nảy mực sai khoảng 3cm thì vứt một tấm ván, thợ phải đền. Người thợ sẽ cầm một cuộn dây, được cuốn trong một hộp gỗ có kết cấu một trục xoay tẩm mực tàu. Phía đầu kia của cuộn dây do một người thợ khác cầm hoặc gắn với một quả cân (tạ) nhỏ. Đầu này người “thợ cả” sẽ kéo dây theo chiều dài tấm ván và nảy cho mực in xuống tấm ván đó. Người thợ cưa ván sẽ căn cứ theo đường mực mà cưa làm sao lấy được tấm ván ưng ý.

Công đoạn sơn xảm chống nước cho tàu cá

Nảy mực nhìn đơn gian thế, nhưng không phải bất cứ một thợ nào cũng làm được. Bởi, thợ đóng tàu không đơn thuần là thợ mộc. Để nảy mực được những đường cong, đường uốn theo thân, lườn, mũi tàu thì người thợ cả phải có một kỹ năng “ngắm ván” để nảy mực bằng mắt thường nhưng độ chính xác đến từng centimet. “Cách ngắm tùy vào kinh nghiệm của người thợ. Ví dụ một tấm ván 3m mình chia làm 10 đoạn đường thẳng. Một đoạn đường thẳng đầu tiên sẽ tương đương 3 phân; đoạn thứ 2 sẽ là 6 phân đối với đường cong. Nhưng khi tính đến vòng cung lớn nhất của tấm ván thì tính ngược lại”, anh Vận giải thích.

Khó nhất của người thợ nảy mực là ngắm đường “chạch mũi” (tức mũi tàu). Bởi đường này ván vừa cong lên nhưng vừa ôm lại hai bên để có hình mũi tàu. Không phải thợ cả nào vào nghề cũng lấy được đường mực phần “chạch mũi” .Như anh Vận, hai mươi năm trong nghề nảy mực đóng tàu, khá nhiều lần “sai số” phải đền cho chủ gỗ cả tấm ván. Mỗi lần như thế anh xem là một bài học của nghề.

Nghề nảy mực là khâu quan trọng nhất trong việc đóng tàu nên bình quân một tàu công suất 800-900CV với 700 công (400 triệu đồng), thì thợ cả sẽ được trả công hậu hỹ nhất, bình quân trên dưới 600 nghìn đồng/ngày.

Đưa tàu Huế đi xa

Hiện, tại xưởng đóng tàu An Thuận có 2 thợ nảy mực là anh Vận và anh ruột Nguyễn Văn Quát. Ngoài ra, có thêm 2 người chú và anh con bác của anh Vận cũng đang làm thợ nảy mực tại cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Phong (thị trấn Thuận An). Những người thợ tài hoa trong nghiệp đóng tàu đã góp phần không nhỏ mang mẫu tàu biển truyền thống (dân địa phương gọi là mẫu dân gian) của Huế đi đến các vùng, miền khác. Năm 2016-2017, đã có 6 chiếc tàu đóng theo mẫu truyền thống của Huế được ngư dân Quảng Bình đặt đóng ngay tại xưởng đóng tàu An Thuận. “Nghe ngư dân về mách lại, đi biển thấy người ngoại tỉnh dùng mẫu tàu Huế mà sướng”, anh Vận cười hiền.

Một mẫu tàu truyền thống ở Huế được ưa chuộng

Mẫu tàu truyền thống Huế thì chỉ có thợ Huế đóng mới bền, đẹp. Đóng tàu theo mẫu này có sức chứa lớn hơn, tàu đi nhanh hơn do tiết diện tiếp xúc với nước ít hơn. Anh Vận tiết lộ: “Hiện tại ở Huế có 2 mẫu tàu: Mẫu truyền thống (dân gian) và mẫu nhà nước. Người thợ đầu tiên phải cưa ván “be lường” (dưới mạn tàu), cưa khung gian đà (phần trong thuyền dùng để bắt bulông), ráp lên thành bộ lườn thuyền rồi dựng hai “lô” (lái, mũi thuyền) lên, bắt các chệch (viền đen, đỏ hai bên mạn tàu) rồi dựng ván đi, làm cabin tàu, hầm đá. Công đoạn cuối cùng là “sơn, xảm” chống nước cho thân tàu”.

Theo anh Vận, đóng tàu theo mẫu truyền thống của Huế khó hơn nhưng hiệu quả đi biển cao hơn nên không chỉ được ngư dân trong tỉnh lựa chọn mà ngư dân nơi khác cũng ưa chuộng. Anh Nguyễn Văn Quát cho biết: “Mẫu tàu dân gian Huế đóng khó nhất là hai phần mũi và lái vì đều cong lên, không như phần lái vuông như tàu theo 'mẫu nhà nước'. Mẫu tàu Huế dài 26-28m, ngang 7m, nhưng tiết diện với nước ít hơn nên tàu chạy nhanh hơn”.

Một cái khó nữa trong công đoạn đóng tàu nói chung và mẫu tàu truyền thống Huế là dùng lửa uốn ván. Ván được cưa ra, quét vôi tàu nhiều lớp rồi giữ bằng những thanh đà. Người thợ sẽ nung lửa “ngập” ván từ 40-50 phân. Trong quá trình nung phải dùng nước xịt điều tiết nguồn nhiệt, không cho cháy ván. Mỗi tấm ván phải nung trong 2 ngày. “Người thợ nảy mực sẽ căn cứ vào độ cong của ván bằng mắt thường để có thể quyết định đến việc ngưng nung lửa hay không. Đợi ván nguội thì tháo thanh đà, ván sẽ “chết”, không bật về lại vị trí như cũ nữa”, anh Vận giải thích.

"Hiện nay mình đang nghiên cứu các mẫu tàu trong Nam để “bổ túc” cho sản phẩm tàu Huế. Tàu trong Nam đóng rất đẹp, họ ra đây đặt đóng, mình đã làm thử mấy chiếc. Khi lên đà, mình cũng nghiên cứu cách đóng tàu trong Nam để tìm những tính ưu việt của nó, bổ sung cho mẫu tàu truyền thống Huế”, anh Vận chia sẻ.

Đội đóng tàu xa xứ

"Hiện tại, xưởng duy trì đều đặn khoảng 30 công nhân, thời cao điểm lên khoảng 40 công nhân. Các thợ đóng tàu giỏi ở Huế đa số đến từ thị trấn Phú Lộc. Anh em đều ở xa đến, tham gia các công đoạn đóng tàu thường mười ngày nửa tháng mới về nhà một lần nên được công ty bố trí chỗ ở, sinh hoạt đầy đủ. Vừa rồi, công ty cũng trang bị thêm ti vi, xây dựng thêm nhà tạm để các công nhân thuận tiện lưu trú"

Ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận thông tin

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top